Giá / Tin thủy sản

Tầm quan trọng và các giải pháp phòng bệnh trong nuôi tôm nước lợ

Tầm quan trọng và các giải pháp phòng bệnh trong nuôi tôm nước lợ
Tác giả: TTNC&SXGTSTH
Ngày đăng: 07/05/2021

So với vật nuôi trên cạn thì việc chữa bệnh cho tôm kém hiệu quả nhưng chi phí cho việc chữa trị cao hơn do đó giải pháp phòng bệnh cho tôm nuôi hiệu quả có tầm quan trọng.

So với vật nuôi trên cạn thì việc chữa bệnh cho tôm kém hiệu quả nhưng chi phí cho việc chữa trị cao hơn vì những nguyên nhân sau đây:

- Tôm sống dưới nước đặc biệt là tôm sú sống ở tầng đáy nên việc quan sát hoạt động và biểu hiện hằng ngày của tôm để phát hiện những cá thể bất thường tương đối khó khăn. Do đó, nếu không có biện pháp theo dõi sức khỏe tôm hợp lý thì khi phát hiện vài tôm bị bệnh thì thực tế tỷ lệ cá thể nhiễm bệnh của ao tôm đã nhiều.

- Nước là môi trường rất thuận lợi cho sự lan của cho mầm bệnh, đặc biệt là các loại bệnh truyền nhiễm.

- Khi phát hiện các cá thể tôm bị bệnh thì việc tách riêng cá thể tôm bệnh và tôm khỏe để trị bệnh trong điều kiện ao nuôi thì gần như không thể thực hiện được. Vì vậy, khi trị bệnh cho tôm vô tình làm các cá thể tôm khỏe cũng bị ảnh hưởng bởi thuốc, hóa chất, gây ra những hậu quả khác như làm giảm sức đề kháng của tôm. Ngoài ra, chi phí cho việc chữa trị sẽ tăng cao hơn.

- Tôm có thể bị nhiều mầm bệnh tấn công cùng một lúc khi sức đề kháng suy yếu. Vì vậy, việc tìm ra tác nhân chính để điều trị một cách hiệu quả rất khó khăn và đòi hỏi phải có nhiều chuyên môn và các thiết bị thí nghiệm phù hợp.

- Bên cạnh các bệnh do dinh dưỡng, môi trường, nấm, vi khuẩn gây ra, tôm còn dễ mắc phải nhiều loại bệnh do virus gây ra. Khi tôm đã nhiễm bệnh virus thì không có thuốc đặc trị, có thể gây thiệt hại lớn cho ao nuôi.

Một trong những vấn đề rất quan trọng đối với nghề nuôi tôm là việc tăng cường kiểm soát dư lượng kháng sinh trong tôm thương phẩm của các nước nhập khẩu. Vì vậy, việc sử dụng các chất kháng sinh không đúng để phòng và trị bệnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như trả hàng, từ chối hàng và thiệt hại cuối cùng chính người nông dân gánh chịu. Ngoài ra việc sử dụng thuốc hóa chất trong nuôi tôm để trị bệnh cho tôm còn ảnh hưởng lớn đế môi trường như tạo ra vi khuẩn kháng thuốc và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người trong đó có người trực tiếp nuôi tôm và người tiêu dùng.

Nguyên nhân tôm bệnh

Mỗi khi phát hiện tôm nuôi của mình bị bệnh hoặc ao nuôi bị thiệt hại, có nhiều bà cho rằng nguyên nhân tôm bị bệnh là do con giống, do thời tiết,…Tuy nhiên, về mặt khoa học thì tôm nuôi bị bệnh là sự tác động cộng gộp của 3 yếu tố:

- Môi trường ao nuôi: các yếu tố thủy lý hóa trong ao nuôi dao động theo chiều hướng bất lợi cho tôm (ngoài khoảng thích hợp) và thuận lợi cho mầm bệnh trong ao phát triển với số lượng đủ để làm bệnh bùng phát và gây ảnh hưởng cho tôm.

- Mầm bệnh: bình thường các vi sinh vật gây bệnh có thể hiện diện trong môi trường ao nuôi hoặc trên cơ thể tôm nhưng với mật độ thấp dưới ngưỡng gây bệnh cho tôm. Khi điều kiện môi trường thuận lợi như nồng độ hữu cơ cao, oxy thấp, pH, độ mặn,…thì các loại mầm bệnh này sẽ gia tăng mật độ và đủ độc lực để gây bệnh cho tôm.

- Vật chủ hay còn gọi là bản thân con tôm: sức đề kháng của tôm suy giảm có thể do nhiều nguyên nhân như sốc môi trường, do không cân bằng dinh dưỡng, khoáng chất,…

Như vậy, tôm chỉ biểu hiện bệnh khi có cả 3 điều kiện trên xuất hiện cùng một lúc.

Giải pháp phòng bệnh cho tôm

Từ những điều kiện làm phát sinh bệnh như đã nêu trên, để phòng ngừa bệnh phát trong ao nuôi, chúng ta cần tiến hành các giải pháp kỹ thuật để ít nhất 1 trong 3 yếu tố trên không xảy ra:

- Môi trường: ổn định môi trường ao nuôi trong khoảng thích hợp có lợi cho tôm và bất lợi cho mầm bệnh. Có thể liệt kê các yếu tố căn bản như sau:

Các chỉ tiêu môi trường

Khoảng thích hợp cho tôm sú

Khoảng thích hợp cho tôm thẻ chân trắng
pH

7.5 – 8.5

(dao động không quá 0.5)

7.5 – 8.2

(dao động không quá 0.5)

Kiềm (kH) 80 – 150 mg/l 120-180 mg/l
Độ mặn 3 – 25o/oo 5-25o/oo 
NH3 < 0,1mg/l /l< 0,1mg/l
H2S < 0,03 mg/l < 0,03 mg
Hàm lượng oxy hòa tan > 4 mg/l > 5 mg

 

Khi đảm bảo được các yếu tố môi trường như trên thì tôm sẽ được nâng cao sức đề kháng để chống lại mầm bệnh, không tiêu tốn năng lượng để điều chỉnh cơ thể, sử dụng năng lượng cho sự tăng trưởng và tăng cường sức mạnh cho hệ thống miễn dịch. 

Mầm bệnh: các loại mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm,…có sẳn trong ao hoặc từ ngoài xâm nhập vào ao nuôi qua nhiều con đường như tôm giống, thức ăn, nguồn nước, các ký chủ trung gian (giáp xác: tôm, tép tạp, cua, còng,…) chim, chuột, dụng cụ và cả con người cũng là tác nhân làm mầm bệnh lây lan. Để hạn chế mầm bệnh từ ngoài vào phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học như xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi, cho tôm ăn thức ăn chất lượng, dụng cụ phải được cách ly theo từng ao đặc biệt là không dùng chung 1 chài để chài tôm trong nhiều ao, phải vệ sinh sạch sẽ tay chân trước khi cho tôm ăn hay thực hiện công việc trên ao nuôi; phải lấy nước từ ao lắng đã được xử lý không cấp nước trực tiếp từ ngoài vào.           

Để diệt bớt tác nhân gây bệnh, người nuôi nên sử dụng chất diệt khuẩn hoặc chất oxy hóa mạnh rong quá trình cải tao ao, xử lý nước là cần thiết. Trong suốt vụ nuôi, chất diệt khuẩn cũng được sử dụng một cách hợp lý để ngăn chặn mầm bệnh phát triển trong ao. Ngoài ra, sử dụng vi sinh để tăng mật số vi khuẩn có lợi lấn át vi khuẩn gây bệnh cũng là biện pháp phòng bệnh được áp dụng rộng rãi hiện nay.

Vật chủ (sức khỏe nội tại của tôm): khi tôm có sức đề kháng cao thì khả năng chống chịu với mầm bệnh cũng cao. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng kháng bệnh của tôm như con giống, điều kiện môi trường (như đã trình bày ở trên), dinh dưỡng,… Để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi thì trước hết phải cho tôm ăn đủ cả về lượng và chất; lựa chọn con giống đúng quy trình (cảm quan, sốc formol/độ mặn, xét nghiệm). Ngoài ra, bổ sung Vitamin C, khoáng và các chất tăng cường hệ miễn dịch (như bêta-glucan) cho tôm sẽ giúp tôm nuôi nâng cao đề kháng, hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Chúc bà con có một vụ nuôi mới thắng lợi!


Có thể bạn quan tâm

Hướng dẫn sử dụng máy cho ăn tự động Hướng dẫn sử dụng máy cho ăn tự động

Nên đặt máy cho tôm ăn tự động ở vị trí nào trong ao? Cách cho ăn và điều chỉnh thức ăn khi sử dụng máy cho ăn tự động?

07/05/2021
Nghiên cứu mô hình tôm càng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu Nghiên cứu mô hình tôm càng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Việt Nam để cải tiến mô hình tôm càng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

07/05/2021
8 phương pháp phòng và trị bệnh AHPND trên tôm 8 phương pháp phòng và trị bệnh AHPND trên tôm

Ngành nuôi tôm ở Việt Nam đang bị đe doạ bởi sự bùng nổ của nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra

07/05/2021