Sự Trở Lại Của Cây Nho Ở Phước Thể
Là một trong những địa phương có diện tích trồng nho khá lớn ở Tuy Phong (Bình Thuận), có điều kiện đất đai phù hợp, nên từ lâu nhiều hộ dân ở các xã Phước Thể, Phú Lạc… đã chọn cây nho làm cây trồng chủ lực.
Loại cây từng được xem là “nữ hoàng” ở vùng đất nắng gió này đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả, nhưng rồi không lâu sau, chính họ lại quay lưng với nó. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhờ giá cả ổn định, nâng cao kỹ thuật canh tác nên những vườn nho đã bắt đầu phục hồi.
Ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể cho biết, hiện toàn xã có 30 ha trồng nho, trong đó có khoảng 6 ha trồng mới trong năm nay, chủ yếu là chuyển đổi từ đất lúa ở gò cao, đất trồng màu và các loại cây ăn trái không hiệu quả. Điều này cho thấy nông dân khá nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường, bởi nhu cầu tiêu thụ loại trái cây này hiện đang tăng lên, đặc biệt là vào dịp tết.
Thêm vào đó, nhờ áp dụng chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, nên năng suất cây trồng đã cao hơn trước, trung bình khoảng 15 - 20 tấn/ha. Hiện một số nhà vườn ở Phước Thể đang thu hoạch nho và bán cho các chủ vựa để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc, với giá bán tại vườn 10.000 đồng/kg.
Theo nhiều lão nông trồng nho lâu năm ở Phước Thể cho biết, chủ yếu người dân ở đây trồng giống nho Cardinal (nho đỏ), bởi nó có nhiều ưu điểm như quả đẹp, dễ vận chuyển, sinh trưởng nhanh, năng suất khá, tuổi thọ của cây kéo dài tới 6 năm. Trồng khoảng 4 tháng, giống nho này đã cho thu hoạch, nên một năm có thể thu 3 vụ, nhưng cũng vì thế khâu chăm sóc và đầu tư thuốc, phân bón cho cây trồng này khá cao. Về mùa nắng, phải tưới nước cho cây thường xuyên, đặc biệt cây nho trồng trên đất cát thường 5 - 7 ngày phải tưới một lần, khi lá nhiều, ra hoa, quả thì mỗi lần tưới cách nhau 3 - 5 ngày.
Anh Phương Hiệp, ở xóm 1, thôn Đại Hòa có gần 3 sào nho. Theo như anh nói thì gia đình đã trồng loại cây này hơn 10 năm, so với cây lúa nó mang lại giá trị kinh tế khá hơn. Tính riêng năm 2012 sau khi trừ chi phí gia đình anh còn lãi gần 60 triệu đồng.
Tuy nhiên nho là cây trồng có khá nhiều bệnh như sâu, rầy, rệp sáp hút nhựa, nhện đỏ, đặc biệt thường xuất hiện sâu ăn lá, sâu đục thân, đục quả, bệnh phấn trắng, bệnh rỉ sắt… vì thế phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời để tránh lây lan. Đơn cử như bệnh mốc sương do nấm Plasmopora viticola gây ra.
Bệnh gây hại nhiều nhất khi trời ẩm, lặng gió, đầu tiên xuất hiện trên lá, sau hại cả dây leo, đọt, hoa và chùm quả. Vì thế anh Hiệp thường trị bệnh bằng sulfat đồng - vôi (thuốc Bordeaux), thuốc Ridomil MZ 58WP 0.5%, Tilt 250 EC, Baycor 300 EC phun kỹ và nhiều lần khi bệnh xuất hiện (đặc biệt vào mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12).
Cây nho đang dần phục hồi, khiến cho cơ cấu cây trồng ở vùng đất Tuy Phong đa dạng, phong phú hơn. Tuy nhiên điều mà người dân ở địa phương mong muốn là cần có nhiều lớp tập huấn kỹ thuật để họ có thêm kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc loại cây trồng này nhằm tăng năng suất, giảm các loại sâu bệnh gây hại, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, trên một số trang báo điện tử đưa tin Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện “Trifluralin trong cá điêu hồng” tại chợ đầu mối Bình Điền trước và sau Tết Nguyên Đán 2012... gây ra dư luận hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cá.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có gần 800 ha vải bị bọ xít gây hại (mật độ bình quân 2 - 3 con/cành, chỗ cao 7 con/cành).
Theo tính toán của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khoản chi trên được lấy từ ngân sách nhà nước hàng năm để giúp người trồng lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa (có hiệu lực từ ngày 1.7 tới).