Giá / Tin thủy sản

Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua huỳnh đế thành công

Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua huỳnh đế thành công
Tác giả: M.H
Ngày đăng: 02/10/2021

Để bảo tồn nguồn gen của cua huỳnh đế có nguy cơ tuyệt chủng, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN&PTNT) đã thử nghiệm thành công công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua huỳnh đế. Đề tài do TS. Nguyễn Thị Thanh Thùy – Chủ nhiệm đề tài và cộng sự thực hiện.

Cua huỳnh đế (còn gọi cua hoàng đế, cua mỏ lết) được xem là loài đặc sản quý hiếm bởi thịt thơm ngon, hàm lượng chất béo và cholesterol thấp, protein cao, dồi dào khoáng vi lượng và các vitamin. Vì vậy, cua huỳnh đế trở thành đối tượng thủy sản có giá trị xuất khẩu, mang lại lợi ích kinh tế cao tại nhiều nước như: Ấn Độ, Australia, Philippines, Nhật Bản… Ở Việt Nam, cua huỳnh đế xuất hiện nhiều ở những vùng biển sạch, có đáy cát như: Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)…

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Thùy, cua huỳnh đế được xếp vào “Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển”. Cua huỳnh đế đã được thu thập bảo tồn trong điều kiện Ex-situ (bảo tồn ngoại vi) từ năm 2009. Các nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm cua huỳnh đế nhằm tạo ra nguồn cua giống khỏe mạnh, sạch bệnh, chủ động trong nuôi thương phẩm, giúp tái tạo nguồn lợi và hình thành nghề nuôi cho thu nhập cao, cung cấp nhu cầu ngày càng cao cho thị trường trong và ngoài nước là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

Đề tài triển khai từ năm 2017 – 2020, đề ra mục tiêu hoàn thành quy trình công nghệ sản xuất giống cua huỳnh đế (tỷ lệ sinh sản hơn 90%; tỷ lệ sống đến cua giống 5%) và thử nghiệm nuôi thương phẩm. Sau 4 năm triển khai, đề tài đã đạt được các kết quả: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đặc điểm sinh học, sinh sản cua huỳnh đế; xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo, tỷ lệ sống từ ấu trùng đến cua giống đạt 5 – 7%. Cua giống nhân tạo đã được thử nghiệm nuôi thương phẩm trong bể composite lắp hệ thống lọc sinh học tuần hoàn, tỷ lệ sống đạt 50 – 60% sau 6 tháng nuôi, đạt kích cỡ 40 – 50 g/con.

Quy trình sản xuất giống cua huỳnh đế: Sử dụng nguồn nước biển sạch khử trùng bằng Chlorin và tia UV. Chọn cua bố mẹ 0,3 – 0,5 kg, khỏe mạnh, linh hoạt, đầy đủ phần phụ; nuôi trong bể, hàng ngày cho ăn cá liệt, tôm, sò, giun nhiều tơ, định kỳ thay nước. Khi cua cái bụng to, sẫm màu, bề mặt trứng căng bóng, trứng xuất hiện điểm mắt thì chuyển sang bể ấp dung tích 500 l. Thời gian ấp 3 – 5 ngày. Ấu trùng trải qua 2 giai đoạn: Zoea, Megalopa. Giai đoạn Zoea nuôi bể 3 m3, thức ăn artemia bung dù; giai đoạn Megalopa nuôi bể 5 – 6 m3, thức ăn artemia sinh khối và thức ăn chế biến. Giai đoạn cua bột đến cua giống, thức ăn ghẹ và ruốc tươi.  

Theo TS. Nguyễn Tấn Sỹ – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp bộ, thành công của đề tài đã khẳng định lần đầu tiên cua huỳnh đế được sản xuất giống thành công ở Việt Nam. Kết quả của đề tài đã bổ sung thêm hiểu biết về đặc điểm sinh học sinh sản, vấn đề già hóa, bảo tồn cua huỳnh đế; là cơ sở để nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất giống nhân tạo, góp phần tái tạo quần đàn, bảo tồn lâu dài và an toàn nguồn gen cua huỳnh đế đang có nguy cơ tuyệt chủng. Kết quả của đề tài còn cung cấp nguồn vật liệu di truyền cho những nghiên cứu khoa học chuyên sâu như đa dạng di truyền quần thể và di truyền chọn giống phục vụ công tác chọn giống.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá thát lát thương phẩm trong ao đất Nuôi cá thát lát thương phẩm trong ao đất

Cá thát lát cho thịt ngon, ít xương, đặc biệt thịt có độ dẻo đặc biệt nên rất được ưa chuộng dùng chế biến món chả cá thát lát, coi như đặc sản.

02/10/2021
Các nguồn carotenoid tự nhiên cho cá hồi và tôm Các nguồn carotenoid tự nhiên cho cá hồi và tôm

Màu sắc là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cá hồi và tôm. Hiện, các carotenoid tự nhiên như Panaferd-AX

02/10/2021
Probiotics cải thiện hiệu suất tăng trưởng của cá chép Probiotics cải thiện hiệu suất tăng trưởng của cá chép

Dựa trên những tác động có lợi của chủng vi khuẩn Lactococcus spp và các polysaccharide ngoại bào lên cá chép (Cyprinus carpio) trong các nghiên cứu

02/10/2021