Tại sao châu Âu 'rút thẻ vàng' với hải sản Việt Nam?
Các doanh nghiệp Việt cho rằng thực hiện cam kết IUU chính là vì sự phát triển bền vững. ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ngày 23.10, Liên minh châu Âu (EU) đã 'rút thẻ vàng' đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc IUU. Vậy IUU là gì?
Chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp
IUU (illegal, unreported and unregulated fishing) là chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Năm 2002, EU ban hành IUU trên cơ sở triển khai “Kế hoạch hành động quốc tế” của Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) năm 2001, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá vi phạm IUU.
Mục đích mà IUU hướng tới là phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Theo quy định IUU, các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức thấp nhất là gấp 5 lần giá trị của sản phẩm sai phạm, gấp 8 lần giá trị cho các trường hợp tái phạm trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, luật cũng đưa ra các biện pháp xử phạt khác kèm theo như tịch thu tạm thời tàu đánh bắt cá vi phạm...
Bị phạt thẻ, tổn thất của các quốc gia xuất khẩu hải sản vào EU là không nhỏ vì nó tạo tâm lý e ngại cho các nhà bán lẻ ở EU đối với hải sản nhập khẩu từ quốc gia đó và có thể thay thế bằng hải sản đến từ quốc gia khác. Đặc biệt quốc gia nào bị phạt thẻ đỏ, các sản phẩm hải sản khai thác của quốc gia ấy sẽ bị cấm vào EU. Theo thống kê của Trung tâm WTO Việt Nam, tính đến nay đã có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU áp dụng hình thức phạt thẻ. Trong đó, 13 quốc gia bị phạt thẻ nhưng đã được thu hồi nhờ hệ thống quản lý được cải thiện. Có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ đang bị thẻ vàng gồm: Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Siera Leone, Đài Loan, Thái Lan, Trinidad & Tobago và Tuvalu. Đặc biệt 3 quốc gia đang bị thẻ đỏ là Campuchia, Conmoros và Saint Vincent & Grenadines.
Doanh nghiệp Việt cam kết tuân thủ IUU
Trước nguy cơ bị “rút thẻ vàng”, ngày 25.9, tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị doanh nghiệp hải sản cam kết “Chống khai thác IUU”.
Tại hội nghị, Ban điều hành IUU đã ra đời với 73 doanh nghiệp tham gia và cam kết cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cộng đồng ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về IUU và Chương trình hành động Quốc gia chống khai thác IUU của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp.
Cam kết kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm. Các doanh nghiệp cũng cam kết nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định.
Có thể bạn quan tâm
Để phòng bệnh theo hướng an toàn, việc sử dụng những loại thảo mộc sẵn có trong tự nhiên sẽ giúp xử lý môi trường ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho cá
Váng xanh nổi trên mặt ao là do tảo già chết tạo thành váng. Nguyên nhân có tảo nhiều là do ao thừa dinh dưỡng, dinh dưỡng từ thức ăn thừa, bón nhiều phân
Địa Trung Hải cũng phải trải qua một chặng đường dài với nhiều thử thách trong công cuộc tìm kiếm nguồn thức ăn thủy sản bền vững.