Su Hào Không Được... Xu Nào
Mặc dù đang cuối vụ, nhưng chẳng mấy người dân nơi đây buồn thu hoạch, họ nhổ vứt đi hàng đống để kịp làm đất trồng dưa hấu. Một nông dân cho biết, thời điểm bằng giờ năm ngoái dọc tuyến đường liên xã, xe đông lạnh từ Nam ra lấy hàng nườm nượp, su hào từ củ to đến củ nhỏ đều được thương lái tranh nhau mua. Nhưng nay không thấy lái buôn nào nhòm ngó, thỉnh thoảng có xe ô tô về hỏi mua nhưng cũng chỉ trả với giá 300- 500 đ/củ mà phải là củ loại một, còn loại hai, loại ba cho không cũng chẳng ai buồn lấy.
Chị Phạm Thị Hướng, thôn Xuân Nẻo trồng 4 sào su hào với gần 10.000 củ, nhưng cũng chỉ mới bán chưa đầy 1/2 số củ. Càng ngày giá càng rẻ, rẻ đến mức không buồn bán. “Mỗi sào phải đầu tư 1,5-1,7 triệu đồng từ hạt giống, phân bón, thuê cày bừa, thuốc cỏ… khi vào vụ thu hoạch, đỉnh điểm cũng chỉ được 1.000 đồng/củ, tính ra lỗ gần một nửa”, chị buồn bã nói.
Theo chị Hướng, chưa vụ nào giá su hào lại rớt mạnh như vụ này. Năm ngoái, cũng 4 sào đất trồng su hào trừ mọi chi phí gia đình cũng dư được hơn chục triệu, trung bình bán từ 4.000- 4.500 đồng/củ. Nay không bán được chị phải nhổ lên vứt trên bờ để lấy đất trồng dưa. “Giờ chỉ mong có người đến mua cho là may lắm rồi, được đồng nào hay đồng đó chứ cũng chẳng dám trả giá với người ta”, chị nói.
Ông Nguyễn Văn Xô, Chủ nhiệm HTXNN Hưng Đạo cho biết, thời điểm đầu vụ thu hoạch, luống su hào đẹp giá bán thấp hơn mọi năm nhưng cũng được 2.000- 2.500 đ/củ. Nhưng càng về sau giá càng xuống thấp, thấp đến mức không buồn nhổ.
Cũng như nhà chị Hướng, nhà anh Phạm Văn Hội vụ hành tây vừa qua lỗ gần trăm triệu, tưởng chừng như vụ su hào này gỡ gạc được, nhưng trớ trêu là nhiều luống su hào đành bỏ không ngoài ruộng. Anh Hội ngao ngán nói: “Luống nào củ cũng to và đẹp, thế mà người ta chỉ trả chưa đầy 300 đ/củ. Mọi năm củ chỉ to hơn nắm tay một chút, thậm chí củ xấu loại ra thương lái đã tranh nhau lấy, giá cũng được 3.000 đồng. Cứ đà trồng gì lỗ nấy thế này chắc sang vụ sau gia đình tôi chuyển sang cấy lúa. Tuy SX lúa không bằng rau nhưng không phải lo đầu ra”.
Ngoài Hưng Đạo, các xã Ngọc Kỳ, Quang Khải, Nguyên Giáp, Văn Tố, Minh Đức (huyện Tứ Kỳ) cũng đang dở khóc dở mếu vì su hào. Người dân chấp nhận bán rẻ như cho nhưng cũng chẳng ai đến mua. Các thương lái cho biết, trước đây su hào được họ đóng thùng đưa ô tô chở vào Nam tiêu thụ. Tuy nhiên su hào ở Lâm Đồng cũng không tiêu thụ nổi, nên ai dám thu gom xuất vào Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng NN- PTNT huyện Tứ Kỳ cho biết, vụ đông năm 2011 toàn huyện gieo trồng 2.179 ha cây màu, trong đó 263 su hào, tập trung chủ yếu ở xã Hưng Đạo (67 ha). Nguyên nhân của việc su hào rớt giá do gieo trồng muộn, thời tiết rét kéo dài, nhiều vùng cùng SX một thời điểm, cung vượt quá cầu nên khó khăn tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Bồ câu là một trong những vật nuôi thường được "nuôi chơi", nuôi vài ba cặp cho vui, nhưng với gia đình anh Đặng Văn Cẩn, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội (Đức Trọng - Lâm Đồng), chim bồ câu thực sự đã trở thành vật nuôi giúp anh chị làm giàu. Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, nhờ nuôi chim bồ câu, anh chị đang trên đường trở thành triệu phú.
Thời gian qua ở Quảng Ninh nhiều giống thuỷ, hải sản giá trị cao được đưa vào nuôi trồng như: Tu hài, cua bể, cá cháp, cá vược… đã mở ra những hướng phát triển hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu cho bà con. Cũng giống như nghề nuôi trồng các giống thuỷ hải sản ở những địa phương khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm hùm đang là một nghề mới, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế ở Hải Hà.
Đó là chủ đề của Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 8, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức tại TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh vào sáng 17-8. Diễn đàn thu hút khoảng 400 đại biểu là nhà khoa học đến từ viện, trường; các nhà quản lý; nông dân nuôi cá ĐBSCL, doanh nghiệp chế biến cá tra, sản xuất thức ăn thủy sản.