Thăm Mô Hình Nuôi Cá Lồng Ở Vũ Thư (Thái Bình)
Anh Phạm Đình Chiểu, sinh năm 1964 trong một gia đình thuần nông ở xóm 2, xã Vũ Đoài (Thái Bình). Anh đầu tư mua giống, san đất, đào ao, xây dựng chuồng trại, trồng cây cảnh, phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Nghề nuôi cá lồng đến với anh như một cơ duyên trong chuyến tham quan mô hình ở sông Kinh Thầy (Hải Dương).
Mô hình nuôi cá lồng ở Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu nhưng vẫn còn khá mới mẻ với người dân xã Vũ Đoài (Vũ Thư). Vì thế không quá khó để chúng tôi tìm đến địa chỉ nuôi cá lồng lớn nhất tại địa phương.
Anh Phạm Đình Chiểu, sinh năm 1964 trong một gia đình thuần nông ở xóm 2, xã Vũ Đoài. Anh đầu tư mua giống, san đất, đào ao, xây dựng chuồng trại, trồng cây cảnh, phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Nghề nuôi cá lồng đến với anh như một cơ duyên trong chuyến tham quan mô hình ở sông Kinh Thầy (Hải Dương).
Tận dụng môi trường nước không ô nhiễm ở sông Hồng cùng với kinh nghiệm của một gia đình nuôi cá lâu năm, tháng 4/2012 anh Chiểu bắt đầu nuôi cá lồng. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn khi thực hiện mô hình, anh cho biết: “Ban đầu mình chưa có nguồn giống và kỹ thuật nên thường xuyên phải học hỏi từ sách báo; mặt khác tiền đầu tư vào lồng bè quá lớn, giá thức ăn cho cá cao, gia đình luôn phải gồng mình lo vốn xoay vòng”.
Không nản lòng, anh làm thủ tục vay vốn ngân hàng số tiền 500 triệu đồng, kết hợp vay mượn người thân, bạn bè để đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng đạt tiêu chuẩn. Thể tích cho 1 lồng cá là 108 m3, khung lồng được làm bằng sắt hình chữ nhật, lưới bao quanh lồng dệt bằng sợi dù, phía trên có phao giữ nổi, mật độ thả bình quân mỗi lồng 1.080 con.
Hiện nay, anh Chiểu đã có 20 lồng cá giống trong ao, 34 lồng cá thịt trên sông Hồng, chủ yếu nuôi cá diêu hồng, cá chép, cá lăng và các loại cá cảnh… Anh Chiểu đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc cá, anh chia sẻ: “Ban đầu khi nhập cá giống về, bắt buộc phải nuôi trong lồng riêng ở ao cho cá thích nghi với môi trường. Khi cá đủ cứng cáp và khả năng đề kháng dịch bệnh mới thả ra lồng ở sông”.
Do thực hiện đúng quy trình làm lồng, chọn giống, chăm sóc cá đúng kỹ thuật nên cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2012, gia đình anh Chiểu đã thu trên 100 tấn cá các loại. Trung bình cá diêu hồng khi thu hoạch có trọng lượng từ 0,8 - 1 kg/con, giá bán trên thị trường 70.000 đ/kg; cá lăng có trọng lượng từ 3 – 5 kg/con, giá bán 100.000 đ/kg. Năm đầu thử nghiệm mô hình nuôi cá lồng, trừ các khoản chi phí gia đình anh thu lãi gần 1 tỷ đồng. Kinh tế gia đình phát triển, anh có điều kiện mua sắm các tiện nghi sinh hoạt và nuôi các con ăn học trưởng thành.
Nhờ những nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, anh Chiểu được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Năm 2012, anh còn được huyện Vũ Thư biểu dương trong phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt báo công dâng Bác”. Không những làm giàu cho gia đình, anh Chiểu còn nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm nuôi cá, giúp đỡ các hộ gia đình khác có nhu cầu phát triển mô hình nuôi cá lồng.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 trên thế giới, chiếm khoảng 40-50% lượng hạt tiêu giao dịch toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL vừa có cuộc họp bàn và đã thống nhất về giá thu mua mía trong thời gian sắp tới.
Năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đầu tư 17 tỷ đồng để xây dựng Trạm giống nông nghiệp tại xã Đác La huyện Đác Hà với mục đích cung cấp một phần giống lúa và giống cá cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cho người dân trong tỉnh.