Giá / Tin nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp an toàn

Sản xuất nông nghiệp an toàn
Tác giả: Lê Hoàng Vũ
Ngày đăng: 12/03/2018

Việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho rau màu, cây ăn trái trong bối cảnh thời tiết bất lợi, áp lực dịch hại gia tăng như hiện nay.

Để sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng cần giảm phân thuốc, và có thời gian cách ly an toàn

PGS.TS Trần Thị Ba, giảng viên Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, trái dưa hấu khi trưng tết phải vừa trưng vừa ăn ngon. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn rất khó, thường năng suất cao thì chất lượng kém. Nếu trồng dưa thu hoạch bán trưng tết và dưa ăn thì vấn đề về năng suất hiện tại đã kết thúc, bà con không nên bón thêm phân.

Vào thời điểm tuần cuối thu hoạch dưa, chỉ sử dụng phân kali, không sử dụng kali muối ớt do chất Clo làm cháy lá và ruột bị bầm, sử dụng Kali tan (chỉ có Kali và lưu huỳnh) hoặc Kali Sunphat làm tăng hương vị trái ngon hơn.

Trong thời điểm này không cần quan tâm vấn đề bọ trĩ, sâu vẽ bùa trên vỏ trái, trái nằm trên mặt đất cần dời vị trí dưa để tránh thối phần dưới của trái. “Muốn dưa hấu có chất lượng ngon và an toàn cần giảm lượng đạm, tăng kali. Nếu tăng kali, canxi vừa giúp cây khỏe, độ đỏ trong ruột đậm hơn, ngọt hơn và vỏ sẽ cứng hơn, thời gian bảo quản lâu hơn. Việc giảm sử dụng phân đạm dẫn đến an toàn sức khỏe” PGS.TS Trần Thị Ba nói.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết: Vào dịp tết nhu cầu sử dụng rau màu và trái cây tăng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, có nhiều cơn mưa trái mùa, thậm chí có nhiều đợt mưa lớn liên tục xảy ra làm rau màu, trái cây của nhiều nhà vườn bị ảnh hưởng sản lượng. Nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu nhập cao, do sản lượng giảm nhưng giá bán tăng.

Trong quá trình canh tác bà con cần tiến hành kiểm tra các ruộng rau, vườn trái cây nhiều hơn để có chế độ quản lý tốt. Những sản phẩm thu hoạch trước tết phải ngưng bón phân đạm, để tránh thừa đạm Nitrat trong sản phẩm. Những sản phẩm thu hoạch trong và sau tết nên bón tăng cường thêm phân kali để giúp trái ngọt và bảo quản được lâu hơn.

Ông Liêm cho biết thêm, sản xuất rau màu cũng thế, phải đối phó với nhiều vấn đề từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và giá cả. Riêng dịch bệnh, nhóm sâu hại trong canh tác rau an toàn có nhiều giải pháp, sử dụng thuốc BVTV là biện pháp sau cùng, chọn đúng loại thuốc và sử dụng đúng thời điểm cần có thời gian cách ly để hạn chế tối đa lưu lượng thuốc BVTV tồn dư, gần đến ngày thu hoạch. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

Ngoài ra, để hạn chế sâu bệnh hại trong ruộng rau màu cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp. Canh tác luân canh, vệ sinh đồng ruộng, xử lý bón vôi và phân hữu cơ, trải màng phủ nông nghiệp, bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm, tưới tập trung vào buổi trưa, hạn chế tưới buổi chiều.

Cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất

Về dịch hại trên cây khoai lang, một phần là do cách canh tác của bà con. Hiện tại, bà con trồng nhiều vụ trên một nền đất nhiều vụ trên năm, dẫn đến giống dần thoái hóa, dịch bệnh phát triển, đất không còn nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, phải luân canh để đảm bảo thời gian cách ly, cho ruộng ngập nước hơn một tháng để diệt mầm bệnh và tích lũy dinh dưỡng. Cần lưu ý khâu chọn giống tốt, đảm bảo cây khoai lang đủ dinh dưỡng, sớm phát hiện để xử lý đất, bệnh.

Đối với bệnh chết dây, đất phải xử lý bằng vôi, nếu phát hiện bệnh sớm phải ngắt bỏ tiêu hủy và rải vôi vào chỗ dây chết hoặc sử dụng thuốc trừ vi khuẩn phun tập trung tại dây bệnh và phun tập trung cả ruộng.

Kỹ sư Phạm Văn Huy, đại diện Cty Behn Meyer Agricare Việt Nam cho biết, những cơn mưa trái mùa làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cây trồng, Cty đã đưa ra những giải pháp, quy trình bón phân giúp bà con xử lý đạt hiệu quả.

Giai đoạn 1, sau khi xuống dây khoai lang khoảng từ 3 – 5 ngày, bón Entec 25-15 hoặc Entec 20-10-10. Đây là dòng phân sử dụng công nghệ chống thất thoát đạm và chứa nhiều thành phần đa, trung vi lượng. Lượng đạm Amon cao hơn lượng đạm Nitrat, hạn chế thừa đạm và bệnh hại trên cây trồng.

Giai đoạn 2, từ 12 – 15 ngày, bón dòng Entec 24-8-7.

Giai đoạn 3, khoảng từ 25 – 30 ngày, giai đoạn chuẩn bị xuống củ nên bón dòng có kali cao như Nitrophoska 13-9-16, khi lên củ giúp màu sắc xanh trên bộ lá.

Giai đoạn 4, khoảng từ 60 ngày sẽ bắt đầu bón kali cao hơn. Cty có sản phẩm Nitrophoska Perfect 15-5-20. Đây là dòng có kali trắng 100%, trung và vi lượng. Đến giai đoạn 105 – 110 ngày sẽ lên lượng kali tối đa để tăng độ ngọt, chất lượng nông sản. Sản phẩm của Cty trong giai đoạn này là Korn-Kali với thành phần kali 40% và Magiê 6% giúp phẩm chất củ khoai tốt hơn.


Có thể bạn quan tâm

Bí quyết làm giàu: Lãi hàng trăm triệu từ gà Đông Tảo Bí quyết làm giàu: Lãi hàng trăm triệu từ gà Đông Tảo

Chuyển hướng sang nuôi gà Đông Tảo. Với hai trang trại ở TP.HCM và Quảng Ngãi, hiện anh Tín thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi loại gà này.

12/03/2018
Bí quyết làm giàu: Biến vườn nhà thành trang trại Bí quyết làm giàu: Biến vườn nhà thành trang trại

Anh Lê Kim Đan (Bình Định) đang sở hữu một trang trại theo mô hình vườn ao chuồng (VAC) ngay tại vườn nhà, mỗi năm thu về gần 300 triệu đồng.

12/03/2018
Nuôi gà nhốt chuồng cho thu nhập khá Nuôi gà nhốt chuồng cho thu nhập khá

Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi giống gà ta lai gà nòi Bến Tre, mỗi tháng bà Nguyễn Thị Nhàn xuất bán từ vài trăm đến 1.000 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

12/03/2018