Giá / Tin thủy sản

Sau sự cố Formosa nghề nuôi tôm ven biển sắp chết rồi!

Sau sự cố Formosa nghề nuôi tôm ven biển sắp chết rồi!
Tác giả: Thanh Nga
Ngày đăng: 28/07/2016

“Không phải chỉ mỗi ngư dân vươn khơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố Formosa xả thải ra biển, chúng tôi – những doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi tôm ven biển cũng đang lao đao vì tôm thu hoạch không bán được, số đang nuôi thì sống dặt dẹo, không lớn nổi”, chủ một doanh nghiệp nuôi tôm trên cát ở tỉnh Hà Tĩnh than thở.

Hơn 3 tháng qua, cả người dân mưu sinh dưới biển lẫn trên bờ ở tỉnh Hà Tĩnh sống trong nỗi hoang mang, lo sợ tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chất thải từ Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa thải ra.

Mới đây, PV NNVN trở lại các vùng nuôi tôm ven biển tại thị xã Kỳ Anh, các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà... tìm hiểu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân sau thảm họa môi trường. Một cảnh tượng chung mà chúng tôi ghi nhận được là cảnh đìu hiu, nham nhở ở các ao nuôi, còn trên bờ, chủ ao tôm từng là các “đại gia” nay cũng ngồi bệt xuống bờ cát mà than “nghề nuôi tôm ven biển sắp chết rồi”.

“Trùm” nuôi tôm trên cát Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Cty TNHH Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà cho biết, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của sự cố môi trường, hoạt động nuôi tôm trên cát của Cty bà lâm vào cảnh “sống dở chết dở”. Nếu so với cùng kỳ các năm, thời điểm này Cty bà phải thu hoạch được 300 – 400 tấn tôm, tuy nhiên năm nay mới thu được khoảng 70 – 80 tấn. Vấn đề đáng ngại nhất ngoài sản lượng tôm sụt giảm là việc giá tôm rớt thê thảm chưa từng có từ trước tới nay.

“Bây giờ hàng rất khó bán vì người tiêu dùng sợ tôm bị nhiễm độc. Như năm ngoái giá tôm dao động mức 270.000 – 280.000đ/kg nhưng năm nay bán 120.000 – 130.000đ/kg cũng chẳng có người mua. Doanh thu năm nay của Cty chúng tôi sụt giảm khoảng 20 tỷ đồng so với các năm trước”, bà Hạnh thở dài nói.

Cũng theo Giám đốc Hạnh, Cty của bà có truyền thống nuôi tôm trên cát gần chục năm nay, hàng năm giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 70 lao động với đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Số công nhân này đã vào sinh ra tử với Cty, am hiểu nghề nuôi tôm nên bây giờ Cty thua lỗ khiến đời sống của họ và gia đình cũng lâm vào cảnh khó khăn.

Bà Hạnh viện dẫn thực tế, Cty TNHH Sao Đại Dương thuê 120ha đất cát ở xã Thạch Trị để nuôi tôm trên cát; trong đó, diện tích mặt nước nuôi trồng hàng năm là 50ha. Những năm trước Cty này nuôi theo hình thức cuốn chiếu, tháng nào tôm cũng cho thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay Cty mới chỉ thu hoạch được 1 vụ. Nếu đúng quy trình nuôi, thời điểm này Cty đã vào chính vụ thu hoạch vụ thứ 3. Tuy nhiên, do tác động của môi trường nước; giá cả buộc Cty phải tạm dừng sản xuất.

“Thời kỳ này không chỉ Cty Sao Đại Dương mà các hộ tôm ven biển đều không dám thả nuôi. Giữa tháng 6 vừa rồi chúng tôi lấy nước biển đưa vào hồ nuôi được vài hôm thì tôm thối mang, chết bất đắc kỳ tử. Các cơ quan chức năng cũng đến lấy mẫu xét nghiệm kết luận do môi trường nuôi, nhưng thực tế tôi biết đó là do nước biển. Bởi trước đây cấp nước vào hồ là tôm ăn khỏe, phát triển nhanh nhưng nay cấp nước vào thì tôm chết ngay. Một số ao nuôi xử lý nước tốt, tôm có sống cũng không phát triển được. Cụ thể, trước đây tôm nuôi 70 – 80 bình quân 30 – 40 con đạt 1kg; nay phải 110 – 120 con mới đạt 1kg”, bà Hạnh cho biết thêm.

Chung cảnh ngộ, hộ ông Phan Đình Diện, vùng nuôi tôm Bình Hà, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà có 2,3ha nuôi tôm thẻ chân trắng cũng đang lâm vào cảnh bi đát.

Ông Diện khẳng định, do ảnh hưởng của việc xả thải ở Formosa nên khi lấy nước vào ao phải xử lý qua rất nhiều công đoạn, thậm chí sau khi xử lý tôm nuôi cũng không lớn nổi. “Vừa rồi tôm thu hoạch không bán được, giá cả thì rớt thảm hại dẫn đến thua lỗ nên vụ này tôi chưa thả nuôi”, ông Diện nói.

Bà Nguyễn Thị Duyên, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lộc Hà cho hay, đến thời điểm này toàn huyện Lộc Hà thả nuôi được 85/kế hoạch 120ha tôm. Nguyên nhân khiến diện tích tôm thả nuôi chưa đạt phần lớn vì người dân e ngại nguồn nước chứa độc tố và giá tôm sụt giảm. Các vùng nuôi như Thạch Bằng, Thạch Mỹ, Hộ Độ... hầu hết người dân thả nuôi không hết diện tích.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Cty TNHH Sao Đại Dương: “Trong vụ việc Formosa xả thải các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm ven biển gánh chịu thiệt hại rất lớn. Vì vậy Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng như chúng tôi, đồng thời, sớm đưa ra khuyến cáo chính xác về độ an toàn của nước biển để người dân an tâm tiếp tục nuôi trồng”.


Có thể bạn quan tâm

Nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng suy giảm Nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng suy giảm

Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện công suất nhỏ phát triển đã khiến nguồn lợi tự nhiên đang có nguy cơ ngày một cạn kiệt, hiệu quả khai thác giảm hẳn.

28/07/2016
Trách nhiệm hơn với kho báu cá tra Trách nhiệm hơn với kho báu cá tra

Với việc ban hành hợp đồng mẫu trong mua bán, liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra, UBND tỉnh An Giang đã tạo ra căn cứ pháp lý quan trọng để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị cá tra, được đánh giá là “kho báu” vô tận của vùng ĐBSCL. Nếu triển khai nghiêm túc việc ký kết và thực thi mẫu hợp đồng này, sẽ tạo điều kiện cho “kho báu” cá tra phục hồi và phát triển bền vững hơn.

28/07/2016
Người nuôi trồng lo lắng Người nuôi trồng lo lắng

Qua thông tin có hơn 800 sản phẩm nuôi trồng thủy sản - NTTS (gồm: 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS) của 72 doanh nghiệp không được khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nhưng vẫn có trong danh sách các sản phẩm được lưu hành trên thị trường, nhiều hộ NTTS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tỏ ra bất bình và lo lắng.

28/07/2016