Giá / Mô hình kinh tế

Thanh Long Trái Vụ - Chuyện Dài Giữa Ông Nhà Đèn Và Bác Nông Dân

Thanh Long Trái Vụ - Chuyện Dài Giữa Ông Nhà Đèn Và Bác Nông Dân
Tác giả: 
Ngày đăng: 28/06/2012

Nhu cầu dùng điện lưới để chong đèn thanh long trái vụ ở tỉnh Bình Thuận lớn thế nào thì ai cũng biết. Những năm gần đây, do sự phát triển diện tích trồng thanh long nên nhu cầu trên lại tiếp tục tăng với nhịp độ chóng mặt. Theo tính toán của ngành chuyên môn thì từ năm 2007 đến nay, việc sử dụng điện để chong đèn thanh long tăng trung bình 48%/năm. Để giải quyết tình trạng quá tải này, thời gian qua, ngành điện cũng đã đưa vào vận hành trạm biến áp (TBA) 110kV ở 

Hàm Kiệm và đang triển khai nâng công suất các TBA 110kV ở Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Phan Thiết… Tuy nhiên, ngành điện cũng thừa nhận, sự đầu tư trên chỉ đáp ứng được phụ tải hiện tại (đang bị cắt tiết giảm), công suất vẫn không đủ đáp ứng cho phát triển phụ tải mới. Theo tính toán trong qui hoạch, đến năm 2015, diện tích thanh long trong tỉnh sẽ phát triển lên 15.000 ha, trong đó có 13.000 ha đến thời kỳ chong đèn, nhưng thực tế diện tích thanh long hiện nay đã vượt quá qui hoạch, chưa kể rất nhiều diện tích thanh long đã được nông dân tự ý trồng trên đất lúa và chưa chuyển qua đất trồng cây lâu năm. Nếu có con số thống kê thật sự đầy đủ, chắc chắn con số thực sẽ không nằm ở mức đó. Và chuyện quá tải cho ngành điện là chuyện tất yếu.

Theo ngành điện thì nếu tiếp tục cung cấp điện phục vụ chong đèn thanh long như hiện tại, tình trạng phụ tải trên hệ thống điện sẽ tiếp tục vận hành không ổn định ở mức độ lớn hơn trong những năm tới, điện tiếp tục quá tải và nguy cơ sự cố hệ thống điện sẽ cao hơn. Trong khi nguồn vốn đầu tư không đáp ứng. Trước tình hình trên, vừa qua một số ngành chức năng trong tỉnh đã tính đến việc nghiên cứu xây dựng phương án cung cấp điện “liệu cơm gắp mắm” đối với việc cung cấp điện để nông dân chong đèn thanh long trái vụ. Chủ yếu là ở 2 huyện tiêu thụ nguồn điện lớn là Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Làm cách nào để giữ sự ổn định và không ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp trong tỉnh, lại vừa bảo đảm cho hệ thống điện vận hành an toàn, không còn “chập chờn” như thời gian qua.

Lâu nay, nhà đèn áp dụng phương thức 1 đêm cắt, 3 đêm có. Do các nguyên nhân đã nói ở trên, vừa qua trong kế hoạch phục vụ cho mùa thanh long 2012 - 2013, ngành điện đã đề xuất phương án mới - Cung cấp điện luân phiên theo 2 địa bàn, mỗi đợt chong đèn huyện này được cung cấp điện 25 ngày liên tục rồi đến huyện kia nối tiếp. Việc cung cấp điện thanh long luân phiên sẽ được thực hiện liên tục trong mùa vụ từ tháng 8/2012 đến tháng 4/2013. Đây là phương án mà ngành điện cho là phù hợp với tình trạng chong đèn thanh long gây quá tải điện hiện nay. Nhưng vấn đề là phương án mà nhà đèn đưa ra có phù hợp với nguyện vọng của nông dân ở 2 huyện đang có diện tích thanh long cao nhất tỉnh hay không?

Nhiều nông dân đã đưa ra ý kiến trong 2 cuộc thảo luận mà tỉnh tổ chức, có người đề nghị phải 5 ngày có, 1 ngày cắt thì mới đáp ứng được nhu cầu điện của nông dân, người thì đồng ý giữ phương án cũ, có nông dân cho rằng chẳng có phương án nào phù hợp… Riêng chuyện cắt điện luân phiên 25 ngày có và 25 ngày cắt, một nông dân đã phát biểu trong cuộc họp tổ chức ở huyện Hàm Thuận Bắc rằng đây là phương án không khả thi, thứ nhất là trong thời gian 25 ngày bị cắt điện, nông dân (trồng thanh long) sẽ không có điện để sử dụng trong sinh hoạt và tưới tiêu, thứ 2 nếu chong đèn hàng loạt, tư thương sẽ biết trước thời vụ thu hoạch và dẫn đến việc ép giá (ý kiến này được nhiều nông dân đồng tình), còn vấn đề khác là nếu lỡ “đánh” vụ này bị thất bại, nông dân không có điều kiện “đánh” tiếp bù lại vì bị cắt điện…

Chuyện của ông nhà đèn và bác nông dân có lẽ nói hoài cũng không kết thúc, nhưng có một điều dễ nhận ra là có sự mất cân đối ở khâu quản lý của ngành chuyên môn và chính quyền. Địa phương vẫn thả lỏng để diện tích thanh long tự phát tiếp tục phát triển, nhiều hộ đã sử dụng điện thắp sáng để chong đèn thanh long, ngành điện thì tuy biết rõ công suất không đủ nhưng vẫn tiếp tục cho hạ thế, không có biện pháp chế tài thích ứng để ngăn chặn việc chong đèn trái phép, nhất là không có sự đầu tư tương xứng để đáp ứng nhu cầu dùng điện chong đèn thanh long của nông dân. Dẫu sao, cây thanh long đang là một trong những thế mạnh về phát triển kinh tế ở tỉnh hiện nay, nhưng sử dụng điện như thế nào để không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cộng đồng và sự phát triển của các ngành khác là chuyện nên tính toán, nhất là không ảnh hưởng đến nhu cầu và lợi nhuận của nông dân đang trồng thanh long ở tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Triển Vọng Mới Cho Nghề Nuôi Tôm Triển Vọng Mới Cho Nghề Nuôi Tôm

Năm 2012 là năm khó khăn cho nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau. Không chỉ dịch bệnh tràn lan mà giá cả bấp bênh, môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng… Trước những yếu tố bất lợi đó, những chủ trương, giải pháp mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cùng với nhiều sáng kiến của người dân đã đưa nghề nuôi tôm bước sang giai đoạn mới.

28/06/2012
Nông Dân Không Lãi Trong Sản Xuất Lúa Vụ 2 Nông Dân Không Lãi Trong Sản Xuất Lúa Vụ 2

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang thu hoạch lúa vụ 2 nhưng nhà nông không vui bởi giá lúa giảm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh xảy ra nhiều, chi phí cao nên nông dân Cà Mau đang đứng trước nguy cơ thua lỗ. Trong khi đó, giá lúa ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL đang có chiều hướng tăng và ổn định.

28/06/2012
Đổi Thay Từ Xây Dựng Nông Thôn Mới Đổi Thay Từ Xây Dựng Nông Thôn Mới

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, ý thức của các ngành, các cấp và nhân dân huyện Trần Văn Thời từng bước được nâng lên. Đến nay, có 11/11 xã phê duyệt xong đồ án quy hoạch, có 3 xã đạt trên 5 tiêu chí, 2 xã đạt 4 tiêu chí, số còn lại đều đạt 3 tiêu chí.

28/06/2012