Giá / Mô hình kinh tế

Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Chú Trọng Sản Xuất Quy Mô Lớn

Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Chú Trọng Sản Xuất Quy Mô Lớn
Tác giả: 
Ngày đăng: 14/06/2013

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu (ĐATCC) ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng bền vững.

Vấn đề quan trọng hiện nay là việc triển khai đề án này cần được thực hiện như thế nào. NTNN đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý.

TS Lê Quốc Doanh - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Sẽ có đề án chuyển đổi đất lúa

Sau khi ĐATCC ngành nông nghiệp được thông qua, chúng tôi đang xây dựng chiến lược phát triển của riêng ngành trồng trọt để trình Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, chúng tôi cũng đang làm đề án chuyển đổi đất lúa sang cây trồng có giá trị, năng suất cao hơn. Mục tiêu của ngành trồng trọt hướng đến là tập trung đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt, sẽ tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT): Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng

Hiện Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo ngành thủy sản căn cứ vào ĐATCC chung của ngành đã được Chính phủ phê duyệt để xây dựng ĐA riêng và trình lên Bộ trưởng trước ngày 30.7. Hiện Tổng cục Thủy sản đang triển khai xây dựng ĐATCC ngành thủy sản. Trong số các lĩnh vực của ngành nông nghiệp hiện nay, thủy sản đang được coi là ngành còn có nhiều tiềm năng phát triển nhất nếu chúng ta tích cực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi cho thủy sản.

PGS - TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam: Tổ chức lại chăn nuôi là tất yếu

Hiện tại, ngành chăn nuôi đang điêu đứng vì giá sản phẩm thấp, nông dân lỗ liên tục... Để phát triển chăn nuôi, việc tổ chức lại sản xuất là chuyện tất yếu, từ việc tổ chức lại nhân sự quản lý ngành đến việc tổ chức lại phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất với quy mô công nghiệp, quy trình hiện đại hóa. Đặc biệt, đầu tư chế biến thành phẩm để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm là khâu mà ngành chăn nuôi trong nước đang còn yếu.

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thới An (Ô Môn, Cần Thơ): Cần quan tâm phát triển cá tra

Theo tôi, trong ngành thủy sản hiện nay chúng ta cần tập trung vào phát triển con cá tra. Thực tế cho thấy, chưa có loài thủy sản nào “dễ tính” như cá tra của Việt Nam, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL. Cá tra dễ nuôi, ít bệnh, chi phí đầu tư ban đầu so với các loại cá da trơn khác trên thế giới cũng nhẹ hơn...

Để cá tra phát triển được, cần phải tổ chức lại sản xuất, định hướng cụ thể cung cầu để đảm bảo giá trị cá tra trên thị trường thế giới, người nông dân cũng đảm bảo được lợi nhuận.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp: Chọn ngành hàng có cạnh tranh hơn

Có ĐATCC rồi, ngành nông nghiệp cần chuyển những ngành hàng có tính cạnh tranh thấp sang những ngành hàng có cạnh tranh cao hơn. Chẳng hạn trong trồng trọt có thể giảm đất lúa, chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi, tập trung và phát triển các mặt hàng như cao su, hồ tiêu, điều… có lợi thế cạnh tranh. Đối với cơ cấu các ngành, cần chuyển bớt trồng trọt sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Còn trong từng ngành hàng thì cần tạo ra giá trị gia tăng mới cao hơn.

Ví như, đẩy mạnh phát triển dịch vụ chế biến, phát triển công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tạo ra giá trị mới để nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển bền vững cho nông nghiệp của nước ta. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, theo tôi cần thực hiện nhóm giải pháp quan trọng nhất là xác định được thay đổi mục tiêu về sản phẩm mới, công đoạn mới trong sản xuất…

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): Vẫn hỗ trợ chăn nuôi nông hộ

Chăn nuôi nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là mô hình nông hộ, chiếm 70% về số lượng và 60% về sản lượng trong toàn ngành, đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân. Tuy nhiên, khi xây dựng ĐATCC, chúng tôi sẽ định hướng cho các địa phương một mặt vẫn hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ, nhưng hướng tới an toàn sinh học để vừa đảm bảo tạo sinh kế cho người nông dân, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm…

Mặt khác, ngành cũng sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp, các mô hình trang trại lớn, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Loại Cây Trồng Cạn Thu Nhập Gấp Nhiều Lần Cây Lúa Nhiều Loại Cây Trồng Cạn Thu Nhập Gấp Nhiều Lần Cây Lúa

Chuyển đổi cây trồng đang là một yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu

14/06/2013
Cá Bống Tượng Qua Rồi Thời Hoàng Kim? Cá Bống Tượng Qua Rồi Thời Hoàng Kim?

Hiện nay, huyện Cái Nước có tổng số hơn 2.210 hộ tận dụng gần 300 ha diện tích mương vườn để nuôi cá chình và cá bống tượng. Mô hình này phát triển mạnh ở các xã: Hưng Mỹ, Phú Hưng và Thạnh Phú.

14/06/2013
Triển Vọng Cây Ngô Lai Trên Đất Tái Định Cư Triển Vọng Cây Ngô Lai Trên Đất Tái Định Cư

Thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để khắc phục điều kiện sản xuất, nâng thu nhập cho người dân TĐC Huổi Lực, xã Mường Báng, bằng nguồn vốn từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, năm 2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa đã triển khai mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng ngô lai LVN10.

14/06/2013