Giá / Tin nông nghiệp

Tây Ninh Ấn tượng công nghiệp hóa

Tây Ninh Ấn tượng công nghiệp hóa
Tác giả: Trần Đáng
Ngày đăng: 19/09/2016



Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, từ một tỉnh với hơn 80% dân số chủ yếu sống bằng nghề nông, nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, đến nay Tây Ninh đã có bước phát triển, với mức tăng trưởng bình quân 11,1% những năm gần đây. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá với tỷ trọng cơ cấu công nghiệp và thương mại, dịch vụ tăng nhanh từ 23 % (1985) lên 75 % (2015).

Nở rộ khu công nghiệp

Ngày nay, về nông thôn Tây Ninh có thể nhận thấy rõ nét nhất là sự xuất hiện của các cụm – khu công nghiệp. Từ TP.HCM vừa bước qua địa phận Tây Ninh đã “vấp phải” Khu công nghiệp Trảng Bàng. Ở đây, mấy chục năm trước chỉ là vùng đất bạc màu, cây trồng, vật nuôi xơ xác, giờ tại khu công nghiệp này xuất hiện hơn trăm công ty, nhà máy đang hối hả sản xuất. Trảng Bàng còn có Khu chế xuất và Khu công nghiệp Linh Trung III, Khu công nghiệp Thành Thành Công. Ngược lên TP.Tây Ninh, qua địa phận huyện Gò Dầu sẽ bắt gặp Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ – đô thị Phước Đông – Bời Lời. Huyện Dương Minh Châu có Khu công nghiệp Chà Là; huyện Châu Thành có Cụm công nghiệp Thanh Điền…

Hiện, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký gần 4 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước đăng ký gần 40.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Sơn – Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Tây Ninh cho biết: “Tôi về Tây Ninh đầu tư mới 2 năm nhưng nhận thấy đây là một quyết định đúng đắn. Minh chứng rõ nhất là tỉnh đã thực hiện cải cách hành chính kịp thời và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp”.

Theo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, có thể nói, từ năm 2005 - 2015, nhất là những năm 2010 – 2015,  nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông của tỉnh đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Về cơ bản, Tây Ninh đã hình thành các trục giao thông chính kết nối được các tỉnh lân cận, như: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước và Long An; kết nối trung tâm các huyện về TP.Tây Ninh và từ vùng nguyên liệu về các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có mạng lưới đường bộ hơn 8.000km, gồm hai tuyến quốc lộ, 40  tỉnh lộ, 228 tuyến huyện lộ… Trong giai đoạn 2010 – 2015, vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư 33 dự án giao thông hơn 1.300 tỷ đồng.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa

Theo Sở KHĐT tỉnh Tây Ninh, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh từ năm 2010 – 2015 tăng trưởng bình quân hàng năm 17,7%. Các cụm- khu công nghiệp được rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm tính phù hợp, khắc phục tình trạng quy hoạch thiếu khả thi, tạo điều kiện ổn định sản xuất. Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất Linh Trung III, Khu công nghiệp Chà Là cơ bản đã lắp đầy; Khu liên hiệp công nghiệp - dịch vụ – đô thị Phước Đông – Bời Lời, Khu công nghiệp Thành Thành Công thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện phát triển công nghiệp của tỉnh.

 Ngoài ra, từ chỗ chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh nào đáng kể, đến nay nông thôn Tây Ninh đã phát triển trên 4.200 công ty, nhà máy, xí nghiệp chế biến được đầu tư xây dựng ở những vùng chuyên canh nông sản. Tất cả đã và đang góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Tây Ninh.

Để đưa Tây Ninh tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng, ông Phạm Văn Tân cho biết, sắp tới tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo huy động tối đa mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển các khu, cụm công nghiệp; tập trung đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; quan tâm phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với phát triển quan hệ sản xuất phù hợp; phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2020 Tây Ninh có cơ sở nền tảng của tỉnh công nghiệp” - ông Tân nói.


Có thể bạn quan tâm

Tiểu thương hụt hơi gom vàng trắng chở vào đất liền Tiểu thương hụt hơi gom vàng trắng chở vào đất liền

Theo nhiều người chuyên thu mua tỏi ở Lý Sơn để chở vào đất liền bán, chưa bao giờ lượng tỏi tại chợ trung tâm đảo ít như năm nay. Có nhiều thời điểm lượng tỏi mua được chỉ khoảng 500 kg/phiên; ước bằng 1/10 so với các phiên chợ mấy vụ trước.

19/09/2016
Áp dụng giá dịch vụ thay thế thủy lợi phí Cú hích mới với sản xuất NN Áp dụng giá dịch vụ thay thế thủy lợi phí Cú hích mới với sản xuất NN

“Hiện các ngành hạ tầng khác như giao thông, xây dựng, cấp nước đô thị… đã xã hội hóa mạnh mẽ để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, và ngành thủy lợi cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chúng ta cần phát huy phong trào toàn dân làm thủy lợi, chỉ có sự tham gia trực tiếp của toàn dân thì hệ thống thủy lợi mới phát triển được”.

19/09/2016
Chung tay sản xuất kinh doanh nông sản an toàn Chung tay sản xuất kinh doanh nông sản an toàn

Hội ND và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp tổ chức Lễ phát động “Xây dựng tuyến đường không rác” và “Phong trào sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Lễ phát động có sự tham dự của 200 cán bộ, hội viên, nông dân, phụ nữ và đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đông và các Sở, ngành liên quan.

19/09/2016