Tận Dụng Lợi Thế Trồng Đậu Tương Hè
Giai đoạn 2000 - 2005, phong trào trồng đậu tương hè trên địa bàn tỉnh phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây trồng này mất dần "chỗ đứng". Để cải tạo đất và luân canh cây trồng cần tận dụng sản xuất đỗ tương hè hợp lý.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích đậu tương hè trên địa bàn tỉnh những năm trồng nhiều lên đến 4.500 ha/năm, tập trung ở các huyện: Hiệp Hoà, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động... Cây đậu tương được luân canh theo công thức 4 vụ/năm: lúa xuân-đậu tương hè-lúa mùa muộn-rau vụ đông. Mấy năm gần đây, diện tích cây trồng này liên tiếp giảm mạnh. Năm 2008, toàn tỉnh chỉ còn 1.091 ha đậu tương hè, năm 2009 giảm xuống 900 ha và năm nay ước chỉ đạt 800 ha. Nếu như trước đây, ngay sau khi thu hoạch lúa chiêm xuân, người dân khẩn trương làm đất trồng đậu tương thì nay những chân ruộng này gần như bỏ trắng hoàn toàn. Những ngày này, trên các cánh đồng tại một số huyện vốn có truyền thống trồng đậu tương như: Lạng Giang và Hiệp Hoà chỉ thấy lác đác vài thửa ruộng trồng đậu tương còn lại chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Thời "hoàng kim", diện tích đậu tương hè của Lạng Giang lên đến 2.000 ha thì năm nay ước chưa đến 10 ha. Huyện Hiệp Hoà cũng giảm từ 1.600 ha xuống còn hơn 300 ha. Tìm hiểu tại xã Đoan Bái (Hiệp Hoà) được biết cách đây 6 năm về trước, phong trào trồng đậu tương hè ở đây phát triển khá mạnh, với diện tích 250-280 ha/năm. Nhưng trong mấy năm gần đây, diện tích đậu tương hè giảm rõ rệt. Ông Đặng Hồng Đăng, cán bộ khuyến nông xã cho biết: "Nếu như năm 2005, toàn xã có 11 thôn trồng đậu tương hè thì bốn năm trở lại đây chỉ còn 3 thôn trồng, đó là Bái Thượng, An Hoà và Khánh Vân với diện tích 40 ha. Hầu hết các hộ dân trước đây trồng nhiều đậu tương thì đến nay đã giảm phần lớn diện tích hoặc bỏ hẳn loại cây trồng này".
Diện tích đậu tương hè giảm mạnh nguyên nhân chính là do hiệu quả kinh tế từ cây trồng này thấp hơn so với một số loại cây rau màu khác. Đặc biệt, mấy năm gần đây lúa, ngô, lạc chủ yếu được gieo trồng bằng giống mới, năng suất đạt cao nhưng đậu tương vẫn trồng bằng hai giống cũ: ĐT12 và DT99 nên năng suất đạt thấp. Hơn nữa, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tiếp tăng trong khi giá đậu tương chỉ dao động 10-12 nghìn đồng/kg cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân bỏ trồng đậu tương. Theo tính toán của các hộ dân, trong thời gian trồng 70 ngày, mỗi sào đậu tương được chăm sóc tốt, năng suất đạt 70kg, ruộng nào bị sâu bệnh chỉ đạt 40kg. Với giá bán 12 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí mỗi sào đậu tương còn lãi 250-450 nghìn đồng. Mức thu nhập này chưa bằng 1/3 so với cấy lúa lai và trồng ngô ngọt. Nguyên nhân khác khiến diện tích đậu tương hè giảm mạnh là bởi trồng đậu tương rất vất vả, ngay khi vừa thu hoạch lúa xuân xong, nông dân phải khẩn trương làm đất để xuống giống bảo đảm thời vụ. Các khâu từ làm đất, chăm sóc đến thu hoạch đều chưa được cơ giới hoá nên đòi hỏi khá nhiều công lao động. Đặc biệt, thời gian thu hoạch đậu tương vào cuối tháng Bảy âm lịch hay có mưa lớn nên hạt dễ bị mốc ẩm, thối, chất lượng giảm, giá bán thấp. Theo phản ánh của người dân, mấy năm gần đây, đậu tương hè còn bị nhiễm nhiều loại bệnh như: nấm, thối thân, đốm lá nên đòi hỏi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở mức tương đối cao, thậm chí phải phun thuốc định kỳ, khá tốn kém. Không chỉ vậy, hiện nay nhiều lao động nông thôn làm nghề tự do hoặc làm việc tại các công ty với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng nên cũng không mặn mà với cây trồng này. Bên cạnh đó, trồng đậu tương theo công thức luân canh 4 vụ/năm làm cho trà lúa mùa muộn thường bị sâu bệnh gây hại nặng nên năng suất đạt thấp cũng là nguyên nhân khiến nông dân bỏ đậu tương hè.
Theo ông Vũ Trí Đồng, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì hiện nay đậu tương không phải là cây trồng được đưa vào chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá của tỉnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp không khuyến cáo nông dân khôi phục đậu tương hè. Tuy nhiên, nông dân nên tận dụng bãi bồi ven sông, nương bãi, chân ruộng gieo mạ không chủ động được nước tưới cấy lúa để trồng đậu tương. Ngoài ra, bà con có thể áp dụng công thức luân canh 3 vụ/năm: lúa xuân-đậu tương hè-rau vụ đông (lạc thu đông) thay vì 4 vụ như trước đây nhằm giảm sức ép về thời vụ gieo trồng. Được biết, hiện nay đã có một số giống đậu tương cho năng suất cao, kháng bệnh tốt nên các hộ dân có thể lựa chọn đưa vào trồng thay thế giống cũ. Đồng thời, chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như quy trình làm đất tối thiểu, sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Ốc bươu vàng là đại dịch của nhà nông, cắn phá lúa gây thiệt hại nghiêm trọng, người dân tìm đủ cách diệt trừ nhưng không hết. Thịt ốc ăn không ngon, nhà nông chỉ chế biến cho cá tôm hay vịt ăn. Thế mà gần đây, ốc bươu vàng lại được thương lái thu gom xuất qua Trung Quốc!
Hiện cả nước có khoảng 50.000 ha ca cao, trồng tập trung tại Bến Tre, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tiền Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu. Nhiều diện tích đã áp dụng tiêu chuẩn "UTZ Certified, hữu cơ và thương mại công bằng" cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường...
Có rất nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có rất nhiều người can ngăn khi biết ông Hoàng Văn Khiêm, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn ôm vài tỷ đồng lên mở trang trại nuôi cá tầm - cá hồi nơi rừng sâu heo hút.