Giá / Tin nông nghiệp

Sản xuất phân hữu cơ từ trùn quế

Sản xuất phân hữu cơ từ trùn quế
Tác giả: Thanh Đồng
Ngày đăng: 14/08/2018

Tận dụng nguồn phân chuồng tại các hộ chăn nuôi bò ở địa phương, ông Trần Quang Tiến ở ấp Phước Thới, xã Phước Tuy, huyện Ba Tri phát triển trại nuôi trùn quế, góp phần sản xuất, cung ứng nguồn phân hữu cơ trùn quế chất lượng cao cho nhiều nhà nông trong tỉnh và các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây còn là cách để cải tạo môi trường chăn nuôi hiệu quả.

Ông Trần Quang Tiến kiểm tra độ ẩm trong bể nuôi trùn quế. Ảnh: Thanh Đồng

Giá trị kinh tế cao

Ông Trần Quang Tiến bắt đầu nuôi trùn quế làm kinh tế từ năm 2006. Thời điểm đó, phong trào nuôi trùn quế phát triển mạnh không chỉ ở Ba Tri mà còn ở nhiều địa phương khác. Sau 12 năm theo đuổi nghề này, có thể nói hộ ông Tiến là cơ sở kinh doanh có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi trùn quế trên địa bàn huyện Ba Tri.

Ông Tiến có 2 trại nuôi, tổng diện tích 400m2, vừa sản xuất phân hữu cơ trùn quế, vừa bán trùn thịt (làm thức ăn chăn nuôi, làm giống) và trùn giống sinh khối (trùn và hỗn hợp nền sinh khối). “Giá bán phân hữu cơ trùn quế thời điểm này ở mức 2.500 đồng/kg, trùn thịt được 80 ngàn đồng/kg, trùn sinh khối 20 ngàn đồng/kg”, ông Tiến cho hay.

Với diện tích nuôi hiện tại, khoảng 3 tháng, ông Tiến thu hoạch gần 10 tấn phân hữu cơ để bán cho các nhà nông trong và ngoài tỉnh. Ông Hồ Văn Thao - cán bộ khuyến nông xã Phước Tuy cho biết: “Phân hữu cơ trùn quế rất được các nhà nông ưa chuộng bởi hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp cho các loại cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng, rau màu…”.

Ngoài ra, hộ của ông Tiến còn được biết đến là nơi cung cấp trùn thịt, trùn giống sinh khối có chất lượng. Trùn giống sinh khối được nhiều hộ mua về nuôi, tự thực hiện nguồn phân hữu cơ tại nhà. Trùn thịt được ưa chuộng làm thức ăn giàu đạm trong chăn nuôi cho các loại gia cầm (gà, cút), thủy sản (tôm sú, cá da trơn…), nuôi lươn… “Nuôi trùn quế không cần tái đầu tư nguồn giống do trùn tự sinh sản trong môi trường và điều kiện chăm sóc tốt nên mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi”, ông Tiến nói.

Trại trùn quế của gia đình ông Tiến có giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội Facebook, nhờ vậy được nhiều khách hàng cả trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện tại, ông đang dự tính xây thêm trại nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bảo vệ môi trường chăn nuôi

Bên cạnh giá trị cao về kinh tế, sử dụng chất thải trong chăn nuôi để nuôi trùn quế sản xuất phân hữu cơ cũng là một trong những giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường hiệu quả. Nhất là trong mùa mưa, không phơi phân khô được thì lượng phân bò ứ đọng ở những hộ chăn nuôi sẽ gây ô nhiễm môi trường. Ông Tiến bao tiêu lượng phân chuồng của các hộ chăn nuôi bò trong khu vực để làm nguồn nuôi trùn quế. Theo thỏa thuận, người chăn nuôi ở địa phương sẽ thu gom phân chuồng vào các bao trữ sẵn và bán lại cho ông Tiến. Ông Tiến cho biết: “Khoảng 1 tuần tôi cho trùn ăn một lần, với diện tích nuôi 400m2 cho ăn một lần 40 bao (bao đựng thức ăn chăn nuôi), tiêu thụ khoảng 1,6 tấn phân”. Điều này đã góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường chăn nuôi do trùn quế xử lý không còn mùi hôi thối của phân chuồng.

Ngoài phân bò, có thể sử dụng đa dạng các nguồn phân chuồng như phân dê, phân heo, phân gà… Riêng với phân heo, phân gà thì phải được ủ hoai sau đó mới dùng để nuôi trùn. Hoặc có thể sử dụng rau củ, trái cây là rác thải nông nghiệp và chất cặn bã phụ phẩm khí sinh học cũng cho hiệu quả tốt.

Nuôi trùn quế tạo ra nguồn phân bón hữu cơ sạch, chất lượng, nhất là giúp tiết kiệm chi phí phân bón cho cây trồng. Nhiều hộ chăn nuôi, xử lý chất thải khép kín, xử lý phân chuồng bằng hệ thống biogas, kết hợp nuôi trùn quế để sản xuất phân hữu cơ bón cho vườn cây tại gia đình. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh đã chọn mô hình này để tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng đến các hộ nông dân.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi trùn quế, ông Tiến cho biết thêm: “Trong quá trình chăm sóc phải tưới nước hàng ngày để giữ vừa độ ẩm phù hợp cho trùn sinh sản, tránh bị khô. Trùn quế không chịu nắng, mưa, trại nuôi phải được che mát; đồng thời, bảo vệ trùn khỏi kiến, các loại gia cầm tấn công; tuyệt đối không để trùn tiếp xúc với các hóa chất”.


Có thể bạn quan tâm

Quy trình kỹ thuật trồng cây dâu tây (Phần 2) Quy trình kỹ thuật trồng cây dâu tây (Phần 2)

Quy trình kỹ thuật trồng cây dâu tây (Phần 2)

14/08/2018
Quy trình kỹ thuật trồng cải củ (Phần 2) Quy trình kỹ thuật trồng cải củ (Phần 2)

Quy trình kỹ thuật trồng cải củ (Phần 2)

14/08/2018
Vi khuẩn đường ruột ở gia súc đóng góp cho phát thải khí nhà kính Vi khuẩn đường ruột ở gia súc đóng góp cho phát thải khí nhà kính

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), nồng độ khí mê-tan trong khí quyển, khí nhà kính mạnh hơn khoảng 28 lần so với khí CO2 đã tăng đều kể từ thế kỷ 18

14/08/2018