Giá / Mô hình kinh tế

Rau Không Phân Và Thuốc Hóa Học Ở Thánh Mẫu

Rau Không Phân Và Thuốc Hóa Học Ở Thánh Mẫu
Tác giả: 
Ngày đăng: 25/09/2013

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đang phối hợp cùng với ngành nông nghiệp Đà Lạt xây dựng một khu vực chuyên canh rau không thuốc và không phân bón hóa học, được tưới tiêu bằng hệ thống bơm nước mạch ngầm… ở khu vực Thánh Mẫu, theo mô hình “Trồng rau ăn lá bằng phương pháp thủy canh hồi lưu”.

Ngày 13/9/2013, chúng tôi cùng với hàng chục hộ nông dân tham quan, hội thảo đầu bờ tại vườn rau xà lách trồng bằng phương pháp thủy canh hồi lưu của hộ gia đình ông Vương Đình Phi ở khu vực Thánh Mẫu (phường 7, Đà Lạt). Vườn rau xà lách này có diện tích 100m2 nằm trong nhà kính 2.000m2 trồng các loại rau khác như dâu tây, cà chua...

Trước luống rau xà lách phủ xanh non trên giàn cao hơn mặt đất khoảng 1m, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Thu Hằng “thuyết trình”: Đây là vườn xà lách đưa lên giàn thủy canh trồng trên giá thể xơ dừa hơn 1 tháng, đạt các chỉ số sinh trưởng rất khả quan như: tỷ lệ cây sống 99%, chiều cao của cây từ 15 - 19cm, chiều dài rễ cây từ 30 - 35cm số lá trên cây từ 12 - 15 lá, dự kiến rút ngắn thời gian chăm sóc từ 10 - 15 ngày so với phương pháp trồng thông thường dưới đất, đạt năng suất 192kg/100m2.

Đây là mô hình “Nhà nước và nhà nông cùng làm”; trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hơn 53 triệu đồng, nông dân đối ứng nguồn vốn gần 31 triệu đồng. Chi phí nhiều nhất là lắp đặt giàn thủy canh hơn 80,6 triệu đồng. Khu vực cao nhất của giàn thủy canh được lắp đặt bình chứa nước thủy canh 2.000 lít, hàng ngày tự động cung cấp nước tưới (bơm từ mạch nước ngầm) và cung cấp dưỡng chất sinh học (được hòa tan với nước) cho từng gốc cây.

Thời điểm 25 ngày sau khi trồng, vườn mô hình xà lách thủy canh có xuất hiện rầy xanh gây hại, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cùng với nhà nông đã diệt trừ có kết quả bằng cách bắt bằng tay và bằng bẫy dính, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Tại vườn mô hình xà lách thủy canh, kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hằng còn giới thiệu cho nông dân về kỹ thuật thu hoạch. Theo đó, nên thu hoạch rau vào buổi sáng (trước 9 giờ) và buổi chiều (sau 16 giờ) để tránh bị héo rũ nhanh. Lấy từng giỏ rau ra khỏi giàn rồi cắt ngang gốc từng cây. Sau khi thu hoạch cần vệ sinh sạch toàn bộ hệ thống như máy bơm, thùng chứa dung dịch, các ống nhựa, ống nối, vỉ chứa giá thể… để phòng trừ mầm bệnh cho cây trồng lứa sau.

Ông Vương Đình Phi, chủ nông hộ mô hình xà lách thủy canh cho biết, ông đã nhận được đặt hàng tiêu thụ từ các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh với giá 25.000 đồng/kg, tính ra đạt lãi hơn 1 triệu đồng/100m2. Là một nông dân trồng nhiều loại rau an toàn trong nhiều năm qua, ông Phi nói nếu bà con nông dân quanh vùng trồng rau an toàn còn lo lắng đầu ra, ông sẽ làm “cầu nối” để tiêu thụ đến những khách hàng quen biết của mình.

Trong buổi hội thảo đầu bờ nói trên, chúng tôi còn được tham quan các mô hình của các hộ nông dân khác ở khu vực Thánh Mẫu trồng rau không thuốc và không phân bón hóa học như: 100m2 nhà kính dâu tây Newzealand trồng trên giàn treo; 1.000m2 rau xà lách trồng trên từng luống đất trong nhà kính và 1ha rau xanh các loại trồng ngoài trời…

Nằm liền canh với những nhà kính trồng rau an toàn đã nhiều năm trước đó, tất cả vườn mô hình ở đây đều đã áp dụng các phương pháp bón phân hữu cơ, sinh học, dùng bẫy dính để dẫn dụ dịch hại, tưới phun tự động từ nguồn nước ngầm bơm từ dưới lòng đất… nhìn chung đảm bảo đạt các yêu cầu kỹ thuật đặt ra, cây phát triển xanh tốt từ rễ, thân cành đến lá.


Có thể bạn quan tâm

Tiêu Thụ Đường: DN Cãi Nhau, Bộ Lúng Túng Tiêu Thụ Đường: DN Cãi Nhau, Bộ Lúng Túng

Các nhà máy đường đang tồn kho lượng đường khá lớn, trong khi các doanh nghiệp tiêu thụ đường lại đang đòi được nhập khẩu đường. Trước tình hình đó, ngày 28/3, tại TP HCM, Bộ Công thương đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ, nhưng xem ra vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung, khi bên nào cũng chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của mình.

25/09/2013
Lập Nghiệp Từ Trồng Nấm Lập Nghiệp Từ Trồng Nấm

Rời TP.HCM với hai bàn tay trắng sau khi tiệm may xuất khẩu của mình bị phá sản, Tạ Văn Ánh (35 tuổi) tìm về vùng đất xa xôi ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) lập nghiệp

25/09/2013
Trì Chính Làm Giàu Từ Nghề Cói Trì Chính Làm Giàu Từ Nghề Cói

Nằm ở trung tâm huyện Kim Sơn (Ninh Bình), lâu nay làng nghề chiếu cói Trì Chính, xã Kim Chính có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Các mặt hàng chiếu cói và sản phẩm thủ công từ cói được bạn hàng khắp nơi ưa chuộng

25/09/2013