Tăng Cường Quản Lý Để Phát Triển Bền Vững
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TX Sông Cầu (Phú Yên) từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi, các đối tượng nuôi đều phát triển tốt, bệnh trên tôm hùm nuôi cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện việc nuôi trồng thủy sản chưa phát triển bền vững, môi trường nhiều vùng nuôi bị ô nhiễm…
Còn nhiều rủi ro
TX Sông Cầu là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh với khoảng 775ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú khoảng 70ha, tôm thẻ chân trắng 320ha và các đối tượng thủy sản khác như cá mú, cá chẽm, ốc hương, cua, rong câu… khoảng 385ha. Số lồng nuôi tôm hùm thịt khoảng 12.000 lồng, tôm hùm ươm khoảng 2.000 lồng, cá mú hơn 4.400 lồng và ốc hương nuôi chắn đăng khoảng 10ha. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, môi trường một số vùng nuôi bị ô nhiễm nặng nên cá mú nuôi lồng bị bệnh chết với tỉ lệ cao.
Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, vào đầu tháng 3/2013 đã xảy ra dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú ở các khu vực nuôi Tuần Nhả, Cây Trắc, Lò Gốm thuộc xã Xuân Lộc với diện tích thiệt hại khoảng 19ha, trong đó mất trắng khoảng 11,5ha, số diện tích còn lại người nuôi bị lỗ từ 20 đến 30 triệu đồng/ha. Tôm chết có dấu hiệu của bệnh đốm trắng, một số ao tôm chết có biểu hiện gan, tụy bị sưng và thân tôm có màu đỏ hồng.
Từ giữa tháng 4/2013, tại TX Sông Cầu xảy ra bệnh loét da ở cá mú tại các vùng nuôi thuộc các xã Xuân Thịnh, Xuân Hòa, Xuân Cảnh. Ông Phạm Xuân Hương, Trạm trưởng Trạm Thú y TX Sông Cầu, cho biết: “Cá mú nuôi bị bệnh chết có kích cỡ chủ yếu từ 0,5 đến 1kg/con, khi cá chết có nhiều vết loét, bong tróc lớp vảy và xuất huyết ngoài da. Theo thống kê có khoảng 80.000 con của gần 425 lồng nuôi bị chết, tỉ lệ cá bị chết khoảng 80% so với tổng số lượng cá nuôi. Trung tâm Thú y vùng IV (tại TP Đà Nẵng) đã phối hợp với Trạm Thú y TX Sông Cầu tiến hành lấy mẫu cá, mẫu nước để xét nghiệm và thông báo nguyên nhân gây cá chết hàng loạt là do một loại vi khuẩn vibrio alginolyticus”.
Theo Trạm Thú y TX Sông Cầu, sở dĩ có hiện tượng trên là do nắng nóng bất thường làm nhiệt độ nước vùng nuôi tăng cao. Mặt khác, mật độ nuôi quá dày, đặc biệt đối với vùng nuôi thuộc xã Xuân Thịnh mật độ thả nuôi từ 250 đến 300 con/lồng. Ngoài ra, việc vệ sinh lồng, bè nuôi cá mú chưa được quan tâm đúng mức, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển nhanh trên đàn cá nuôi trong một thời gian ngắn. Còn các loại tôm thẻ chân trắng, tôm sú nuôi ao, đìa bị bệnh chết là do sự thay đổi đột ngột về thời tiết nên khí độc tích tụ tại nhiều ao nuôi, lượng ôxy trong nước giảm dẫn đến mang tôm bị sưng, đen và chết rất nhanh. Trạm Thú y TX Sông Cầu đã yêu cầu các hộ nuôi đóng cống, xử lý nước bằng chlorine với nồng độ 30ppm trước khi xả nước ra ngoài môi trường, đồng thời tiến hành thu mẫu tôm bị bệnh gửi về tỉnh để xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh, từ đó có biện pháp hướng dẫn người nuôi cách phòng tránh tốt hơn.
Tăng cường quản lý
Năm 2013, chủ trương của TX Sông Cầu là đa dạng hóa các vật nuôi thủy sản, thân thiện với môi trường, phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở quản lý chặt chẽ quy hoạch các vùng nuôi theo hướng bền vững. Từ đầu năm đến nay, TX Sông Cầu đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn cho người nuôi thủy sản về kỹ thuật phòng, trị bệnh cho tôm hùm; triển khai mô hình nuôi hàu thương phẩm và tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi hàu cho hơn 90 hộ dân. Ngoài ra, địa phương này còn mở 5 lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản tại các xã, phường Xuân Thịnh, Xuân Thành, Xuân Hải, Xuân Phương, Xuân Yên; tổ chức hội thảo chuyên đề Nâng cao kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng; tập huấn phòng trị bệnh trên cá mú cho các hộ nuôi ở 3 xã Xuân Thịnh, Xuân Hòa và Xuân Cảnh…
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: UBND TX Sông Cầu có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cho các xã, phường quản lý, bố trí lồng, bè theo phương án phân vùng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương củng cố, kiện toàn các tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản, tham mưu nội dung sinh hoạt cho các tổ quản lý cộng đồng để quản lý vùng nuôi và phòng, chống dịch bệnh tôm. Ngoài ra còn hướng dẫn người nuôi chủ động thực hiện theo đúng quy trình, hạn chế dịch bệnh tôm.
Theo UBND TX Sông Cầu, các xã, phường đã tích cực chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cá mú, cá chẽm, ốc hương, cua, ghẹ, hải sâm… với năng suất ổn định. Số lượng lồng tôm hùm thả nuôi ít, mật độ nuôi thưa nên năng suất thu hoạch cao hơn năm 2012. Bệnh trên tôm hùm nuôi cũng giảm giúp người nuôi an tâm. Tuy nhiên, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn từ đầu năm đến nay vẫn phát triển chưa bền vững, dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản vẫn chưa được khống chế triệt để, môi trường nhiều vùng nuôi bị ô nhiễm, công tác di dời lồng bè theo quy hoạch phân vùng mặt nước nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn…
Theo ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, sắp đến thị xã sẽ triển khai các giải pháp, chế tài trực tiếp, gián tiếp để hạn chế ô nhiễm môi trường trên đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Đồng thời, chỉ đạo quản lý chặt chẽ các vùng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển, kiểm tra, phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các lồng, bè từ địa phương khác kéo về nuôi trên địa bàn TX Sông Cầu không đúng với quy định. TX Sông Cầu cũng triển khai phê duyệt Phương án phân vùng mặt nước biển nuôi trồng thủy sản xã Xuân Phương, hoàn thành công tác khảo sát và lập hồ sơ phân vùng mặt nước biển nuôi trồng thủy sản các phường Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Đài. Chỉ đạo UBND phường Xuân Thành và xã Xuân Phương tổ chức sắp xếp lồng, bè theo phương án đã được phê duyệt…
Có thể bạn quan tâm
Xã Ngư Thủy (Lệ Thủy- Quảng Bình) anh hùng thời chống Mỹ với đội nữ pháo binh cả nước biết đến. Bây giờ, Ngư Thủy được chia thành 3 xã gồm: Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỷ Nam. Có lẽ cả dải đất ven biển nước Việt, ít có vùng nào lại nuôi cá nước ngọt như ở đây.
Từ nay đến tháng 11-2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ được tỉnh Thái Nguyên giao triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ nuôi cá Tầm” với kinh phí thực hiện là trên 200 triệu đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Theo đó, khu vực được lựa chọn để nuôi cá tầm là vùng nước lạnh thuộc các xã nằm ven dãy núi Tam Đảo của huyện.
Từ những năm 2000, khi người tiêu dùng Hà Nội còn "mù mờ" với khái niệm rau an toàn (RAT), nông dân phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất này. Nghề trồng rau đã làm giàu cho hàng trăm hộ dân.