Giá / Tin thủy sản

Tại sao nuôi trồng thủy sản lồng bè đang là mốt thịnh hành ở Ấn Độ

Tại sao nuôi trồng thủy sản lồng bè đang là mốt thịnh hành ở Ấn Độ
Tác giả: 2LUA.VN biên dịch
Ngày đăng: 26/11/2020

Nuôi trồng thủy sản trong các lồng bè trên biển đang mang lại tia sáng cho nhiều người đang hoạt động trong ngành đánh bắt cá của Ấn Độ, lĩnh vực này vốn đang lao đao vì sản lượng khai thác ngày một cạn kiệt đi đôi với chi phí hoạt động của tàu thuyền và suy thoái môi trường tăng cao.

Một trang trại chăn nuôi cá chẽm ở miền Tây Bengal. Ảnh: Gurvinder Singh

Raghusekhar Talasila đã tham gia vào hoạt động nuôi cá biển trong 10 năm qua ở quận Krishna của Andhra Pradesh ở vùng đông nam Ấn Độ. Là một người đàn ông 44 tuổi xuất thân từ một gia đình nông dân nhưng anh chọn nuôi trồng thủy sản thay vì canh tác nông nghiệp.

Từ trồng trọt trên đồng ruộng sang chăn nuôi lồng bè xa bờ

Talasila sở hữu 13 lồng bè ở vùng thượng lưu sông Krishna mà các cơ sở này đem lại cho anh một khoản lợi nhuận lớn hàng năm.

“Cha tôi vẫn làm nghề nông nhưng tôi đã quyết định bắt đầu chăn nuôi cá lồng bè vì bị lợi nhuận thu hút. Tôi chủ yếu chăn nuôi cá anh vũ Ấn Độ và thu hoạch khoảng 4 tấn cá mỗi năm, tạo ra lợi nhuận chung 400,000 rupee mỗi năm (khoảng 5,500 đô la Mỹ). Ông cho biết "hầu như không thể tạo ra lợi nhuận tương tự như vậy trong nông nghiệp, lĩnh vực này vốn đòi hỏi nhiều công sức lao động và phụ thuộc chủ yếu vào gió mùa thuận lợi."

Anh gửi lời cảm ơn đến các quan chức của Viện Nghiên cứu Thủy sản Biển Trung ương của Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (ICAR-CMFRI - một viện nghiên cứu thủy sản biển nhiệt đới hàng đầu), họ là những người đã thúc đẩy anh bắt đầu công việc chăn nuôi cá lồng bè cách đây một thập kỷ.

“Hơn 100 nông dân trong làng của tôi hiện đang tham gia vào hoạt động chăn nuôi cá lồng bè sau khi được tôi truyền cảm hứng,” ông nói với một niềm tự hào.

Nghề đánh bắt cá biển ở Ấn Độ đang thu hẹp dần

Tổng sản lượng đánh bắt cá biển của Ấn Độ trong năm 2018 được ghi nhận là 3,49 triệu tấn (thấp hơn 9% so với năm trước), chủ yếu do sản lượng đánh bắt ở các bang ven biển Tây Bengal, Karnataka và Maharashtra bị giảm sút. Tuy nhiên, tình hình đã khá hơn một chút vào năm ngoái khi mà sản lượng hàng năm đạt 3,56 triệu tấn cá biển (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái).

Supratim Chowdhury - phó giáo sư tại Đại học Khoa học Động vật & Thủy sản miền Tây Bengal cho biết: “Tổng sản lượng đã tăng lên nhưng sản lượng khai thác đã giảm xuống ở các bang như Maharashtra, Goa và Kerala, những nơi được biết đến là nơi có sản lượng đánh bắt cao."

Ông cho biết thêm rằng sản lượng khai thác cạn kiệt và sự tàn phá lớn do tàu thuyền gây ra đối với sinh vật thủy sinh là một trong những lý do chính để bắt đầu công việc chăn nuôi lồng bè trên biển.

“Hệ thống này đã phổ biến ở các nước như Na Uy, Chilê và Trung Quốc vì sự tiến bộ công nghệ và cũng vì họ có nhiều vịnh và đầm phá được bảo vệ. Chúng tôi đang thực hiện hiệu quả ở các bang miền nam của Ấn Độ còn ở miền đông, hệ thống cũng đang dần được khởi động,” ông cho biết thêm.

Trang trại chăn nuôi lồng bè trên biển đầu tiên của Ấn Độ mãi đến năm 2005 mới được thành lập. Ảnh: Gurvinder Singh

Nguồn gốc của hoạt động chăn nuôi lồng bè trên biển ở Ấn Độ

Nghê nuôi cá lồng bè trên biển ở Ấn Độ do CMFRI khởi xướng cùng với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Ban Phát triển Thủy sản Quốc gia (NFDB) tại Visakhapatnam, Andhra Pradesh vào năm 2005.

“Chúng tôi đã bắt đầu với ba lồng bè và sản lượng trong năm đầu tiên đạt 3 tấn.  Nhưng có những thách thức kéo theo vì ban đầu người nông dân không tỏ ra hứng thú nhiều và khó thuyết phục họ vì chi phí vận hành lớn và các chi phí khác. Tình hình hiện nay đã thay đổi dựa vào việc nông dân chuyển từ các nghề khác sang chăn nuôi lồng bè vì bị lợi nhuận thu hút,” Tiến sĩ Shubhadeep Ghosh - trưởng nhà khoa học của ICAR-CMFRI có trụ sở tại Visakhapatnam cho biết.

Theo Ghosh, sản lượng trên mỗi mét khối trong các trang trại lồng bè là từ 25-30 kg so với chỉ có 0.5-1 kg trên mỗi mét khối trong các ao chăn nuôi.

“Cũng không có yêu cầu nào về việc duy trì chất lượng nước vì đây là hệ thống năng động trên biển. Việc chăn nuôi cá lồng bè có thể được thực hiện bởi một người nông dân không có đất và ít thâm dụng vốn hơn. Dịch bệnh cũng ít xảy ra và công việc giám sát lồng nuôi dễ dàng. Mỗi lồng bè tạo ra việc làm cho ba người,” Ghosh giải thích.

Điều kiện tiên quyết của hoạt động chăn nuôi cá lồng bè

“Một chiếc lồng bè bao gồm khung cứng làm giá đỡ và lưới nylon làm thân lồng.  Cần có vật liệu phù hợp với giao thức HACCP [phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát tới hạn] thân thiện với môi trường, không gỉ để chế tạo lồng. Các lồng thường được bao bọc ở tất cả các mặt, ngoại trừ một lỗ hở ở phía trên để cho ăn và xử lý vật nuôi trong lồng. Lồng bè có thể được bố trí ở đáy, giữa hoặc bề mặt của cột nước nhưng lồng nổi rất phổ biến và dễ quản lý. Kích thước của lồng đa dạng và hình dạng có thể là hình tròn, hình vuông hoặc hình chữ nhật, nhưng phải có độ sâu tối thiểu là 6m khi thủy triều xuống thấp nhất. Cần trừ hao tối thiểu 2m giữa đáy lồng và đáy biển," Ghosh cho biết thêm.

Theo Ghosh thì cả nước hiện có khoảng 3,200 lồng bè trên biển. Tổng sản lượng từ các lồng bè này đạt khoảng 4,500 tấn hàng năm, với các loài chính là cá anh vũ Ấn Độ (Trachinotus blochii), cá bớp (Rachycentron canadum) và cá vược châu Á (Lates calcarifer).

ICAR-CMFRI đã dự đoán xa hơn rằng ngay cả khi chỉ 1% vùng nước ven bờ của Ấn Độ được sử dụng để chăn nuôi cá lồng bè thì bấy nhiêu đó sẽ cho phép triển khai 820,000 chiếc lồng với tiềm năng sản xuất là 3,2 triệu tấn.

Thời kỳ thịnh vượng của hoạt động chăn nuôi lồng bè

Các doanh nhân trẻ ở Ấn Độ hiện đang xem việc chăn nuôi cá lồng bè trên biển như một cơ hội kinh doanh béo bở.

Anil Kumar Karanam (34 tuổi, là một kỹ sư phần mềm có trụ sở tại Visakhapatnam) đã quyết định chuyển hướng sang hoạt động chăn nuôi cá lồng bè trên biển. Ông ấy muốn nuôi các loại cá như cá anh vũ Ấn Độ, cá anh vũ bạc và cá mú đốm cam.

“CMFRI đã tập huấn cho tôi về nghiệp vụ chăn nuôi cá lồng bè bằng cách lắp đặt một chiếc lồng vào năm ngoái. Tôi nhận thấy rằng đó là một liên doanh có lợi nhuận cao, miễn là có ít nhất 12 hoặc 13 lồng. Tôi đã xin phép Ban Phát triển Thủy sản Quốc gia Vizag [tức Visakhapatnam] để lắp đặt 20 lồng. Tôi nghĩ chăn nuôi cá lồng bè là kỹ thuật tốt nhất để đạt được cả chất lượng lẫn số lượng thu hoạch và mất khoảng tám tháng để hoàn thành một vụ nuôi."

Các cựu ngư dân ở các bang phía đông như miền Tây Bengal và Odisha hiện cũng đang thử bắt đầu chăn nuôi cá lồng bè.

“Giá dầu đi-ê-zen đã tăng mạnh trong vài năm qua và rất khó đối phó với tình hình này. Không giống như hoạt động chăn nuôi cá lồng bè, chúng tôi không tìm được loài mục tiêu và thường thì việc đánh bắt không có giá trị sử dụng, tình trạng này dẫn đến thiệt hại nặng nề cho chúng tôi,” Amit Das (52 tuổi và là một chủ tàu đánh cá đến từ Kakdwip ở miền Tây Bengal) chỉ ra.

“Rủi ro đến tính mạng của ngư dân là một vấn đề khác mà các chủ tàu phải sống chung và bồi thường cho họ nếu xảy ra bất trắc. Việc chăn nuôi lồng bè là một giải pháp thay thế tốt hơn nhiều vì nó sản xuất những loài có thể mang lại lợi nhuận cao, ít tốn nhiên liệu và cần ít lao động hơn.”

Tuy nhiên, một số chuyên gia về biển tin rằng nghề chăn nuôi cá lồng bè cần được cải thiện.

Supratim Chowdhury cho biết: “Chúng tôi đã lắp đặt bảy lồng thí điểm tại một con lạch ở Kakdwip (nằm cách Vịnh Bengal khoảng 10 km). “Chúng tôi đang đối mặt với những thách thức của tự nhiên, vì biên độ thủy triều ở đây khác nhau, có dòng chảy mạnh ban đầu đặt ra một thách thức lớn cho việc giữ lồng bè lơ lửng trong nước. Chúng tôi phải neo các lồng bằng cách sử dụng dây neo, khúc gỗ và hệ thống dằn để lưới lơ lửng trong nước và giữ cho lưới thẳng đứng. Chowdhury cho biết thêm đây là điều cần thiết nếu không thì các dòng chảy có thể siết chặt lưới, dẫn đến cá bị căng thẳng.

Ông cũng báo cáo rằng đang có kế hoạch lắp đặt các lồng gần Vịnh Bengal để đối phó với các vấn đề do thiên nhiên gây ra.

Một số chuyên gia hàng hải nhận xét rằng hội chứng oxy hòa tan thấp (LODOS) là một vấn đề khác và vấn đề này có thể đòi hỏi các hệ thống hỗ trợ sục khí cơ học. Các vấn đề khác bao gồm ô nhiễm lồng, lây lan dịch bệnh và phá hoại hoặc săn trộm.

Nhưng các nhà khoa học ở Ấn Độ cho biết họ liên tục theo dõi lĩnh vực này và vẫn chưa gặp phải bất kỳ vấn đề nào có thể đe dọa nghiêm trọng đến việc áp dụng rộng rãi các hệ thống lồng bè.

Chowdhury cho biết thêm “chính phủ Ấn Độ cũng đang thúc đẩy hoạt động chăn nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng rộng rãi hơn và đã đưa ra các khoản trợ cấp dành cho những nông dân muốn lắp đặt lồng. Mục đích không chỉ là tạo ra sinh kế mà còn để giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào biển và gia tăng sản lượng."


Có thể bạn quan tâm

Sông trong ao Sông trong ao

Mô hình nuôi cá sông trong ao chính là công nghệ nuôi trồng thủy sản sáng tạo. Công nghệ nuôi cá theo mô hình tạo sông trong ao đã giúp giảm chi phí nuôi

26/11/2020
Ra mắt vắc xin nuôi trồng thủy sản liên doanh Ra mắt vắc xin nuôi trồng thủy sản liên doanh

Một công ty chế tạo vắc xin nuôi trồng thủy sản mới đã được cho ra mắt bởi Touchlight Genetics và Stonehaven Incubate.

26/11/2020
Liệu vắc xin DNA có thể mang hy vọng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu hay không? Liệu vắc xin DNA có thể mang hy vọng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu hay không?

Liệu vắc xin DNA có thể mang lại hy vọng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu hay không?

26/11/2020