Giá / Tin nông nghiệp

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Hưng Yên: Đạt 150 triệu đồng/ha canh tác

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Hưng Yên: Đạt 150 triệu đồng/ha canh tác
Tác giả: Việt Tùng
Ngày đăng: 22/12/2016

Sau 5 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM và bước đầu triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Hưng Yên đã đạt được những kết quả nhất định, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng nhanh...

Trong ảnh: Nhãn lồng là một trong các đặc sản, thế mạnh của Hưng Yên được chú trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: V.T

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Hưng Yên giai đoạn 1997 – 2014 đạt 3,3%/năm. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2015 đạt 11.048 tỷ đồng, tăng gần 5 lần năm 1997...

Giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng đạt 2,5-3%/năm

Thời gian tới, Hưng Yên sẽ ưu tiên phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo các loại hình kinh tế hợp tác, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; mỗi sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đều gắn kết chặt chẽ với các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản nhằm tạo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 02 NQ/TU ngày 10.5.2011 của Tỉnh ủy Hưng Yên, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hưng Yên chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản, giảm tỷ trọng cây lương thực và rau quả, cây công nghiệp. Theo đó, năm 2015 cây lương thực chiếm 19,58%, rau quả, cây công nghiệp 25,09%, chăn nuôi, thủy sản 55,33%. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác tăng từ 29 triệu đồng năm 1997, lên 150 triệu đồng năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Doanh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, Hưng Yên là 1 trong số 10 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ gieo trồng giống lúa chất lượng cao lớn. Năm 2015 đạt 60,34% diện tích, phấn đấu đến năm 2020 đạt 70 – 75%. Vừa qua thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích lúa khó canh tác, thường xuyên ngập úng hoặc khan hiếm nước tưới để trồng cây ăn quả hằng năm hoặc nuôi trồng thủy sản với 7.000ha. Kết quả nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đạt 400 – 500 triệu đồng/ha/năm.

“Trong những năm qua người dân rất chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chẳng hạn tại Văn Giang người dân đã chuyển sang trồng quýt đường Canh, chuối tiêu hồng, cam Vinh, nhãn lồng và các loại hoa như ly, lan... Mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đặt ra là 128 triệu đồng/ha, tuy nhiên hết năm 2015, chúng tôi đã đạt trên 150 triệu đồng (gấp 1,5 lần so với bình quân cả nước). Về vật nuôi, người dân đang đẩy mạnh chăn nuôi gà Đông Tảo và Đông Tảo lai” – ông Doanh cho hay.

Về Chương trình xây dựng NTM, hầu hết cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn ở các xã đã thay đổi rõ rệt, nhiều công trình văn hóa, y tế, giáo dụng được cải tạo, xây mới, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Tính đến nay Hưng Yên đã có 38 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 70% số xã về đích. 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Mặc dù nông nghiệp có sự phát triển ổn định, nhiều mô hình mang lại giá trị cao, song đời sống của người dân làm nông nghiệp còn thấp. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn; Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả còn hạn chế; môi trường nông nghiệp, nông thôn bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận thấp; cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chậm điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vai trò, vị trí và tiềm năng. Mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều và rẻ nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao.

Theo ông Doanh, trước thực trạng đó UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

“Đề án sẽ nhắm sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn kết với thị trường, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: Bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà Đông Tảo, Đông Tảo lai, nhãn lồng, vải lai, cam, bưởi, chuối, hoa các loại, cây cảnh, một số cây dược liệu và rau màu các loại. Lấy khoa học công nghệ và đổi mới tổ chức sản xuất làm động lực cho tăng trưởng” – ông Doanh cho hay.


Có thể bạn quan tâm

GS Nguyễn Lân Dũng: Không nên buộc nông dân trồng lúa quá nhiều GS Nguyễn Lân Dũng: Không nên buộc nông dân trồng lúa quá nhiều

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tinh thần "sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp”. Vậy chúng ta phải làm gì?

22/12/2016
Ca cao Việt bắt đầu “hot” Ca cao Việt bắt đầu “hot”

Ca cao sơ chế chỉ có thể lời 15%, còn sản phẩm tinh chế từ ca cao có thể lên đến 400%.

22/12/2016
Nông sản Việt chinh phục nước Nhật: Chuối vượt “sát hạch” thế nào? Nông sản Việt chinh phục nước Nhật: Chuối vượt “sát hạch” thế nào?

Dù nông sản Việt Nam được đánh giá với nhiều tiềm năng, có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước hai bên và đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu.

22/12/2016