Thế mạnh vùng nguyên liệu khoai lang
Khoai lang là cây màu đặc sản của xứ rẫy Bình Tân với chất lượng thơm ngon nổi tiếng, nhờ tay nghề của người trồng và phù hợp với thổ nhưỡng. Hiện khoai lang Bình Tân đã có nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Bình Tân”, có logo là “BINHTAN SWEET POTATOES- Khoai lang Bình Tân- Vĩnh Long- Việt Nam”.
Bình Tân phấn đấu ổn định diện tích khoai lang mỗi năm từ 10.500- 11.000ha.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, khoai lang được trồng nhiều nhất ở huyện Bình Tân với trên 95% diện tích, ước sản lượng hàng năm đạt từ 300- 400 ngàn tấn.
Các giống khoai phổ biến là khoai lang trắng giấy, trắng sữa, bí đường, bí nghệ và tím Nhật. Thời vụ khoai lang trồng quanh năm nhưng tập trung nhiều trong mùa nắng từ tháng 1- 5 hàng năm. Đặc biệt, khoai lang trồng ở vùng này thường rất ngon, có vị ngọt, dẻo và thơm, được thị trường ưa chuộng.
Hiện năng suất khoai lang đã đạt đến ngưỡng cao, nên nếu muốn tăng năng suất nếu cần đầu tư nhiều vào công tác giống. Năng suất khoai lang bình quân 30 tấn/ha (giống khoai tím Nhật). Chủ yếu sản lượng khoai lang tập trung nhiều vào vụ Đông Xuân nhờ thuận lợi cho sản xuất, năng suất đạt cao và có giá bán khá cao so với các vụ khác trong năm.
Thị trường tiêu thu khoai lang tỉnh Vĩnh Long phục vụ cho xuất khẩu chiếm 86%, chủ yếu xuất tiểu ngạch ở thị trường Trung Quốc, một số ít xuất sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,… thị trường tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 14%.
Hiện nay thương hiệu khoai lang Bình Tân đã nổi tiếng trên thị trường. Việc khai thác thương hiệu đã được doanh nghiệp Nhật Thành và HTX Khoai lang Tân Thành thực hiện.
Hiện ở Bình Tân đã thành lập được 2 HTX, trong đó, HTX Khoai lang Thành Đông có tổng diện tích sản xuất 15ha, mỗi vụ cung ứng cho thị trường hơn 300 tấn khoai đạt tiêu chuẩn an toàn.
HTX được Viện Nghiên cứu rau quả đầu tư một kho lạnh với sức chứa hơn 2 tấn/ngày. HTX Khoai lang Tân Thành có diện tích sản xuất 7ha, mỗi ngày cung ứng cho thị trường 35 tấn khoai. Hiện HTX cũng đã xây dựng 1 kho chứa 450m2, có thể chứa 200- 300 tấn khoai mỗi năm.
Riêng doanh nghiệp Nhật Thành là công ty kinh doanh khoai lang tư nhân đang cung ứng sản phẩm khoai lang tươi cũng như đang chào bán các dạng sản phẩm khoai lang khác như bột khoai lang, rượu khoai lang, tinh bột khoai lang, bánh khoai lang…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Tân và TX Bình Minh còn có hơn 40 điểm thu gom khoai lang để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Do thị trường xuất khẩu ưa chuộng giống khoai lang tím Nhật vì vậy cơ cấu giống tập trung nhiều vào giống khoai này, chiếm 80% diện tích xuống giống, còn lại 20% phân bố cho các giống khoai địa phương khác như trắng giấy, trắng sữa, bí đường,… những giống này chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước.
Cánh đồng mẫu lớn khoai lang là mô hình kiểu mẫu với diện tích hơn 30ha tại xã Thành Đông (Bình Tân).
Nơi đây đã ứng dụng nhiều phương pháp canh tác cải tiến sản xuất khoai lang theo quy trình GlobalGAP,… sản phẩm từ mô hình mang lại luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi nhuận luôn cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5- 2 lần do giảm lượng phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và có nhiều sản phẩm khoai đạt tiêu chuẩn loại I.
Đây là mô hình được xây dựng trên cơ sở thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu rau, củ, quả của tỉnh Vĩnh Long.
Theo ông Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện xác định khoai lang vẫn là loại màu chủ lực, vì vậy mỗi năm địa phương phấn đấu ổn định diện tích từ 10.500- 11.000ha.
Khoai lang Bình Tân rất cần công nghệ bảo quản, tồn trữ và chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Diện tích khoai lang được phân bổ tập trung tại các xã như: Thành Lợi, Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược, Tân An Thạnh và một phần của 2 xã Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh.
Từ đó, tiếp tục mở rộng phần diện tích còn lại trên địa bàn 2 xã Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh, tăng cường áp dụng các biện pháp chống thoái hóa giống để duy trì ổn định năng suất, hướng dẫn nông dân thâm canh tiên tiến giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- cho biết thời gian qua, đầu ra của khoai lang chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên rất dễ bị thao túng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể như giá cả do thương lái quy định và biến động hàng ngày.
Phương pháp thu mua giữa thương lái và nông dân đều không thông qua hợp đồng. Sản lượng, quy cách thu mua luôn có sự thay đổi làm cho nông dân luôn gặp khó khăn trong việc cân đối diện tích sản xuất, chọn thời điểm thu hoạch khoai và không yên tâm đầu tư sản xuất.
Do đó, việc nghiên cứu phương pháp bảo quản, tồn trữ và chế biến khoai lang cho vùng sản xuất khoai lang tập trung với diện tích lớn nhất của tỉnh là nhu cầu bức thiết hiện nay.
Khoai lang Bình Tân với chất lượng tốt, diện tích và sản lượng lớn- tập trung, đủ để trở thành vùng nguyên liệu mạnh cho xuất khẩu và chế biến.
Do đó, ngoài việc tìm kiếm và ký kết hợp đồng xuất khẩu với các thị trường truyền thống, huyện Bình Tân còn chú ý đến các thị trường mới cũng như khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư chế biến sản phẩm từ khoai lang về với địa phương này.
Có thể bạn quan tâm
Khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, đã tạo điều kiện cho tỉnh Vĩnh Long phát triển những vùng chuyên canh nông sản như lúa gạo, bưởi Năm Roi, cam sành
Đó là cách mà nhiều hộ nông dân trồng lúa ở xã Vĩnh Lộc (H.An Phú, An Giang) đã áp dụng mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và chất lượng
Người dân Lục Ngạn đang kỳ vọng, trong tương lai không xa, không chỉ quả vải mà những quả khác của vùng đất này đều có thương hiệu, xuất khẩu đi toàn thế giới.