Sản xuất thành công dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt
Kỹ sư Nguyễn Thanh Liêm, Công ty TNHH Trang trại hữu cơ 7 Núi (ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, Tịnh Biên) vừa thực hiện thành công dự án sản xuất thử nghiệm dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh hỗ trợ 578,7 triệu đồng, còn lại kinh phí đối ứng từ Công ty TNHH Trang trại hữu cơ 7 Núi. Kết quả đạt được của dự án đã khẳng định sự đóng góp của khoa học - công nghệ trong việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm dưa lưới, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trên đơn vị đất canh tác.
Mô hình trồng thử nghiệm, thu hoạch dưa lưới năng suất đạt cao
Dự án đã thực hiện 12 tháng (từ tháng 7-2017 đến tháng 6-2018). Kỹ sư Liêm cho biết, đã đầu tư 6 đơn vị nhà màng, mỗi đơn vị có diện tích 582m2. Nhà màng 24x24m với kết cấu hình vuông giúp thuận lợi cho quá trình chăm sóc, dễ xử lý mầm bệnh và vệ sinh sau quá trình canh tác, đảm bảo duy trì quá trình sản xuất liên tục, cung cấp vừa đủ sản phẩm theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Lắp đặt hoàn thiện hệ thống tưới nhỏ giọt Israel trên 6 nhà màng phục vụ tưới tiêu và bón phân tự động cho cây trồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt vận hành được lập trình và cài đặt sẵn, tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây trồng mà nhu cầu về nước và phân bón được quy định theo quy trình kỹ thuật đã ban hành.
Dự án nhận chuyển giao quy trình trồng dưa lưới trong nhà màng của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang, với 2 loại giống: dưa lưới Sweet 695 và dưa lưới Bảo Khuê. Tiếp nhận quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bao gồm: kỹ thuật quản lý dinh dưỡng tổng hợp trên dưa lưới, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại trên dưa lưới. Đào tạo được 4 kỹ thuật viên, 5 cán bộ có chứng nhận đào tạo VietGAP.
Công ty đã trồng và xây dựng thành công quy trình kỹ thuật canh tác giống dưa lưới: Sweet 695, Bảo Khuê. Sau 65-75 ngày cho thu hoạch, năng suất dưa lưới đạt từ 3,7-4,3 tấn/1.000m2 so với năng suất 3 tấn/1.000m2 đề ra. Doanh thu đạt 429-499 triệu đồng/1.000m2/4 vụ/năm. Sản phẩm sạch có chứng nhận VietGAP của Trung tâm Chất lượng nông lâm sản Vùng 6. Sản phẩm dưa lưới có hợp đồng bao tiêu với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao EDEN GARDEN.
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ An Giang: kết quả thực hiện dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra, đơn vị thực hiện dự án đã xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác dưa lưới dựa trên quy trình của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang chuyển giao. Đơn vị đã từng bước cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả công việc, phù hợp với thực tế và nâng cao năng suất sản phẩm.
Ông Liêm cho biết: "Hiệu quả kinh tế của dự án cao hơn các mô hình khác rất nhiều lần. Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tuy chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu tương đối cao nhưng thời gian sinh trưởng ngắn, giá trị mang lại cao gấp 3-5 lần so với hoa màu và cây ăn trái. Sau 1 năm đi vào hoạt động dự án bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Sản phẩm đã có hợp đồng bao tiêu, đầu ra sản phẩm ổn định về chất lượng và dần tăng cao về năng suất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo tiền đề cho công ty mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác dưa lưới hướng đến thị trường xuất khẩu".
Sản xuất dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, giảm nhập khẩu, tăng hệ số sử dụng đất từ đó tăng hiệu quả kinh tế. "Hiện, công ty đã có 20.000m2 nhà màng, sản xuất liên tục, mỗi tuần đưa ra thị trường hơn 4,5 tấn; đang xây dựng thêm 12.000m2 theo yêu cầu bên bao tiêu sản phẩm. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2018, công ty sẽ có 56.000m2 nhà màng để đáp ứng yêu cầu nhà bao tiêu sản phẩm"- ông Liêm cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Kết quả theo dõi, đánh giá sản xuất ở vụ hè thu 2018 tại Hoài Châu Bắc cho thấy: Giống lạc mới LKN1 sinh trưởng phát triển phù hợp trên chân đất cát pha thịt
Muốn bón vôi có hiệu quả bà con cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm và bón đúng cách
Nông dân ở huyện đầu nguồn An Phú đã tập trung phát triển sản xuất (SX), đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới