Giá / Tin thủy sản

Sự nguy hại của tôm hùm nước ngọt

Sự nguy hại của tôm hùm nước ngọt
Tác giả: Lê Bền
Ngày đăng: 21/05/2019

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) là một loài xâm hại nguy hiểm, cũng là loài xâm lấn điển hình, đã từng gây ra dịch hại xâm lấn nghiêm trọng nơi chúng sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới.

Tôm hùm nước ngọt đã từng gây nên nhiều thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản tại nhiều nước trên thế giới.

Rất nguy hại nếu để thoát ra môi trường

Tôm hùm nước ngọt thuộc bộ Decapoda; họ Cambaridae; giống Procambarus; loài Procambarus clarkii. Tên khoa học là Procambarus clarkii (tên tiếng Việt: tôm hùm nước ngọt, tôm hùm đất); tên tiếng Anh là Red swam craw fish, crayfish.

Lực lượng chức năng phát hiện, tiêu hủy lô tôm hùm đất nhập lậu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngày 13/5/2019.

Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Bắc Mỹ (cụ thể là ở Bắc Mexico đến Florida và phía bắc đến phía nam Illinois và Ohio), sau đó chúng được đưa đến nhiều nơi ở Mỹ: Arizona, California, Georgia, Hawaii, Idaho, Indiana, Maryland, North Carolina, Nevada, Ohio, Oregon, South Carolina, Utah và Virginia, Nam và Trung Mỹ. Loài này cũng đã được đưa đến châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Síp, Bồ Đào Nha), châu Phi và châu Á (Trung Quốc).

Tại Việt Nam, tôm hùm nước ngọt được nhập vào từ Trung Quốc với mục đích nuôi thử nghiệm ở diện hẹp. Năm 2008, Bộ NN-PTNT đã cho phép Viện Nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) ở các tỉnh miền Bắc phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu” và “Dự án nhập công nghệ sản xuất giống tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu ở các tỉnh miền Bắc”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tôm hùm nước ngọt có khả năng sinh trưởng và phát triển tại miền Bắc nước ta do chúng là loài thủy sinh vật dễ nuôi, ít dịch bệnh. Tuy nhiên giá trị kinh tế không cao, tỉ lệ thịt so với khối lượng cơ thể thấp, cỡ thương phẩm nhỏ (30-50 g), có nhiều đặc tính của sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại như: ăn tạp, phàm ăn, cạnh tranh thức ăn, có thể chiếm nơi sống của loài bản địa, có khả năng gây hại sinh vật bản địa, đào hang hốc (sâu đến 2 m) và có thể gây hại cho các công trình thủy sản, đê điều nếu thoát ra ngoài… Vì vậy, Viện đã khuyến cáo không nên phát triển nuôi đối tượng này ngay sau khi kết thúc nghiên cứu (năm 2010).

Có thể đào hang sâu từ 1-2 m

Tôm hùm nước ngọt là loài sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm, chúng có thể đào hang trú ẩn, sâu đến 100-200 cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ từ 0 đến 37oC, sống ở các sông, hồ, ao, suối, kênh rạch, vùng đất ngập nước theo mùa và đầm lầy, những vùng nước bị xáo trộn như ruộng lúa và các kênh thủy lợi, hồ chứa, vùng nước nông giàu thức ăn, nơi có đất thịt hoặc đất thịt pha cát, có nhiều rong cỏ, rễ cây.

Tôm hùm nước ngọt có thể đào hang sâu 1-2m, đe dọa tới công trình thủy lợi, nông nghiệp và thủy sản

Đây là loài sinh vật dễ dàng thích nghi với những vùng nước có độ mặn vừa phải, nồng độ oxy thấp, nhiệt độ khắc nghiệt và thậm chí là có thể sống ở những vùng nước bị ô nhiễm. 

Về đặc điểm hình thái nhận dạng: Thông thường tôm hùm nước ngọt có màu đỏ sẫm, con tiền trưởng thành thường có màu xám. Tôm hùm nước ngọt có thể đạt kích thước hơn 50g trong 3-5 tháng (Henttonen and Huner, 1999) và có thể dài khoảng 5,5 đến 12cm, thân dạng hình trụ. Toàn thân được bao bọc bởi lớp vỏ cứng, ở con trưởng thành dễ thấy có nhiều nốt sần (nhám) ở phần đầu ngực (Cephalothorax), với 2 càng lớn được dùng để  chiến đấu, gắp thức ăn, đào hang. Chủy dài thẳng và trông như một tam giác.

Loài này có 5 cặp chân ngực (Pleopod) dùng cho việc di chuyển trên cạn lẫn dưới nước. Cặp chân đầu nhỏ, dài, có màu đỏ tươi, có thể kìm kẹp thức ăn đưa vào miệng. Ngoài ra chúng còn 5 cặp chân nhỏ ở phần bụng (Pereopod) dùng để bơi lội và cuối cùng là Uropod (chân đuôi) bao quanh Telson (gai đuôi) và được chúng sử dụng như máy chèo.

Khi thiếu oxy, tôm thường bò bám cây cỏ thủy sinh lên mặt nước để thở hoặc nằm nghiêng trên các bụi rong cỏ, khe đá sát mép nước, thậm chí là bò lên cạn thở bằng oxy không khí.

Tôm hùm nước ngọt được xem là một động vật ăn tạp thiên về thực vật, thức ăn bao gồm mùn bã hữu cơ, chế phẩm của ngũ cốc, thực vật như cỏ, rong, tảo, ấu trùng động vật đáy, động vật thủy sinh vừa cỡ miệng, các loại thức ăn chế biến… Chúng thường đi kiếm ăn và ăn mồi vào chiều tối.

Tôm hùm nước ngọt thành thục sau 10-11 tháng tuổi, chúng thường chỉ đẻ trứng 1 lần trong năm nhưng ở những nơi có thời gian lũ kéo dài (lớn hơn 6 tháng) có thể có hai lần sinh sản vào mùa thu và mùa xuân.

Sau khi giao phối, tôm cái sẽ đẻ trứng, trứng được con cái giữ ở chân bụng. Số lượng trứng của mỗi tôm cái phụ thuộc kích thước của chúng.

Tôm cái đạt 6,4cm có thể sinh sản, kích thước từ 10-14cm có thể sinh sản lên đến 500 trứng và những quả trứng khoảng 0,4 mm.

Tôm con mới nở được con cái chăm sóc trong hang cho đến tám tuần và trải qua hai lần lột xác trước khi con non có thể tự lo cho bản thân.

Từ giai đoạn ấu thể đến khi trường thành tôm lột xác ít nhất 13 lần và trong tự nhiên loài này thường không sống lâu hơn 2 đến 5 năm.

Đe dọa nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi

Tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii là một là một loài xâm lấn điển hình, có trong cơ sở dữ liệu toàn cầu của các loài xâm lấn (Global invasive species), nó đã gây ra một dịch hại xâm lấn nghiêm trọng nơi chúng sinh sống.

Tôm hùm nước ngọt là một loài xâm hại nguy hiểm, chúng có thể nhanh chóng thiết lập quần đàn trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà nó sinh sống. Sự xâm nhập của chúng có thể gây ra những thay đổi mạnh mẽ trong quần xã động vật và thực vật bản địa.

Tôm hùm nước ngọt có thể tác động nghiêm trọng đến tôm càng bản địa thông qua việc cạnh tranh và lây bệnh dịch tôm càng, làm thay đổi chất lượng nước và đặc tính trầm tích, tích lũy kim loại nặng, tương tác với các loài xâm lấn khác, làm hỏng hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, ngành đánh bắt cá và làm suy giảm quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua việc săn mồi và cạnh tranh.

Ảnh hưởng đến nông nghiệp và thủy sản của loài này đã được ghi nhận ở nhiều nơi. Việc đào hang của tôm hùm nước ngọt thường gây ra vấn đề đối với đê và hệ thống tưới tiêu có thể dẫn đến mất nước và thiệt hại cho các cánh đồng như tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Đây cũng là loài thường xuyên trở thành một loài chiếm ưu thế trong môi trường sống bị xáo trộn như ruộng lúa. Nếu có mặt trong các công trình thủy lợi bao gồm hồ chứa, kênh của ruộng lúa, chúng có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể do hoạt động đào hang của nó, làm thay đổi thủy văn đất và gây rò rỉ nước, gây thiệt hại cho cây lúa.

Đã có nhiều văn bản quản lí

Những năm qua, các cơ quan quản lí nhà nước đã có nhiều văn bản quản lý sinh vật ngoại xâm hại và có nguy cơ xâm hại lại nói chung, trong đó có tôm hùm đất.

Cụ thể như: Thông tư liên tịch số 27/2017/TTLT-BTNMT-BNNPTNT về quy định tiêu chí xác định các loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lại xâm hại. Thông tư 35/2018/BTNMT (có hiệu lực từ 11/2/2019) về quy định tiêu chí xác định các loài ngoại lại xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lại xâm hại, thay thế thông tư 27. Trong đó xác định tôm càng đỏ (Cherax quadricanatus) là sinh vật ngoại lai xâm hại và tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) là sinh vật ngoại lại có nguy cơ xâm hại.

Bộ NN-PTNT cũng đã có nhiều văn bản để quản lí nguy cơ của tôm hùm nước ngọt như: Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN về việc ban hành danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh (sau này cập nhật theo Luật thủy sản 2017); Công văn số 3438/BNN-TCTS của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ngày 17/5/2019 về tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ (tôm hùm nước ngọt) ở Việt Nam.

Từ năm 2017-2018, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã thực hiện nhiệm vụ cấp Bộ về “Đánh giá tác động của một số sinh vật ngoại lai xâm hại trong lĩnh vực thủy sản đến môi trường hệ sinh thái và đề xuất biện pháp quản lý”.

Kết quả điều tra cho thấy: Trước đây, tôm hùm nước ngọt đã được triển khai tại huyện Thanh Ba, Cẩm Khê, Phù Ninh và TP Việt Trì (tính Phú Thọ) trên diện tích 325ha mặt nước với gần 13 tấn tôm giống nhập từ Trung Quốc. Phú Thọ là tỉnh đầu tiên trong cả nước nuôi thả thành công tôm hùm nước ngọt. Tiếp đó là các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam cũng triển khai nuôi thử nghiệm loài tôm này.

Kết quả nuôi cho thấy loài tôm này cũng có giá trị kinh tế nhưng chúng ăn tạp và có tập tính đào hang rất sâu, nếu không được kiểm soát tốt thì tác hại sẽ khó lường. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Hiện nay, qua điều tra ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, người dân không còn nuôi tôm hùm nước ngọt nữa. Ngoài thủy vực tự nhiên cũng chưa từng bắt gặp loài tôm này.


Có thể bạn quan tâm

Một số lưu ý trong chăm sóc nuôi dưỡng cá khi lưu giữ qua đông Một số lưu ý trong chăm sóc nuôi dưỡng cá khi lưu giữ qua đông

Để chủ động phòng chống và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho động vật thủy sản do rét đậm, rét hại kéo dài gây ra, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau

21/05/2019
Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi mùa nắng nóng Chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi mùa nắng nóng

Sự tăng, giảm đột ngột nhiệt độ sẽ trực tiếp gây sốc cho cá, làm tỉ lệ sống và khả năng đề kháng bệnh của cá thấp hơn rất nhiều so với cá sống

21/05/2019
Quản lý chất lượng nước ao nuôi cá nước ngọt Quản lý chất lượng nước ao nuôi cá nước ngọt

Quản lý chất lượng nước là một khâu vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự thành công trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với những ao nuôi

21/05/2019