Thăng Trầm Nghề Nuôi Hươu Sao
Sáng 21/2/2011, ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu dẫn PV về xã Quỳnh Yên, địa phương có đàn hươu, nai lớn nhất huyện và hiện đang là vùng rốn dịch nguy hiểm này để "mục sở thị" đàn hươu, nai của địa phương này… Ông Lê Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên nhớ lại: Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, con hươu đắt một cách khủng khiếp nên chỉ có những gia đình giàu có, khá giả mới dám đầu tư vốn liếng để nuôi hươu. Giá một con hươu cái sinh sản lúc bấy giờ ít nhất 80 - 90 triệu đồng/con. Hươu đực trưởng thành từ 50 - 60 triệu đồng/con. Hươu con mới đẻ được 3 tháng được bán với giá tới trên dưới 36 triệu đồng/con cái; con đực cũng 25 đến 30 triệu đồng/con.
Con hươu vì vậy đã được người dân tại 2 huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và Quỳnh Lưu (Nghệ An) xem là cả một tài sản có giá nhất của họ, người ta chăm chút, lo cho nó kể cả trong giấc ngủ, chỉ cần hươu có triệu chứng bất thường là ai nấy đều lo tới xanh mặt. Nhà nào cũng mắc màn cho hươu ngủ, hàng ngày chăm bẵm nó như chăm sóc đứa trẻ sơ sinh. Nếu hươu có mệnh hệ gì mà lăn ra chết là coi như nhà đó sạt nghiệp. Bởi thế, để tránh rủi ro người nuôi hươu tại 2 huyện nói trên đã tự phát hình thành "Hội những người nuôi hươu" và đưa ra một giải pháp là nhiều gia đình cùng chung nhau mua một con hươu và góp công, góp của vào cùng nuôi (dù họ đủ sức để mua 1 - 2 con một lúc) theo phương thức lời cùng ăn, lỗ cùng chịu.
Theo đó, hộ nào nhiều vốn thì mỗi con họ cũng chỉ đầu tư nhiều nhất là một chân hươu (1/4 con), hộ nào ít vốn thì chỉ dám đầu tư mua 1 móng hươu (1/8 con). Những hộ đầu tư tiền mua 1/4 con thì mỗi tháng phải nộp 20 kg ngô hạt và mấy tạ thức ăn xanh… Mỗi khi hươu cái đẻ, hoặc hươu đực đến kỳ cắt lộc nhung là cả nhóm dựng rạp, mổ lợn, gà mời bà con trong xóm tới ăn mừng…
Nghe ông Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên kể chuyện một thời con hươu "lên voi" khiến tôi chợt nhớ đến anh Q, chồng chị X cùng cơ quan cũ với tôi. Hồi đó lương quá thấp, công việc không ổn định nên anh Q xin nghỉ việc không lương mấy tháng trời để lên Châu Bình (Quỳ Châu) gia nhập đội quân đào đá đỏ (rubi). Vận may mỉm cười với anh Q nên mấy tháng sau vợ chồng Q-X đã dành dụm được gần 100 triệu đồng. Vợ chồng Q-X nghe lời người chị gái góp tiền mua hươu về nuôi. Tổng cả 5 con hươu mà mấy người chung nhau mua đó, phần của vợ chồng Q-X được hơn 1 con.
Năm đó 1 con cái đẻ được 1 chú hươu con. Anh Q phấn khởi mời chúng tôi xuống căn nhà tập thể xập xệ mà họ đang tá túc uống rượu mừng. Rượu vào, lời ra, anh Q rỉ tai tôi khoe: Nhờ nuôi hươu mà tiền làm nhà anh đã lo xong. Chờ sang năm đôi hươu cái đẻ thêm 2 con nữa là tôi bán luôn một thể lấy tiền làm nhà… Tôi nghe mà phát ghen với họ.
Ông Bảo bỗng cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: Ở đời chẳng mấy ai học được chữ ngờ. Đùng một cái quãng nửa sau của thập niên 90 đàn hươu ở Nghệ An, Hà Tĩnh bỗng dưng rớt giá một cách thảm hại. Giá hươu cứ tụt dốc nhanh như xe không phanh, lao xuống vực thẳm và dừng lại ở mức trên dưới 500.000 đồng/con (tương đương 1 chỉ vàng). Hươu đực bỗng đảo chiều bán đắt gấp đôi hươu cái vì nó còn cho người nuôi mỗi năm mấy lạng lộc nhung làm thuốc bổ. Những con hươu cái không đẻ được còn bị ép giá xuống mức 300.000 đồng/con. Hồi ấy, nhiều hộ gia đình có tiệc hiếu hỷ gì người ta đã rủ nhau mua hươu về thịt làm đủ món xào lăn, tái chanh, xáo... mời bà con làng xóm đến uống rượu.
Một số công chức ở TP Vinh thấy hươu rẻ như cho cũng bàn nhau tổ chức các cuộc píc-níc mà mỗi cuộc như thế là một con hươu phải lên thớt... Thời ấy giá hươu rẻ một cách thảm hại như vậy nên chẳng ai buồn chăm, chỉ cho nó ăn cầm hơi, thậm chí coi nó như một món "nợ" bỏ thì thương, vương thì nặng. Người ta đành bán đổ bán tháo nên có một doanh nghiệp chuyên trồng rừng đã bỏ tiền ra mua gần 100 con hươu cả cái lẫn đực đem thả vào rừng để chúng tự kiếm ăn, trở thành động vật hoang dã… Vợ chồng người bạn cùng cơ quan cũ của tôi ngày đó coi như mất trắng…
Bẵng đi khoảng 3 - 4 năm, đàn hươu của Nghệ An và Hà Tĩnh mới được khôi phục trở lại nhờ giá bắt đầu nhích lên. Thế nhưng, hươu cái loại tốt cũng chỉ tối đa 4 - 5 triệu đồng/con, hươu đực trưởng thành chỉ 3 - 4 triệu đồng/con. Vài năm lại nay giá hươu bắt đầu bán ngang ngửa với giá bò. Tuy nhiên, hươu cái trưởng thành đắt nhất cũng mới ở mức 15 - 20 triệu đồng/con; hươu đực cũng đã bán được trên dưới 10 triệu đồng/con. Hươu cái (3 tháng tuổi) giá khoảng 2 triệu đồng/con; hươu đực cùng lứa chỉ 1 - 1,5 triệu đồng/con. Nuôi hươu khỏe hơn nuôi bò, ít bệnh và cũng thu lợi nhanh hơn nhất là hươu đực.
Vài ba năm trở lại đây, nghề nuôi hươu cho thu nhập lãi ròng khoảng 3 triệu đồng/con. Riêng năm 2010, do đồng tiền bị mất giá nên thu lãi ròng bình quân 5 triệu đồng/con. Giá hươu không quá đắt, cũng không quá rẻ như vậy nên chỉ trừ các hộ nghèo và cận nghèo, còn lại nhà nào cũng vay vốn ngân hàng để nuôi hươu. Tại Quỳnh Lưu, đã có gia đình nuôi nhiều nhất lên tới 21 con, ít nhất cũng 2 - 3 con. Hươu là động vật dễ nuôi và cho lợi nhuận cao hơn nuôi trâu, bò nên các cặp vợ chồng mới cưới được 2 bên nội ngoại cho một ít vốn làm ăn là lập tức vay thêm vốn ngân hàng để mua hươu về nuôi…
Ông Ngô Văn Kỷ, Trưởng ban nông nghiệp xã Quỳnh Yên cho biết, năm 2010, toàn xã Quỳnh Yên hiện có gần 70% số hộ dân nuôi với tổng đàn 1.853 con hươu, nai, trong đó có trên dưới 400 con nai. Xã Quỳnh Yên trở thành một xã đứng đầu huyện về số hộ kinh doanh con giống và lộc nhung. Riêng năm 2010, tại xã Quỳnh Yên thu hoạch được 5 - 6 tấn lộc hươu, giá khiêm tốn 3 triệu đồng/cặp/kg thì riêng lộc nhung mỗi năm Quỳnh Yên đã thu được trên dưới 5 tỷ đồng từ tiền bán lộc, chưa kể tiến bán con giống cho các địa phương khác.
Có thể bạn quan tâm
Trong điều kiện giá thức ăn cho chăn nuôi tăng cao, trong khi nhu cầu thị trường yêu cầu thực phẩm ngon, sạch, đảm bảo vệ sinh nên gần đây xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết - Bình Thuận) thí điểm mô hình nuôi trùn quế kết hợp chăn nuôi tại gia đình anh Nguyễn Văn Tánh - thôn Thiện Trung. Mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa bảo vệ được môi trường, do tận dụng lượng chất thải trong chăn nuôi.
Trong đó Thái Bình nhiễm trên 81.500 ha (mật độ sâu phổ biến từ 200 – 300 con/m2), Nam Định 76.500 ha (mật độ 50 – 100 con/m2), Hải Phòng 36.000 ha (mật độ 80 – 100 con/m2)…
Chúng tôi lên Tiên Lý, một trong 6 thôn trồng nhiều hương bài nhất của xã Yên Định khi bà con vừa kết thúc vụ thu hoạch, đang làm đất để trồng lại cho vụ sau. Nhiều vườn cây vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên, hồng Đoàn Kết, hồng Lục Ngạn, đồi bạch đàn, keo lai, trám quả v.v… mặc dù dốc đến trên 20o nhưng nhờ có cây hương bài trồng xen mà đất được giữ ẩm, cản nước xói mòn tốt nên vẫn lên xanh tốt, đang ra hoa trắng xóa hứa hẹn một mùa quả bội thu.