Sâu Hồng Hại Bưởi Da Xanh, Nông Dân Chịu Thiệt

Hơn một tháng nay, nông dân trồng bưởi tại Bến Tre rất lo lắng trước hiện tượng xuất hiện loại sâu mới hại bưởi da xanh. Loại sâu này có màu hồng, thường chọn trái bưởi to, vỏ dày và đục thẳng vào ruột, khiến quả rụng chỉ trong khoảng vài tuần.
Theo bà Phạm Thị On, nông dân xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre, từ giữa tháng 11 đến nay, vườn bưởi khoảng 1.000 m2 của bà bị lây nhiễm loài sâu độc hại này và thiệt hại rất nặng.
“Tôi phải cắt bỏ hơn 70 trái, mà toàn trái to, khoảng 1,5 kg/trái. Dù tiếc “đứt ruột” nhưng do sợ lây lan nên không còn cách nào khác, hễ thấy trái nào có dấu hiệu bị sâu đục là phải cắt bỏ,” bà On cho biết.
Cũng theo bà, sâu hồng chỉ nhỏ bằng đầu tăm, đục vỏ trái bưởi và ăn dần từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên. Nhiều người dân sợ lây nên mang bưởi đi chôn, hoặc cắt trái bưởi ra để đốt nhằm tiêu diệt loại sâu này nhưng không hiệu quả.
Tại huyện Mỏ Cày Bắc, nơi có diện tích bưởi da xanh lớn nhất tỉnh, tình trạng sâu hồng gây hại trên bưởi diễn ra còn trầm trọng hơn. Khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, nhiều hộ trồng bưởi đứng ngồi không yên vì bưởi rụng.
Bà Lê Thị Lan, xã Tân Thành Bình cho biết giá bưởi hiện khoảng 35.000 đồng/kg. Cứ mỗi quả rụng là nông dân mất trên 50.000 đồng.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, hiện chưa có cách nào hữu hiệu để phòng trừ loại sâu này. Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể “lợi bất cập hại” nên Chi cục khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng.
Bà con có thể sử dụng túi nilon, hoặc bao bọc bưởi (một loại túi chuyên dùng) để bao trái bưởi lại, hạn chế sâu bệnh tấn công. Người dân cũng nên bón vôi, thuốc Basudin dưới gốc để diệt nhộng, hoặc treo các túi long não trong vườn bưởi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những cách đối phó bởi ngành nông nghiệp vẫn chưa tìm được cách thức hiệu quả để phòng trừ loại sâu này.
Có thể bạn quan tâm

Tàu cá liên kết với nhau thành các tổ, đội khai thác thủy sản trên biển nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cứu nạn… là chủ trương đúng đắn của nhà nước và được ngư dân tham gia tích cực.

Nằm cách xa tuyến Quốc lộ 1A với mức sống tương đối thấp, nhưng mấy năm nay, nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất, nhất là đầu tư mô hình nuôi chim cút, hàng chục hộ dân ở tổ 20, phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) đã có được nguồn thu ổn định, đời sống kinh tế khấm khá hơn.

Tảo xoắn Spirulina là nguồn thực phẩm chức năng rất phổ biến ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức... nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ vì phương pháp nuôi trồng cực kì công phu và tốn kém.