Sẽ Có Quy Định Về Quản Lý Hoạt Động Nuôi Chim Yến
Ngày 17/4, Bộ NNPTNT sẽ họp để xây dựng Thông tư quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến nhằm đối phó ngay với việc phát hiện vi rút cúm A/H5N1 trên đàn chim yến tại Ninh Thuận, ngăn ngừa nguy cơ phát tán dịch.
Tại cuộc họp khẩn chiều 16/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã nhận định và đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát, giám sát tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết đã xét nghiệm khoảng 1/3 trong tổng số 500 mẫu gia cầm được lấy ngẫu nhiên từ tháng 9/2012 từ gia cầm nhập lậu qua biên giới, gia cầm buôn bán tại chợ, và vẫn chưa phát hiện vi rút cúm gia cầm H7N9. Hiện Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đang tiếp tục xét nghiệm các mẫu còn lại.
Ngoài ra, Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO) đã có thông báo tới Bộ NNPTNT sẽ tài trợ khẩn cấp 50.000 USD để giám sát phát hiện vi rút cúm A/H7N9 ở gà nhập lậu hoặc gia cầm tại 60 chợ, điểm thu gom gia cầm giáp với biên giới Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhận định, dịch cúm gia cầm cơ bản vẫn được kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát trở lại là rất cao do thời tiết với nhiệt độ thay đổi bất thường làm giảm sức đề kháng đàn gia cầm. Hoạt động vận chuyển lậu gia cầm vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là tại các tỉnh giáp biên.
Trong 2 tuần tới, các tỉnh cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng tại các Công điện 487/CĐ-TTg; 1344/CĐ-TTg và 1108/CĐ-TTg và giám sát chặt địa bàn để phát hiện kịp thời ổ dịch phát sinh, xác định hiệu lực các loại vaccine phù hợp. Các lực lượng liên ngành tăng cường thực hiện việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát hiệu quả việc vận chuyển buôn bán gia cầm.
* Chiều ngày 17/4, tại cuộc họp công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm, ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh phải tăng cường rà soát, thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng thời, đề xuất phương án phòng dịch bệnh, quản lý chim yến trong khu dân cư, nghiên cứu đề xuất quy hoạch khu vực nuôi chim yến, mô hình nuôi chim phù hợp.
Báo cáo của Sở NNPTNT Khánh Hoà cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện tại 20 xã thuộc huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và TP Nha Trang, cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 47.300 con gia cầm.
Ông Phạm Hùng, Phó Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung, khuyến cáo chim yến nếu bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1 thì có nguy cơ lây lan rất lớn, nhất là ở những nhà nuôi yến nằm trong khu dân cư. Do đó, ngành chức năng cần rà soát những địa chỉ nuôi yến trong khu dân cư và lên kịch bản phòng chống dịch cụ thể phòng trường hợp xấu nhất.
Có thể bạn quan tâm
Hẹ là một loại rau ăn lá phổ biến, được nông dân trồng nhiều vì vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau ăn lá khác.
Trang trại rộng chưa đến 2.000 m2, song là nơi cư trú của hàng ngàn con dúi, hơn trăm con hon cùng lúc nhúc rắn rết, cóc nhái, kỳ đà... Điều đặc biệt, tất cả các loài động vật mới nghe tên đã rùng mình ấy đều được nuôi bằng cách thức kỳ lạ, nhưng mang lại cho chủ nhân của chúng mỗi năm cả tỉ đồng.
Chủ Công ty Volga - Việt, người mang ý tưởng táo bạo thực hiện việc sản xuất nông nghiệp với tầm cỡ lớn đầu tiên ở Nga là ông Dương Hải An. Ông cho rằng, việc đầu tư vào nông nghiệp, ban đầu có thể chưa thu lãi được ngay, có thể lãi suất chưa cao, nhưng nó mang tính ổn định, lâu dài, tạo chỗ đứng và vị thế cho người Việt trên nước bạn...