"Thâm canh rừng" - Hướng phát triển lâm nghiệp hiệu quả
Việc tập trung thâm canh rừng sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người trồng rừng. Đây có thể xem là mô hình sản xuất tập trung có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông trồng rừng. Yêu cầu của mô hình thâm canh rừng là điều kiện sản xuất phải trên diện tích được quy hoạch, có quy mô tập trung, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu phát thực bì, giống, trồng, phân bón, chăm sóc, tỉa thưa, bảo vệ, khai thác…theo một chu kỳ và kỷ luật nghiêm ngặt, nhằm tạo ra sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn, được thị trường chấp nhận, góp phần bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích trồng rừng.
Còn nhớ cách đây hơn 20 năm về trước, trong dịp đến thăm khu lâm viên Đông Hà cạnh hồ Khe Mây, một chuyên gia lâm nghiệp nước ngoài nói rằng: “Có ký giả đã từng đưa ra nhận định về sự khốc liệt của chiến tranh tại Đông Hà, Quảng Trị với sức tàn phá lên đến 200%. Do vậy, trong phát triển lâm nghiệp, thúc đẩy kinh tế rừng để đảm bảo cuộc sống cho người dân, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, phòng chống biến đổi khí hậu…tỉnh Quảng Trị phải phấn đấu phủ xanh diện tích đất rừng hiện có lên đến …200% để phát triển bền vững”. Qua độ lùi về thời gian, những người quan tâm đến sự nghiệp phát triển lâm nghiệp trên địa bàn có thể nhận thấy lời nhận định trên là có cơ sở khoa học và mang tính thực tiễn sâu sắc.
Khai thác gỗ rừng trồng
Trên thực tế, Quảng Trị là tỉnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề nên vài thập niên trở đây, công tác phát triển lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi núi trọc rất được chính quyền và nhân dân các địa phương chú trọng. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến 2015, diện tích trồng rừng tập trung ước đạt gần 30.000 ha, vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 46,7% năm 2010 lên 49,5% năm 2015, là một trong những địa phương trong cả nước có tỷ lệ che phủ rừng rất cao. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là việc tập trung “thâm canh rừng” một cách hợp lý của người nông dân trong thời gian gần đây đã kéo dài thời gian che phủ đất đối với diện tích rừng trồng nhưng hiệu quả đem lại cao hơn so với loại rừng trồng mà chu kỳ trồng, chăm sóc, khai thác ngắn. Ngành Nông nghiệp- PTNT, chính quyền địa phương và người dân đã có sự thay đổi về nhận thức trong tổ chức chỉ đạo, lập kế hoạch, thực hiện phát triển lâm nghiệp từ việc bằng mọi giá phải phủ xanh đất trống, đồi núi trọc để cải thiện môi trường sinh thái, khai thác gỗ củi, tự sản, tự tiêu sang phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, hướng tới xuất khẩu. Nhờ vậy, giá trị sản xuất lâm nghiệp đã tăng bình quân 12,7%/năm. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao chính là đẩy mạnh trồng rừng áp dụng chứng chỉ FSC.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay một trong những hướng “thâm canh rừng” hiệu quả là việc phát triển cây keo lai. Cây keo lai là loài cây chủ lực, chiếm trên 70 - 80% đối tượng cây trồng lâm nghiệp hàng năm, do đây là cây có nhiều đặc tính nổi trội như thời gian trồng ngắn, sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ khá, khối lượng gỗ nhiều. Gỗ keo lai ít mối mọt, cong vênh nên được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt là điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở tỉnh Quảng Trị cũng tương đối phù hợp để cây keo lai sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên phần lớn diện tích keo lai trên địa bàn chỉ trồng trong 5-6 năm là khai thác. Đây là chu kỳ kinh doanh ngắn, do vậy cây chưa đủ thời gian để tăng bán kính, gỗ cây bị non, chất lượng thấp, khiến cho giá trị kinh tế từ rừng trồng mang lại không cao, bình quân chỉ đạt từ 50 - 60 triệu đồng/ha. Gỗ keo lai trồng theo dạng này chủ yếu cung cấp cho các nhà máy làm nguyên liệu chế biến ván ép, gỗ dăm. Lượng gỗ keo dùng để xẻ chiếm ít do chất lượng gỗ xẻ thấp, nhiều mắt sẹo, gỗ chưa đạt chuẩn. Với mục tiêu nâng cao chất lượng gỗ cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, từ năm 2014 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ” trên diện tích 5 ha tại xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ). Đến nay tuy chỉ mới sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây keo lai phát triển tốt, trữ lượng gỗ ước tính đạt từ 21,5 - 26 m3/ha.
Để có thể triển khai trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ, người trồng phải nắm kỹ và làm tốt từ khâu xử lý thực bì, trồng, chăm sóc, bón phân cho đến khâu khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Giống keo lai đưa vào trồng là giống keo lai dâm hom được lấy từ các vườn ươm được cấp phép của cơ quan chức năng. Cây giống phải có chiều cao thân cây 20 - 30 cm, đường kính cổ rễ 0,25 - 0,3 cm, tuổi xuất vườn cây từ 3 - 4 tháng tuổi, cây con không bị sâu bệnh, không cụt ngọn. Thời điểm trồng là vào lúc trời râm mát, có nắng nhẹ hoặc mưa phùn. Rừng keo lai sau khi trồng cần chăm sóc trong 3 năm liên tiếp với các bước phát thực bì, làm cỏ, vun gốc kết hợp bón phân, chặt tỉa cành nhánh, quản lý bảo vệ, chống cháy rừng…một cách nghiêm ngặt. Do vậy, tại thưc địa, chỉ mới 2 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, có nơi rừng keo lai đã khép tán tốt.
Tiếp xúc với các hộ trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ, nhiều người cho biết trước đây đã từng khai thác diện tích trồng keo lai 5 năm tuổi bán ra thị trường với giá khoảng 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên cũng trên diện tích đó có một số hộ chỉ tỉa thưa và để lại thêm 1 năm thì đã bán được với giá hơn 80 triệu đồng/ha. Vì vậy với mô hình này nếu tuân thủ đúng quy trình thì sau 10 năm đạt giá trị từ 150 - 180 triệu đồng/ha là rất khả thi. Bên cạnh đó, do trồng với chu kỳ ngắn nên giá trị kinh tế từ rừng trồng mang lại chỉ đạt khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/chu kỳ 5 năm. Trong khi đó nếu áp dụng các biện pháp kỹ thuật cùng với việc tỉa thưa khi cây trồng vào năm thứ 4, để lại mật độ phù hợp từ 800 - 1.000 cây/ha thì dự kiến khi rừng từ 10 năm tuổi trở lên cây keo lai sẽ đạt chiều cao bình quân khoảng 18 m, đường kính thân hơn 19 cm, trữ lượng gỗ hơn 180 m3/ha, trong đó có khoảng 60% đạt chất lượng gỗ xẻ. Theo giá gỗ hiện nay thì 1 ha rừng mô hình có giá trị khoảng 190 - 200 triệu đồng. Như vậy có thể thấy mặc dù việc chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn phải kéo dài thời gian chăm sóc thêm khoảng từ 5 - 6 năm nhưng giá trị kinh tế mang lại cho người dân gấp 3 - 3,5 lần so với trồng rừng gỗ nguyên liệu như hiện nay.
Một hướng “thâm canh rừng” đang được triển khai tại Quảng Trị, đó là trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Đến nay toàn tỉnh có gần 21.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 42.000 ha rừng trồng theo tiêu chí FSC. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng chỉ rõ định hướng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững. Chú trọng bảo vệ các khu rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu, rừng phòng hộ biên giới. Bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng. Phấn đấu hàng năm trồng khoảng 5.000 - 5.500 ha rừng tập trung các loại. Đẩy mạnh trồng rừng áp dụng chứng chỉ FSC. Duy trì độ che phủ rừng ổn định 49,5%. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm 450.000 - 500.000 m3.
Cũng tương tự như xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, cánh đồng thu nhập 60 triệu đồng trở lên nhằm tạo ra một "cuộc cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, việc tập trung “thâm canh rừng” sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người trồng rừng. Đây có thể xem là mô hình sản xuất tập trung có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông trồng rừng. Yêu cầu của mô hình “thâm canh rừng” là điều kiện sản xuất phải trên diện tích được quy hoạch, có quy mô tập trung, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu phát thực bì, giống, trồng, phân bón, chăm sóc, tỉa thưa, bảo vệ, khai thác…theo một chu kỳ và kỷ luật nghiêm ngặt, nhằm tạo ra sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn, được thị trường chấp nhận, góp phần bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích trồng rừng.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2016 xuất khẩu gạo nếp vẫn tăng trưởng đáng ngạc nhiên, cả về lượng và giá. Thị trường Trung Quốc vẫn đang “rình rập” mặt hàng lúa nếp của Việt Nam
Vụ đông-xuân năm nay, tỉnh ta đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, từ ngập úng cho đến sâu bệnh phá hoại. Các địa phương đang tích cực, chủ động “chạy đua”
Với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước sản xuất vào mùa khô gặp nhiều khó khăn, người dân đã tiến hành thử nghiệm mô hình tưới nước nhỏ giọt trồng tiêu