Tăng Hiệu Suất Bón Phân Cho Lúa Hè Thu
Để nâng cao hiệu quả sử dụng các loại phân bón trong sản xuất lúa vụ hè thu bà con nông dân cần chú ý một số vấn đề sau:
+ Nên sử dụng các loại phân bón chậm tan. Phân chậm tan sẽ làm giảm thất thoát do chậm tan hơn và chậm bốc hơi hơn. Bón phân urea chậm tan có thể tiết kiệm được 20 - 25% so với bón phân đạm thông thường. Ngoài ra cũng có các loại phân hỗn hợp, phân chuyên dùng chậm tan. Đây là tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và đã được áp dụng tại Việt Nam.
Sử dụng phân bón hợp lý sẽ giúp tăng năng suất lúa hè thu.
+ Bón phân theo 4 đúng và bón vùi vào trong đất để phân bón được keo đất giữ lại và cung cấp cho cây trồng, hạn chế được sự rửa trôi, bốc hơi và thấm sâu. Bón phân quá nhiều cho lúa sẽ dẫn đến cây lúa bị ngộ độc.
+ Khi bón phân trong ruộng phải có nước (tốt nhất là khoảng 3 - 5cm) để phân dễ được đất hấp thụ.
+ Phân lân không bị bay hơi mất như phân đạm, nhưng bị cố định bởi keo đất. Nhu cầu lân trong giai đoạn đầu sinh trưởng của cây rất lớn, vì thế nên tập trung bón lót phân lân cho lúa. Trên đất phù sa ngọt ven sông có thể sử dụng super lân và DAP, nhưng với đất phèn nên sử dụng phân lân nung chảy. Đa số nông dân bón lân rất thừa trên đất xám và đất phù sa và ngược lại bón rất thiếu trên đất phèn.
+ Không nên bón phân đợt 1 quá trễ, vì dinh dưỡng hạt lúa giống chỉ đủ nuôi cây lúa trong khoảng từ 3 - 5 ngày. Khi rễ lúa phát triển ra đất cần phải có dinh dưỡng để rễ hấp thu, nếu bón đợt 1 trễ sẽ kéo theo đợt 2 trễ và như vậy cây lúa sẽ đẻ nhiều chồi vô hiệu, không có bông về sau.
+ Khi bón phân đạm cần chú ý đến tình hình thời tiết và mực nước trong ruộng, không bón lúc mưa to, không bón tập trung vào một giai đoạn mà chia theo liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn, khi bón phân cần kết hợp với làm cỏ, sụt bùn đây là hình thức vùi phân vào đất.
+ Bón phân giúp tăng nguồn dinh dưỡng cho cây trồng và làm tăng năng suất cây trồng, nhưng năng suất cây trồng hiện nay phải đi đôi với chất lượng, nếu phân bón còn để lại dư lượng nitrát (NO3), nhiều kim loại nặng thì lúa, gạo sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hay không thỏa mãn các yêu cầu về nông sản theo GAP và do vậy không tăng được giá trị.
+ Bón phân không hợp lý sẽ để lại dư lượng phân bón thừa trong đất, trong nước và tác động đến sức khỏe con người, đến môi trường sống và môi trường sản xuất nông nghiệp, do vậy cần phải phát huy hiệu quả của phân bón, nhưng vẫn phải đảm bảo cho môi trường trong lành hơn và canh tác lúa phải theo hướng tiến bộ hơn (VietGAP lúa).
Có thể bạn quan tâm
Tại Trà Vinh, trong khi phần lớn các hộ nuôi tôm đều bị thua lỗ hoặc huề vốn, thì những hộ tuân thủ nghiêm mỗi biện pháp kỹ thuật gặt hái được kết quả rất khả quả - nhất là những hộ chuyển sang tôm thẻ chân trắng. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu của loại tôm này tiếp tục được mở rộng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới.
Hiện nay, môi trường nước nhiều vùng nuôi thủy sản trong tỉnh Phú Yên không ổn định, có vùng gây bất ổn cho thủy sản nuôi. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý môi trường, quản lý con giống cũng như tình hình dịch bệnh…