Giá / Tin nông nghiệp

Sản phẩm hữu cơ sinh học phục hồi cây có múi bị vàng lá thối rễ

Sản phẩm hữu cơ sinh học phục hồi cây có múi bị vàng lá thối rễ
Tác giả: Minh Đảm – Hữu Đức
Ngày đăng: 17/12/2021

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công sản phẩm hữu cơ vi sinh để phục hồi hiệu quả cho cây có múi bị bệnh vàng lá thối rễ.

Một cây bưởi da xanh bị bệnh vàng lá thối rễ, trước đó nhà nông đã trồng sẵn cây dừa sẵn sàng thế chỗ cây bưởi bị bệnh. Ảnh: Minh Đảm.

'Hồi sức' cây có múi bị vàng lá thối rễ 

Bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi là một trong những bệnh đang gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn ở ĐBSCL. Nhiều vườn cây nhiễm bệnh sẽ bị đốn bỏ do không còn năng suất.

Khi bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện, lá cây có biểu hiện vàng, không chỉ vàng ở những lá non mà còn vàng ở những lá già. Nguyên nhân của vàng lá là do vấn đề hấp thu dinh dưỡng của cây gặp yếu tố bất lợi, dẫn đến một số nguyên tố dinh dưỡng không thể được hấp thụ.

Rễ cây bị thối từng phần, rễ non cũng không phát triển. Bệnh do nấm như Fusarium, Phytopthora... và tuyến trùng gây ra nếu không được điều trị kịp thời sau thời gian khoảng một năm cây sẽ suy kiệt.

Theo khảo sát của các chuyên gia, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi ở ĐBSCL thường xuất hiện ở những khu vườn thâm canh quá mức. Tại các vùng chuyên canh cây có múi, bệnh vàng lá thối rễ có thể thiệt hại đến 30%. Giải pháp của nông dân là đốn bỏ để trồng lại cây khác hoặc cải tạo lại đất để trồng lại cây có múi.

Để giúp nhà nông giải quyết bệnh vàng lá thối rễ, phục hồi lại vườn cây có múi với chi phí thấp nhất, nhóm nhà khoa học của Trường ĐH Trà Vinh do TS Phạm Thị Phương Thuý, Phó trưởng khoa Nông nghiệp – Thuỷ sản là tác giả chính đã nghiên cứu đưa ra giải pháp tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ sinh học, nhất là hữu cơ vi sinh. Trong đó, sử dụng hai dòng vi sinh vật do nhóm nghiên cứu của trường chọn và phát triển.

Với giải pháp này, đầu tiên sẽ đưa vào đất chủng vi sinh vật để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Điều này sẽ giúp giảm tiết dịch nhầy tiết ra do rễ cây bị tổn thương và “dọn dẹp” những tàn dư hữu cơ còn dở dang, giúp cho đất trở nên thông thoáng, khoẻ hơn.

Sau đó, sẽ đưa vào đất những nguyên tố khoáng đa, trung và vi lượng bị thiếu trong quá trình canh tác trước đó. Sau khi bộ rễ đã bắt đầu phục hồi, sẽ tiếp tục sử dụng đưa vào đất những dinh dưỡng trên nền hữu cơ. Lúc này rễ non đã phát triển, hấp thu dinh dưỡng và khoẻ hơn, giúp cây phục hồi tốt hơn.

Các bước phục hồi vườn bưởi bị bệnh vàng lá thối rễ

Đầu tiên, cần chuẩn bị dung dịch hữu cơ vi sinh kết hợp với một số nguyên tố đa trung và vi lượng. Sau đó, pha 200ml dung dịch này với 20 lít nước để tưới cho mỗi cây. Chu kỳ sử dụng 5 - 7 ngày/lần. Dung dịch hữu cơ vi sinh này sẽ giúp phục hồi bộ rễ.

Sau đó 30 - 40 ngày, tược non của cây sẽ hình thành, lúc này nhà nông cần bón thêm phân vô cơ để nuôi tược tốt hơn. Liều lượng sử dụng được khuyến cáo là 200 gram phân bón hỗn hợp N-P-K trên mỗi gốc cây.

Đồng thời, nhà nông nên mua phân chuồng như phân bò để rải quanh gốc. Đặc biệt, để giúp nhà nông tiết kiệm thời gian ủ hoai phân chuồng, nhóm nghiên cứu đã đưa vào chủng vi sinh giúp phân huỷ nhanh chóng phân chuồng trong khi bón vào gốc cây. Với cách này, hệ sinh vật trong đất phát triển rất mạnh, đa phần là vi khuẩn có lợi. Nhóm vi sinh vật này giúp bảo vệ rễ cây rất tốt.

Khi cây được phục hồi, trong quá trình canh tác, có thể bổ sung thêm dung dịch hữu cơ vi sinh này sau 2 - 3 tháng để giúp cây khoẻ, tránh được vàng lá thối rễ.

Trong quá trình này, nông dân lưu ý không nên xới đất bởi có thể làm đứt rễ non của cây. Bà con chỉ nên cắt cỏ, dọn dẹp không gian xung quanh gốc cây để trở nên thông thoáng hơn. Tuyệt đối không nên bón vôi bởi có thể làm chết rễ non. Tuy nhiên, những năm gần đây, tại ĐBSCL thường xuất hiện xâm nhập mặn, do đó đối với những vườn cây bị ảnh hưởng bởi mặn bà cần rửa mặn trước khi bắt đầu quy trình phục hồi cây bệnh.

Theo nghiên cứu thực nghiệm của nhóm nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh tại một số vườn bưởi tại huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), chi phí phục hồi cho mỗi cây chỉ vỏn vẹn khoảng 50.000 đồng. Điều này mở ra hướng mới trong canh tác bền vững cây có múi, đặc biệt là trên cây bưởi. Bởi theo TS Phạm Thị Phương Thuý, hiện nay giải pháp này đa thực hiện trên cây bưởi và cây cam, đây là hai loại cây chiếm phần lớn diện tích cây có múi của cả nước.

Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có vườn bưởi da xanh diện tích 4.000m2 ở ấp Sóc Tháp, xã Nguyệt Hoá với trên 60 gốc. Tuy vườn bưởi mới chỉ hơn 6 năm tuổi và cho trái được hai mùa nhưng đã có 6 cây bị bệnh vàng lá thối rễ. Nhờ áp dụng quy trình phục hồi của Trường đại học Trà Vinh, ông Thuận không phải đốn bỏ cây bưởi nào. Hiện các cây đã cho ra cơi đọt mới, rất khoẻ mạnh.

Ông Thuận phấn khởi cho biết: “Đến nay, tôi thực hiện tưới dung dịch hữu cơ vi sinh do Trường Đại học Trà Vinh cung cấp được 5 lần. Khi tưới khoảng trên 20 ngày, thấy cây chớm ra đọt. Đến nay, sau 1 tháng thấy lá bung ra xanh mướt, trái cũng chuyển màu, bóng mượt hơn. So sánh giữa trước và sau khi phục hồi thấy rất khác biệt, nhất là đọt non dài, dày và khoẻ hơn. Một số lá vàng trước đó cũng chuyển màu xanh”.


Có thể bạn quan tâm

Cảm biến đất giá rẻ giúp nông dân tiết giảm phân bón Cảm biến đất giá rẻ giúp nông dân tiết giảm phân bón

Cảm biến đất có thể giúp nông dân chọn thời điểm tốt nhất để bón phân cho cây trồng với lượng cần thiết, do tính được yếu tố thời tiết và điều kiện của đất.

17/12/2021
Dùng enzyme xử lý rơm rạ sau thu hoạch Dùng enzyme xử lý rơm rạ sau thu hoạch

Với việc thử nghiệm enzyme, Ấn Độ chế ra dung dịch phân hủy sinh học mới, có thể biến gốc rạ thành phân bón hữu ích chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

17/12/2021
Nuôi lợn an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ Nuôi lợn an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đang triển khai nhiều mô hình hạt nhân về chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hướng hữu cơ nhằm lan tỏa phương thức nuôi này

17/12/2021