Giá / Tin nông nghiệp

Sapa thuận lợi để phát triển các giống cây dược liệu bản địa

Sapa thuận lợi để phát triển các giống cây dược liệu bản địa
Tác giả: Vũ Đậu
Ngày đăng: 04/04/2017

Không chỉ mang đến nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên cho các công ty sản xuất dược liệu, atiso, chè dây, đương quy... còn giúp đồng bào vùng cao ổn định đời sống kinh tế.

Trong ảnh: Cây atiso mang lại nguồn lợi kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân Lào Cai. Ảnh: Bizmedia.

Ngày nay, bên cạnh một số loại thảo dược trong nước, các công ty chế biến, sản xuất dược liệu còn tiến hành nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc nhập nguyên liệu thảo dược cũng gặp một số vấn đề khó khăn về việc kiểm soát chất lượng. Trước tình hình đó, Công ty Traphaco Sapa định hướng phát triển vùng nguyên liệu thảo dược tại Sapa, Lào Cai để ổn định số lượng và chất lượng dược liệu. Điều này góp phần phát triển nguồn thảo dược trong nước cũng như giá trị của cây thuốc bản địa trong sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ông Đỗ Tiến Sỹ - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sapa cho biết, vùng Sapa nói riêng và Lào Cai nói chung có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho sự phát triển của nhiều cây dược liệu. Hơn nữa, nơi đây còn có Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc - Viện Dược liệu từ khá lâu. Đây là những lợi thế để công ty phát huy việc chế biến các loại sản phẩm thảo dược.

Năm 2001, Công ty Traphaco liên kết với Công ty Dược Lào Cai thành lập Công ty TNHH Trapaco Sapa, đến năm 2009, chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Theo đó, liên kết 4 nhà được triển khai gồm nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, nhằm chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp với bà con. Atiso được chọn làm giống cây dược liệu chủ lực của vùng. 

Khi phát triển vùng trồng dược liệu, công ty nhận được sự ủng hộ lớn từ chính quyền địa phương và bà con. Công ty lên kế hoạch, hướng dẫn người dân trồng atiso theo tiêu chuẩn GACP - WHO để có dược liệu sạch, an toàn, bền vững. Mặt khác, trong suốt 2 năm, chính quyền hỗ trợ cho mỗi hộ trồng 11 triệu đồng trên một ha mỗi năm.

Năm 2013, Quỹ Thách thức doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) của Chính phủ Anh tài trợ cho công ty khoảng 200.000 USD để phát triển dược liệu, tạo việc làm cho bà con với khẩu hiệu "giàu doanh nghiệp, lợi cộng đồng".

Ông Sỹ nhận định, sự hỗ trợ của Quỹ VBCF giúp công ty 3 việc. Thứ nhất là hỗ trợ chi phí triển khai dự án về giống dược liệu và kỹ thuật. Thứ hai là góp phần đầu tư thêm trang thiết bị để chế biến dược liệu. Và thứ ba là tạo một quỹ xoay vòng. Theo đó, công ty trích ngân quỹ cho bà con ứng trước, khi thu mua dược liệu sẽ trừ dần. Quỹ cứ xoay vòng như vậy và công ty có điều kiện để hỗ trợ bà con canh tác trong một số năm.

Sản lượng atiso tại Sapa ngày càng tăng. Ảnh: Bizmedia.

Trước năm 2010, công ty phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu atiso từ Đà Lạt. Sau năm 2010, sản lượng atiso tại Lào Cai tăng gấp nhiều lần, giúp công ty chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo. Trước kia, sản lượng atiso thu được là khoảng 100 tấn lá tươi mỗi năm, đến nay, sản lượng đó đã tăng 20 lần, tương đương 2.000 tấn mỗi năm.

Ngoài atiso, một loại dược liệu khác cũng được công ty tiến hành thu mua từ bà con với số lượng lớn như chè dây. Trước đây, chè dây chủ yếu được thu hái tự nhiên trên rừng nhưng nay, công ty đã hướng dẫn bà con phát triển thành vùng trồng chuyên canh. Điều này không chỉ giúp bà con chủ động hơn trong việc thu hái mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm do dược liệu cần được chế biến ngay sau khi thu hái. Ngoài ra, thông qua tập huấn trồng và canh tác, đồng bào được tuyên truyền về ý thức bảo vệ, phát triển những cây dược liệu quý.

Hiện nay, sản lượng chè dây mà công ty thu mua hàng năm của bà con là khoảng 100 tấn; thu mua từ đầu mối gom hàng là 30.000 đồng một kg chè dây khô. Ngoài phát triển vùng dược liệu atiso và chè dây, công ty còn trồng đương quy, đẳng sâm, đan sâm, cát cánh, xuyên khung, giảo cổ lam…

Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại Sapa phù hợp để phát triển nhiều giống cây dược liệu quý. Ảnh: Tiến Sỹ.

"Sapa có nhiều cây thuốc nên việc công ty tập trung sản xuất và chế biến các loại thảo dược quý nơi đây mang đến cho đồng bào nguồn thu nhập, việc làm ổn định. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành sản xuất và kinh doanh một số sản phẩm dược có nguồn gốc bản địa như cao atiso, trà giảo cổ lam, trà dây leo, đông trùng hạ thảo", ông Sỹ cho hay.

Các mặt hàng dược liệu này được bày bán tại trung tâm chợ Sapa, Thác Bạc (ở Sapa) và khu Vạn Chúng (TP Lào Cai). Đây cũng là cách mà công ty tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm thu hái tự nhiên của bà con, đồng thời, góp phần nâng cao giá trị lợi ích cho công ty, cộng đồng với những sản phẩm thiên nhiên quý, phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ.


Có thể bạn quan tâm

Làm kinh tế, bảo vệ môi trường với mô hình trồng tiêu dưới tán rừng Làm kinh tế, bảo vệ môi trường với mô hình trồng tiêu dưới tán rừng

Rừng khai thác tới đâu sẽ được trồng bổ sung tới đó, đồng thời, người dân lại tiếp tục trồng tiêu phía dưới. Nguồn lợi cứ như vậy được tái tục.

04/04/2017
Atiso - dược liệu 'vàng' trên đất Lào Cai Atiso - dược liệu 'vàng' trên đất Lào Cai

Với diện tích 70 ha, cho sản lượng 2.000 tấn lá tươi mỗi năm, atiso được bà con Lào Cai trồng chuyên canh để sản xuất dược liệu

04/04/2017
Mẹo diệt sâu bọ ai cũng có thể làm Mẹo diệt sâu bọ ai cũng có thể làm

Đuổi ốc sên bằng vỏ trứng, đuổi chuột bằng quế, trồng hoa hay chế thuốc bảo vệ thực vật sinh học là những biện pháp đơn giản để diệt sâu bọ

04/04/2017