Giá / Mô hình kinh tế

Sống Khỏe Nhờ Nuôi Đặc Sản

Sống Khỏe Nhờ Nuôi Đặc Sản
Tác giả: 
Ngày đăng: 19/08/2013

Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã chuyển đổi từ nuôi heo, gà sang nuôi các loại đặc sản như heo rừng, rắn, chim trĩ, cá sấu… Đây là các loại vật nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, lãi cao.

Sau nhiều năm đi làm ăn ở các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh… không hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Văn Vi, nhà ở tổ 7, thôn Cát Hải, xã Tân Hải (huyện Tân Thành) đã quay về quê nhà học nghề nuôi rắn hổ trâu. Ông Vi cho biết, do sức khỏe cả 2 vợ chồng đều yếu, hay đau bệnh nên chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng.

Đi đến tỉnh Tây Ninh, thấy người ta nuôi rắn cũng dễ, công việc không nặng nhọc gì mấy nên năm 2008 gia đình ông trở về đầu tư nuôi rắn. Mỗi năm gia đình ông nuôi 100 con rắn hổ trâu, vừa nuôi rắn thịt và rắn sinh sản. Thức ăn cho rắn hổ trâu cũng đơn giản, thông thường là cóc, ếch, nhái… Để rắn hổ trâu phát triển tốt, ông Vi xây các khu dành riêng cho rắn sinh sản, rắn con và rắn thương phẩm.

Gia đình ông cũng tự nuôi ếch để làm thức ăn cho rắn, giảm chi phí đầu vào. “Loài rắn hổ trâu dễ nuôi, lành, không có nọc độc lại lớn nhanh, ít bệnh và đầu ra khá ổn định. Hiện nay, rắn hổ trâu được bán cho các nhà hàng, có bao nhiêu họ lấy hết bấy nhiêu. Rắn sinh sản bán mỗi con từ 200 đến 250 ngàn đồng, còn rắn thịt cứ 1 kg có giá 900 ngàn đồng, mỗi năm gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng”, ông Vi cho hay.

Không chỉ có rắn, hiện nay mô hình nuôi cá sấu đã hình thành và phát triển tại Bà Rịa Vũng Tàu. Trong đó, có nhiều trang trại với quy mô hàng ngàn con. Nghề buôn bán bấp bênh, năm 2003, ông Tạ Văn Tân, ấp Phước Lăng, xã Tam Phước (huyện Long Điền) đã học hỏi và chuyển sang mô hình nuôi cá sấu. Ông cho biết: “Nghề đi buôn vất vả, vốn nhiều nhưng lãi ít. Năm 2003, trong một lần lên Đồng Nai chơi nhà người bà con, thấy mô hình nuôi cá sấu rất hay nên tôi bỏ thời gian học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, tôi về thuê đất tại xã Phước Hưng đầu tư vốn xây dựng 4 chuồng trại và thả thử nghiệm nuôi 330 con cá sấu”.

Bước đầu thành công ngoài mong đợi vì cá lớn nhanh, ít bệnh tật. Thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều khi cung không đủ cầu vì thịt cá sấu hiện được thực khách rất ưa chuộng tại các nhà hàng. Ngoài ra, da cá sấu cũng là mặt hàng đắt đỏ, dễ bán. Chính vì thế, đến năm 2005, ông Tân đã mở rộng thêm 16 chuồng với 1.700 con.

Còn tại thời điểm này, trang trại nuôi cá sấu của ông Tạ Văn Tân đã có 22 chuồng và 2.700 con. Mỗi năm, thu nhập từ mô hình này lên tới 300-400 triệu đồng. Không chỉ có ông Tân, hiện nay nhận thấy mô hình này có lãi cao, thị trường tiêu thụ ổn định, công chăm sóc ít nên nhiều hộ chăn nuôi gà, heo tại các huyện như Châu Đức, Xuyên Mộc đã chuyển sang nuôi cá sấu.

Tại huyện Châu Đức, mô hình nuôi chim trĩ của anh Phan Minh Châu, (ở xã Xuân Sơn) đang là một hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát triển loài chim quý vốn có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Năm 2009, anh Châu đã xuống huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) để mua 15 con chim trĩ về làm giống. Còn bây giờ, trong chuồng của gia đình anh đã phát triển đến hàng trăm con, trông rất đẹp mắt.

Theo anh Châu, chim trĩ dễ nuôi, kỹ thuật cũng không khác nuôi gà bao nhiêu. Chuồng nuôi được chia thành nhiều ô để tiện quản lý và theo dõi bệnh tật cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng: rộng 3,5 m x dài 6 m x cao 2,5 - 2,8 m, được chia làm 7 ô, mỗi ô nuôi 1 con trống và 2 con mái. Thức ăn của chim trĩ chủ yếu là bắp, lúa hoặc cám gà, ngoài ra phải bổ sung rau, giá và các loại côn trùng. Đặc biệt, phải tiêm vaccin phòng bệnh. Chim trĩ thường mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, đỏ mắt và gumboro nhưng lại rất dễ chữa trị bằng các loại thuốc có bán sẵn, giá rẻ.

Chỉ cần nuôi đến 8 tháng, sang tháng thứ 9 là trĩ mái bắt đầu đẻ trứng, đẻ liên tục bình quân khoảng hơn 60 trứng, sau đó nghỉ một thời gian khoảng 2 tháng để thay lông rồi lại tiếp tục đẻ. Trung bình một con có thể đẻ 100 trứng một năm. Nếu được ăn đầy đủ, thêm côn trùng, mỗi con chim trĩ mái có thể đẻ đến hai trứng mỗi ngày. Thịt chim trĩ thương phẩm bán cho các nhà hàng hiện có giá khá cao, từ 550 - 600 ngàn đồng/kg.

Theo Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nuôi động vật rừng như cá sấu, heo rừng, nhím, rắn hổ trâu, kỳ đà… Theo đánh giá của ngành kiểm lâm, các loại động vật rừng được gây nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân các hộ nuôi động vật rừng đều có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm đến 500 triệu đồng/năm. Đánh giá của Chi Cục Kiểm lâm cũng cho thấy, việc nuôi động vật rừng có ý nghĩa quan trọng góp phần việc bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Cá Nước Ngọt Chết Hàng Loạt, Thiệt Hại 100 Triệu Đồng Ở Quảng Trị Cá Nước Ngọt Chết Hàng Loạt, Thiệt Hại 100 Triệu Đồng Ở Quảng Trị

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh (Quảng Trị), tại Hợp tác xã Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh có 10ha nuôi cá nước ngọt, đang trong thời kỳ phát triển, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng cá chết rải rác (chủ yếu là trắm cỏ), với trọng lượng bình quân 1kg/con do bị bệnh viêm ruột và xuất huyết.

19/08/2013
Xảy Ra Hiện Tượng Rụng Trái Non Trên Cây Có Múi Xảy Ra Hiện Tượng Rụng Trái Non Trên Cây Có Múi

Hiện tượng rụng trái non trên cây có múi như cam, quýt, chanh và nhiều loại cây khác là một hiện tượng tự nhiên bình thường. Ở một số loại cây như xoài, nhãn... tỉ lệ trái non bị rụng phổ biến tới trên 90%. Tuy vậy, nếu bị rụng quá nhiều sẽ làm giảm năng suất trồng trọt và cần có các biện pháp hạn chế hiện tượng này.

19/08/2013
Ngư Dân Tăng Thu Nhập Từ Ốc Mỡ, Sứa Biển Ở Hà Tĩnh Ngư Dân Tăng Thu Nhập Từ Ốc Mỡ, Sứa Biển Ở Hà Tĩnh

Ngày 28-4, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở huyện ven biển Lộc Hà đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm kiếm những nguồn lợi thủy sản mới như ốc mỡ, sứa biển góp phần bù đắp sự thiếu hụt của các nguồn lợi thủy sản truyền thống, như mực, cá cơm, ruốc, cá trích…

19/08/2013