Sâu Bệnh Hoành Hành Bưởi Da Xanh: Nhà Vườn Đang Cần Nhà Khoa Học Vào Cuộc
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ngoài hơn 50ha quýt đường của gần 100 hộ dân được trồng xen với cây lá dừa nước của hợp tác xã Thuận Phú (ấp Long Trị, xã Bình Phú, Càng Long) đã “ăn nên làm ra” (bình quân 01ha, nhà vườn thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm) thì địa bàn huyện Càng Long còn khoảng 200ha vườn cây có múi được trồng rải rác (chanh, bưởi, quýt, cam...các loại) ở các xã trong huyện. Đặc biệt, do những năm qua, một số trái cây: Xoài, dừa, chanh… giá không ổn định, nhà vườn Càng Long có hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bưởi da xanh được chọn làm cây trồng chủ lực. Từ đó, bưởi da xanh “đứng đầu bảng” về giá (đối với cây có múi), nhưng năm nay, dịch bệnh đã tấn công mạnh, làm cho nhiều nhà vườn lúng túng, không chống chọi nổi, đang rất cần nhà khoa học vào cuộc.
Sâu đục thân tấn công đồng loạt
Mừng xuân Quý Tỵ 2013, vườn bưởi da xanh (cả bưởi năm roi) của ông Nguyễn Văn Lâm (xã Đức Mỹ) và của nhiều nhà vườn khác thuộc các xã Nhị Long, Đại Phước…đều bị “trắng tay”. Nguyên nhân chủ yếu mà theo các nhà vườn kết luận: Sâu đục trái tấn công gây thất thu nặng về năng suất.
Được biết, thời gian gần đây sâu đục trái đã xuất hiện và gây hại nặng trên nhiều vườn cây có múi, chủ yếu là cây bưởi tại các xã của huyện Càng Long, mức độ thiệt hại trên 90%, chủ yếu đối với cây có múi, nhưng nặng nhất trên bưởi, cả hai giống trồng phổ biến hiện nay là bưởi năm roi, da xanh đều bị sâu đục thân gây hại.
Qua theo dõi của các nhà vườn, sâu bắt đầu gây hại khi trái bưởi còn rất nhỏ (bằng ngón tay) đến lúc thu hoạch. Sâu đục vào vỏ trái rồi ăn dần vào trong, mở đường cho nấm bệnh xâm nhập làm cho trái thối và rụng. Trừ những trái bưởi héo, ngã màu vàng rụng là cái chắc, nhưng có những trái vẫn còn màu xanh mà vẫn rụng. Riêng số trái bưởi chịu đựng được từ 05-06 tháng tuổi, dòi theo vết đục trái của sâu vào trong ruột làm cho trái bị hư thối và rụng nhanh hơn. Sâu có màu cam hồng, nếu lớn chút có màu nâu hồng đến nâu đỏ, đầu của chúng có màu nâu sậm, dài hơn 20cm, thân không lớn lắm, nếu nhỏ bằng cây tâm xỉa răng, lớn nhất bằng đầu đũa ăn cơm.
Qua kinh nghiệm, nhiều nhà vườn ở Càng Long sử dụng thuốc bảo vệ thực vật diệt sâu nhưng sâu vẫn không giảm nhiều. Nếu ngưng thuốc là sâu tấn công, còn phun nhiều vừa tốn kém vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường xung quanh. Cũng có nhà vườn sử dụng bao ni-long bao những trái bưởi lại nhằm bảo vệ, cách ly với bên ngoài, nhưng vẫn không hiệu quả.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lâm (xã Đức Mỹ) cho biết: Vụ bưởi năm 2012, mặc dù chỉ có gần 20 chục gốc bưởi da xanh, nhưng đã bán được gần 20 triệu đồng. Vụ này, trên 60.000đồng/kg, nhưng không có trái nào để “chào chợ”. Ông Lâm kể: Tìm hết vườn bưởi, còn được 01 cập không rụng lại có dáng đẹp, thấy vậy, hôm mấy ngày tết đem vào trang trí trên mâm ngủ quả, nào ngờ có mấy ngày, cập bưởi thối bấy, thì ra sâu đã ăn sẵn ở trong ruột. Nếu bình thường không bị bệnh, bưởi có thể chưng trên 01 tháng.
Nhà vườn phòng, trị bệnh cho bưởi bằng long não…
Học tập kinh nghiệm từ các nhà vườn của tỉnh Bến Tre, Tiền Giang cộng với thực trạng thất thu về kinh tế, nhiều nhà vườn đã áp dụng cách đuổi côn trùng bằng long não. Khi mua long não về, bỏ vào túi ni - long, khoét ít lỗ cho long não bay mùi, treo trên những cây bưởi có trái. Thực tế đã có kết quả, các nhà vườn áp dụng, mỗi cây treo từ 01-02 túi long não (trị giá 3.000 đồng/túi). Nhiều nhà vườn kết luận: Sâu đục thân có giảm, nhưng có một vấn đề đặt ra: Trị bọ cánh cứng đối với cây dừa trước đây ngành chuyên môn thả thiên địch đồng loạt, thành công lớn, khắc phục được bọ cánh cứng đối với dừa trên địa bàn tỉnh; nhưng trị bệnh cho bưởi bằng long não theo kiểu thủ công, không đồng loạt, biết có dứt hẳn hay không?.
Áp dụng phòng trừ sâu đục trái bằng long não đối với bưởi bước đầu có hiệu quả, nhưng liệu trên địa bàn huyện Càng Long hiện có trên 200 ha bưởi các loại, nhà vườn có đồng loạt “ra quân” hay không?. Thiết nghĩ, cách bảo vệ vườn bưởi da xanh trước nạn sâu đục trái của các nhà vườn ở Càng Long là quá trình đúc kết kinh nghiệm, nhà vườn mong ngành chuyên môn sớm vào cuộc để thẩm định. Nếu đây là cách phòng trừ hiệu quả thì cần khuyến cáo cho nhà vườn trồng bưởi bị ảnh hưởng sâu đục trái áp dụng phòng trị đúng quy trình (liều lượng, kỹ thuật…) để hạn chế sâu đục trái lây lan trên diện rộng và giảm thiệt hại cho người trồng bưởi, tăng thu nhập cho những vụ sau là cần thiết và đang vô cùng bức xúc.
Có thể bạn quan tâm
Với tập quán chăn nuôi truyền thống, từ bao đời nay đa phần người dân vùng nông thôn vẫn làm chuồng nuôi lợn ở vị trí thấp. Cũng chính vì cách chăn nuôi truyền thống này mà mỗi khi có lũ lớn xảy ra, người chăn nuôi thường bị thiệt hại rất nhiều.
Bất cứ ai có dịp về thăm mô hình chăn nuôi lợn nái kết hợp trồng bưởi của gia đình chị Mầu Thị Yến - thôn Tam Hợp, xã Cát Quế (Hà Nội), đều không khỏi ngỡ ngàng trước hiệu quả trong phát triển. Đây là mô hình mẫu cho nhiều cá nhân trong và ngoài địa phương đến học tập.
Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Đức Minh ở thôn Hộ Diêm 1, xã Hộ Hải (huyện Ninh Hải) vượt qua những thất bại, vươn lên làm giàu nhờ nuôi ốc hương và chim bồ câu.