Giá / Tin nông nghiệp

Thanh long ruột đỏ chinh phục đất cằn

Thanh long ruột đỏ chinh phục đất cằn
Tác giả: Hương GIang (Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang)
Ngày đăng: 21/09/2019

Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy và Phạm Thị Yến ở thôn Mải, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, Bắc Giang là các hộ tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ trồng trên đất đồi.

Cây thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng đất đồi nơi đây.

Thăm vườn cây đang cho thu hoạch quả và được nghe kể về cơ duyên đưa cây thanh long về vùng đất đồi khô cằn này, chúng tôi mới thấy, để có được kết quả như ngày hôm nay với gia đình chị Thủy, chị Yến là cả một quá trình học hỏi, cần mẫn và quyết tâm.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn thanh long của gia đình, chị Thủy chia sẻ: “Trước đây khu đồi này chỉ trồng vải thiều và một số cây ăn quả khác nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Tình cờ xem chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi hiệu quả, vợ chồng tôi thấy phù hợp với điều kiện đất của gia đình nên bàn nhau trồng thử 200 trụ”.

Vừa trồng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm đã giúp cho vợ chồng chị có động lực, hy vọng loại cây trồng mới sẽ đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đây là cây trồng mới cũng không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng vì việc trồng cây thanh long còn khá lạ lẫm đối với người dân trong vùng.

Qua thời gian trồng, thấy thanh long ruột đỏ khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng đất đồi nơi đây. Công đoạn chuẩn bị trụ trồng thanh long cần lưu ý không nên làm giàn gỗ bởi rất nhanh đổ và mục, nên đầu tư đổ cột bê tông làm trụ cho thanh long bám, mỗi trụ nên cao từ 1,5 - 1,7 m. Hàng cách hàng, cây cách cây khoảng 2,5 m. 

Thực tế cho thấy, so với những cây trồng khác, trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là cây trồng lâu năm, khoảng 10-15 năm sau mới phải trồng lại. Đặc biệt, sau khi trồng 1 năm, thanh long đã cho quả với nhiều đợt trong năm. Từ năm thứ 2 trở đi (sau khi cho quả bói), năng suất quả cao gấp đôi năm thứ nhất.

Thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể trồng quanh năm, nhưng để cây cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng thì nên trồng vào đầu mùa mưa. Trong khi trồng nên bón phân làm 2 đợt (bón thúc mầm và bón thúc quả). Phía dưới xung quanh gốc, cần thường xuyên tiến hành làm sạch cỏ để tránh cỏ dại mọc tràn lan và “ăn” tranh phân bón dành cho cây. Ngoài ra, cần thường xuyên tỉa cành và tạo tán.

Đến nay, vườn thanh long của gia đình chị Thủy đã cho thu hoạch. Chị Thủy cho biết: Thanh long ruột đỏ bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 10, cứ khoảng 28 ngày lại cho thu hoạch một đợt. Đầu tháng vừa rồi chị thu hoạch được 2,5 tạ quả, với giá bán buôn ổn định 25.000 đồng/kg. Với 200 trụ bắt đầu được thu hái từ tháng 3 và đến nay chị đã thu được gần 30 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm thanh long được thương lái đến tận vườn thu mua và hiện không đủ quả để cung cấp cho các thương lái.

Cùng thôn với chị Thủy, gia đình chị Phạm Thị Yến trồng 150 trụ thanh long. Chị vui vẻ cho biết, thanh long ruột đỏ là cây chịu hạn tốt lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần phủ rơm, rạ để giữ ẩm và bổ sung thêm phân chuồng là cây phát triển tốt. Nguồn phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, mỗi năm chỉ bón 2 lần. Để thanh long phát triển tốt và đạt sản lượng cao phải che đậy cẩn thận để giữ cho rễ không bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, do úng nước… Đồng thời, cắt bỏ những cành cây không thể mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ nên để 3 - 4 quả.


Có thể bạn quan tâm

Trồng cồng xen keo Trồng cồng xen keo

Cây cồng có nơi gọi là cây còng, là cây gỗ nhỡ, cao trên 20m, đường kính thân 40cm, cành phân cao và mọc hơi ngang. Gỗ của cây cồng có màu đỏ đến nâu hồng

21/09/2019
Nuôi trùn quế lãi khủng Nuôi trùn quế lãi khủng

Mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín của anh Nguyễn Công Vinh ở huyện Châu Thành, Tiền Giang cho thu lãi tới 500 triệu đồng/tháng.

21/09/2019
Mãng cầu xiêm lãi 30 triệu đồng/công/năm Mãng cầu xiêm lãi 30 triệu đồng/công/năm

Nông dân Cao Văn Lâm (TP. Cần Thơ) cho biết, trước đây làm 5 công lúa không đem lại hiệu quả nên ông chuyển sang trồng 3 công mãng cầu xiêm.

21/09/2019