Giá / Tin thủy sản

Siêu kết nối từ công nghệ

Siêu kết nối từ công nghệ
Tác giả: Sáu Nghệ
Ngày đăng: 07/03/2018

Theo các chuyên gia, bản chất của công nghiệp 4.0 là sự tích hợp cao độ hệ thống siêu kết nối số để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất và đồng thời mở ra cơ hội mới cho từng cá nhân, tổ chức, quốc gia. Đó cũng là triển vọng to lớn của ngành thủy sản nước ta với khoảng 1 triệu ha mặt nước nuôi trồng và 100 triệu ha mặt nước ven biển.

Nông dân sử dụng thiết bị giám sát môi trường nước trong ao nuôi   Ảnh: Trần Út

Phân phối

Ở TP Hồ Chí Minh, cuối năm 2017, đã có chuỗi cung cấp tôm sạch cho thị trường Nhật Bản qua liên kết AquaBox với nhà máy Bình Đông và các hộ nuôi. Chuỗi này có thiết bị giám sát ao nuôi tôm suốt ngày đêm, dữ liệu được tự động lưu lại phục vụ việc truy xuất nguồn gốc toàn diện, khi thu hoạch từng mẻ tôm còn gắn thiết bị định vị để giúp khách ở Nhật Bản có thể theo dõi suốt quá trình vận chuyển, chế biến, xuất khẩu. Bước đầu, nhiều khách hàng đã chủ động đặt hàng khi tôm vừa thu hoạch. Cố vấn cao cấp của AquaBox, tiến sĩ Võ Quang Tuyến cho biết, sau thị trường Nhật Bản, tôm sạch của chuỗi hướng đến thị trường EU.

Để hiểu thêm giá trị kết nối trong phân phối thủy sản, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã giới thiệu câu chuyện bán sò điệp của bà Togue Brawn ở tiểu bang Maine (Mỹ). Bà Brawn sử dụng công nghệ kết nối ngư dân bắt sò điệp với người mua. Nhờ đó, sò điệp tươi sống của ngư dân Down East bắt lên đã có người đặt, trước khi xe đông lạnh chở đến các nhà hàng ở Portland và New York City. Thời gian sò điệp đến khách hàng chỉ trong vòng 2 ngày so trước kia 5 - 10 ngày, rất quý giá với thủy sản tươi sống nên lượng bán tăng lên và bà Togue Brawn trở thành điển hình của ngư dân Mỹ thời 4.0.

Chính theo hướng đó, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang triển khai sàn giao dịch điện tử sản phẩm cá tra Việt Nam-Mekong Fish Market để quảng bá hình ảnh và hỗ trợ doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với khách hàng toàn thế giới. Qua đây, doanh nghiệp giảm chi phí tiếp thị, logicstic, đưa sản phẩm đến khách hàng nhanh, đúng nhu cầu.

Sản xuất

Ngành thủy sản nước ta đang hướng mạnh tới công nghệ 4.0 từ nuôi trồng đến khai thác, khắp các địa phương. Đến nay, chưa có mô hình hoàn chỉnh nhưng đã đạt nhiều thành công trong ứng dụng công nghệ số, thiết lập mối liên kết giữa nuôi trồng với chế biến xuất khẩu.

Người nuôi tôm ở HTX Hưng Phú (xã Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đã lắp đặt vào ao hệ thống e-Aqua giám sát chỉ tiêu chất lượng nước, nâng hiệu quả kinh tế lên khoảng 10%. Đây là hệ thống của Trung tâm Phát triển Công nghiệp và Thiết bị công nghiệp Sài Gòn, quan trắc chất lượng nước suốt ngày đêm, cảnh báo khi có chỉ tiêu vượt ngưỡng qua mạng không dây để can thiệp và xử lý kịp thời. Thiết bị còn có khả năng cảnh báo khi bị cúp điện, nhắc nhở những gì có thể xảy ra. Mọi dữ liệu được lưu trữ phục vụ truy xuất nguồn gốc, chế biến xuất khẩu và còn được phân tích, rút kinh nghiệm cải tiến cho các vụ nuôi sau, tăng khả năng quản lý mở rộng sản xuất. Một vụ tôm có thể lấy dữ liệu ao nuôi hơn 23.000 lần, điều con người không thể làm được.

Hiện đã có công nghệ nuôi tôm chính xác, mọi biến động của chất lượng nước cũng như của con tôm được tự động giám sát để kịp thời xử lý, vừa giúp tôm phát triển tốt vừa tiết kiệm chi phi. Ngay tại trại sản xuất tôm giống, thiết bị XperCount2 có khả năng đếm ấu trùng, đếm cả tảo và artemia để cung cấp vừa đủ cho ấu trùng phát triển nhanh thành tôm giống. Dữ liệu được lưu trữ suốt quá trình sản xuất để chia sẻ với khách hàng ở mọi nơi. Thiết bị đã áp dụng tại trại tôm giống của Tôm giống số 1 và Việt - Úc ở tỉnh Bạc Liêu, Vinhthinh Biostadt và Thăng Long ở tỉnh Ninh Thuận…

Dịch vụ

TS Lê Hưng Quốc cho rằng, ngành thủy sản 4.0 không chỉ giỏi nuôi trồng, đánh bắt mà còn phải giỏi xử lý tình huống, ứng phó kịp thời với mọi rủi ro thị trường. Muốn thế, phải kết nối để nắm thông tin thị thường mau lẹ. Ngay cả việc vay vốn, kết nối sẽ giúp lựa chọn nơi vay vốn và cả thời điểm vay vốn đảm bảo giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Về đào tạo, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công thương nhấn mạnh: “Phải đổi mới căn bản”. Thời 4.0, lĩnh vực kỹ thuật là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ là sinh học; năng lượng là tái tạo.

Để ngành thủy sản có cuộc cách mạng tiến mạnh vào công nghiệp 4.0, theo Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Phạm Xuân Hòe, chính sách cũng phải tích hợp. Ông nói: “Đó là chính sách đồng bộ các giải pháp, để đi vào cuộc sống một cách tiết kiệm, đạt hiệu quả cao”. TS Lê Hưng Quốc nói thêm: “Khi kết nối hệ thống rộng rãi, ngành thủy sản sẽ trở thành một liên minh xã hội sĩ - nông - công - thương kiểu mới”.

>> Hiệp hội Máy nông nghiệp châu Âu (EAM) đưa ra khái niệm nông nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa sản xuất và công nghệ thông minh. Theo đó, làm ra sản phẩm thô tốn nhiều công sức, cách mạng xanh với giống năng suất cao, ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu và kết nối internet để đưa ra nhiều quyết định mà không cần con người. Đặc điểm nổi trội của 4.0 trong nông nghiệp là dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, kết nối hàng triệu người trên trái đất để có khả năng phục hồi nhiều tài nguyên bị tổn thất trước đây, tạo ra những tiềm năng khổng lồ.


Có thể bạn quan tâm

Điểm sáng sản xuất giống thủy sản Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người nuôi trồng thủy sản ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

07/03/2018
Trên thị trường Hà Lan, tôm Việt Nam lợi thế hơn Ấn Độ Trên thị trường Hà Lan, tôm Việt Nam lợi thế hơn Ấn Độ

Hà Lan có xu hướng tăng NK tôm từ Việt Nam nhờ tỷ giá đồng EUR so với USD tăng và đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU

07/03/2018
Tái cơ cấu thủy sản: Trọng tâm từ khoa học kỹ thuật Tái cơ cấu thủy sản: Trọng tâm từ khoa học kỹ thuật

Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất mà Tổng cục Thủy sản triển khai được xác định

07/03/2018