Thanh Niên Làm Kinh Tế Giỏi
Ở nông thôn, nhiều thanh niên đã biết cách làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Đó là những tấm gương tiêu biểu cho các bạn đoàn viên, thanh niên tại địa phương học hỏi, làm theo.
Xuất thân trong một gia đình nông dân, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Thanh Thảo, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn trở về địa phương gặp không ít khó khăn. Lúc đầu anh phải đi chạy xe khách để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng những dự tính về phát triển kinh tế gia đình luôn thôi thúc nên anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế trang trại. Đối tượng anh lựa chọn là ba ba thương phẩm để đón đầu những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trong thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm từ công tác chăm sóc cũng như chọn giống, nên từ 1.000 con giống thả nuôi đầu tiên, anh chỉ thu được 600kg thương phẩm, trong khi phải mất thời gian nuôi đến 18 tháng. Nhưng với ý chí quyết tâm vươn lên nên anh tiếp tục thực hiện. Tận dụng 500 con ba ba giống được sinh trưởng từ những con ba ba ban đầu, anh tiếp tục nhân giống và đã thành công với mô hình này.
Đến thời điểm này, anh đã huy động vốn từ gia đình để đầu tư xây dựng được 7 ao nuôi ba ba. Từ vài trăm con giống ban đầu, hiện nay đã lên đến 10.000 con giống bố mẹ để sản xuất và cung ứng ra thị trường. Giá ba ba rất ổn định, loại I có giá từ 370.000 - 380.000 đồng/kg, loại II có giá khoảng 270.000 đồng/kg. Ngoài nguồn thu nhập chính từ ba ba thương phẩm, anh còn xuất bán ba ba giống, với giá ổn định 2.200 đồng/con. Anh Thảo chia sẻ: Nuôi ba ba không khó, nhưng nặng ở khâu chi phí đầu vào và bảo quản ao nuôi, nếu không biết cách thì sản lượng hao hụt sẽ rất lớn, nhưng bù lại giá bán cao nên nguồn lợi nhuận thu về đáng kể. Theo dự kiến, trong tháng 3 này, gia đình sẽ xuất bán hơn 1 tấn ba ba thịt, giá trị thu về hơn 300 triệu đồng.
Là con út trong gia đình nên anh Nguyễn Văn Bước, ở ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Nghĩa A đành gác lại chuyện học tập sau khi rời ghế nhà trường để phụ giúp công việc đồng áng của gia đình. Trăn trở với cuộc sống khốn khó, anh Bước nhận thấy để có cuộc sống tốt hơn cần có sức lao động, có vốn và kiến thức để sản xuất. Với vốn kiến thức mà anh có được từ thực tế và qua các lớp tập huấn do Đoàn thanh niên tổ chức, anh đã tìm hiểu, học hỏi và mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng ổi không hạt trên đất vườn của gia đình. Anh tâm sự: “Dù trên vùng đất này còn nhiều khó khăn, nhưng ngược lại mình có thuận lợi là sẵn có đất sản xuất, vì lẽ đó đã quyết tâm tìm mô hình phù hợp để làm kinh tế”.
Với 620 cây ổi giống ban đầu, sau gần 8 năm cần cù, chịu khó lao động sản xuất, anh Bước đã từng bước khắc phục được khó khăn, dần dần ổn định cuộc sống. Giờ đây, gia đình anh đã có 6.500m2 chuyên canh trồng ổi không hạt, sản lượng hàng năm đạt từ 50-100 tấn trái, lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Anh Bước cho biết: “Trồng giống ổi này có rất nhiều cái lợi, vừa nhẹ công chăm sóc lại có thể thu hoạch thường xuyên, tuổi thọ cây cao nên không cần tốn nhiều chi phí cho việc trồng mới. Tuy nhiên, giống này hay mắc bệnh, vì vậy đòi hỏi khâu xịt thuốc phải kỹ càng trước khi đưa sản phẩm ra người tiêu dùng”.
Không dừng lại ở đó, để kiếm thêm thu nhập, anh Bước tiếp tục đầu tư trồng các loại cây ăn trái khác cho năng suất cao trên diện tích 6 công đất còn lại của gia đình. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, anh còn là một thanh niên tiêu biểu, tích cực trong việc tham gia các hoạt động phong trào đoàn và các hoạt động xã hội khác ở địa phương.
Ông Dương Quốc Duy, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành A, cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 85 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ cho thu nhập ổn định từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Đây là những gương thanh niên điển hình tiêu biểu trong phong trào hoạt động Đoàn và phát triển kinh tế gia đình. Để giúp các đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm hoạt động Đoàn, hàng năm Đoàn thanh niên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội của huyện cho vay vốn để giải quyết việc làm, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của thanh niên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Phần lớn lúa đông xuân niên vụ 2011-2012 đang còn ở trên đồng, nhưng nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL đã lại nôn nóng xuống giống lúa vụ xuân hè (hè thu sớm) trên diện tích lớn. Và một diện tích lớn vụ này đã sớm bị nhiễm rầy nâu.
Nói tới nghề nuôi chim yến, người ta thường nghĩ ngay tới các vùng ven biển như Khánh Hòa, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Giờ - TP HCM… Nhưng ít ai biết rằng, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng lại đang phát triển nghề nuôi chim yến, mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân nơi đây.
Trùn quế là loại thức ăn giàu đạm giúp các loại gia cầm như: gà, vịt, bồ câu... lớn nhanh. Không những thế trùn quế còn có khả năng rất đặc biệt là có thể xử lý phân gia súc, gia cầm thành loại phân vi sinh giàu dinh dưỡng dùng để bón cây trồng. Nắm bắt được lợi ích đó, anh Nguyễn Văn Tánh ở thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết - Bình Thuận) đã mạnh dạn đầu tư nuôi trùn quế. Hiện mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình anh.