Sử Dụng Giống Lúa Ở ĐBSCL: Nhiều Bất Ổn
Bất ổn trước hết là ở chỗ nhiều giống lúa có sự gia tăng đột biến về diện tích ở nhiều địa phương. Các giống IR50404, OM576 chiếm tỷ lệ rất cao tại nhiều tỉnh như: Đồng Tháp 43,6%, Trà Vinh: 40%, Tiền Giang: 31%, Vĩnh Long: 30 %, An Giang: 27%, Hậu Giang 20%. Giống lúa thơm Jasmine 85 cũng chiếm đến 40 % tại Cần Thơ, khoảng 20 % tại Tiền Giang...
Sở dĩ các giống IR50404 và OM576 chiếm được diện tích lớn như trên là nhờ ít bị nhiễm rầy hơn các giống khác, đồng thời lại có tính thích nghi rộng, dễ canh tác, năng suất cao, giá bán lại không thua sút nhiều so với các giống lúa chất lượng cao hơn. Vì vậy, tuy có phẩm cấp gạo không cao, nhưng những giống này vẫn đang được nông dân ĐBSCL ưa chuộng và gieo trồng trên diện tích lớn, bất chấp sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp ở các địa phương.
Trong khi đó, Jasmine 85 là giống bị nhiễm rầy nặng, nhưng do đang có đầu ra tốt, nên nông dân ở nhiều nơi vẫn đang đua nhau mở rộng diện tích cho giống này. Ở Cần Thơ, Vĩnh Long, đã xuất hiện những cánh đồng chỉ gieo trồng riêng giống Jasmine 85 mà gần như không có thêm một giống nào khác.
Những thực trạng sử dụng giống như trên đang có nguy cơ gây bất ổn cho sản xuất lúa ở ĐBSCL, nhất là trong khả năng phòng chống sự bùng phát của rầy nâu. Bởi theo Cục Trồng trọt, để đảm bảo đa dạng sinh học, giảm áp lực bùng phát dịch hại và kéo dài thời gian an toàn đối với dịch hại thì ở mỗi địa phương, diện tích dành cho mỗi giống lúa (dù là giống có khả năng chống chịu rầy nâu) không được vượt quá 20%.
Lúa lai?
Trong khi các giống lúa hiện có ở ĐBSCL đều đẽ dễ dàng bị nhiễm rầy nâu, thì việc đưa giống lúa lai vào sản xuất thử nghiệm ở ĐBSCL cũng không đem lại những tín hiệu lạc quan, nhất là ở khả năng thích ứng với điều kiện sản xuất ở khu vực này.
Trong vụ đông xuân vừa rồi, diện tích gieo trồng lúa lai ở ĐBSCL đã lên tới vài ngàn ha. Lúa lai vào đồng bằng chủ yếu gồm 2 giống: giống B-TE 1 đã được công nhận chính thức và giống PAC 807 được công nhận sản xuất thử. Kết quả sản xuất các giống lúa lai ở ĐBSCL cho thấy, các giống này cho năng suất cao nhưng chất lượng kém (hạt ngắn, bạc bụng). Đặc biệt, PAC 807 nhiễm rầy nâu, không phù hợp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù vậy, các công ty nước ngoài như Pioneer Việt Nam, Bioseed Genetics Việt Nam, Bayer Việt Nam, Syngenta Việt Nam và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam vẫn đang tích cực nghiên cứu phát triển và khảo nghiệm giống lúa lai mới tại ĐBSCL.
Giống lúa nào cho vụ hè thu?
Từ những dấu hiệu bất ổn nói trên, để đảm bảo hiệu quả sản xuất cho vụ hè thu 2008, Cục Trồng trọt đã đề nghị các địa phương lưu ý sử dụng các bộ giống lúa thích hợp cho từng tiểu vùng, và mỗi giống không nên vượt quá 20% diện tích. Các giống lúa nhiễm nặng rầy nâu cần được hạn chế trong sản xuất tiến tới giảm tối thiểu trong cơ cấu giống của toàn vùng như: Jasmine 85, VD 20, OM 1490, OM 2514, một số giống lúa nếp, lúa mùa địa phương và lúa mùa đặc sản...
Tiểu vùng phù sa ngọt cặp sông Tiền, sông Hậu, nên canh tác các giống lúa cao sản chất lượng cao như OM 2517, VND 95-20, OMCS 2000, OM 5930, OM 2717, OM 2395... Một số địa phương có thể canh tác Jasmine 85, OM 2514, OM 1490, VD 20, nếp..., nhưng đây là các giống nhiễm nặng rầy nâu nên phải hết sức hạn chế và chuẩn bị phòng ngừa thật cẩn thận. Bên cạnh đó, các giống triển vọng như OM 4900, OM 4668, MTL 384, OM 5936, cũng nên được sử dụng.
Tiểu vùng phía tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên, nên sử dụng các giống lúa thâm canh cao: OM 2517, OM 4498, OM 2395, IR 50404, OM 576, OM2717, OMCS 2000, OM 5930, HD 1..., và các giống triển vọng OM 6035, OM 3689, OM 4668, OM 5936.
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười nên sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn ở mức trung bình khá như VND 95-20, OM 4498, OM 3536, OMCS 2000, IR 50404, OM 2517, OM 576 ..., cùng các giống triển vọng như OM 4088, OM 6162, OM 4900, MTL 499, OM 5636, OM 6561.
Tiểu vùng ven biển Nam bộ sử dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình- khá, gồm VND 95-20, OM 2517, IR 50404, OM 576, OM 3536, OM 4498, OM 2718, ST5, AS 996, và các giống triển vọng OM 4900, MTL 499, OM 4668, OM 5199, OM 6561, OM 4059.
Tiểu vùng bán đảo Cà Mau: sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn, gồm OM 2517, OMCS 2000, OM 2717, IR 50404, OM 576, VND 95-20, OM 4498, AS 996, OM 2718, OM 4495, ST5, B-TE 1, và các giống triển vọng OM 6073, MTL 498, MTL 530, OM 4900, OM 6561.
Có thể bạn quan tâm
Một nông dân trồng cây chuối và kết quả cho ra hai buồng, rất nhiều quả. Điều đáng nói, cây chuối này trổ hai bông vào hai thời điểm khác nhau.
Thời gian ươm rau giống thường từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên năm nay, để đáp ứng cho việc khôi phục diện tích rau màu sau đợt mưa, có thể thời gian ươm giống sẽ kéo dài hơn. Khoảng từ 20-25 ngày là người trồng có thể thu hoạch được một lứa
Theo định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, những năm qua, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng đầu ra cho ngành lúa gạo thành phố. Trong đó, mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã khẳng định hiệu quả bước đầu và được nông dân trồng lúa đồng thuận hưởng ứng. Hiện nay, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang tập trung vận động doanh nghiệp, nông dân tham gia nhân rộng mô hình tạo tiền đề tiến tới liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP.