Giá / Tin nông nghiệp

Ra nước ngoài vẫn tưới được vườn dâu ở Đà Lạt chỉ nhờ... điện thoại

Ra nước ngoài vẫn tưới được vườn dâu ở Đà Lạt chỉ nhờ... điện thoại
Tác giả: Trung Kiên (ghi)
Ngày đăng: 05/10/2017

Trước khi có khái niệm cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, bản thân tôi và nhiều nông dân khác, bằng cách của riêng mình, đã từng bước thực hiện “cuộc cách mạng” này rồi.

Ông Phi bên vườn dâu của gia đình. Ảnh: Đ.T.K

Bây giờ tôi đứng ngoài khu nhà kính, mở phần mềm trên điện thoại di động thông minh (smartphone) xem độ ẩm, độ pH của đất, dinh dưỡng của vườn dâu thế nào, nếu ổn thì bấm vào chữ “máy bơm” để bật hệ thống tưới. Các thông số liên quan đến sinh trưởng của cây trồng liên tục được cập nhật, báo về smartphone, mình theo đó mà điều chỉnh chủng loại, liều lượng phân bón trong nước tưới cho phù hợp.

Còn thời gian, lưu lượng tưới bao nhiêu tùy mình cài đặt trên hệ thống. Chỉ riêng nước tưới, trước đây nhìn bằng mắt thường, đoán độ ẩm nên không chính xác, nhất là với dâu tây trồng trên giá thể. Bề mặt giá thể thường khô, nếu tưới nhiều sẽ gây úng, làm hư bộ rễ. Còn với hệ thống tưới thông minh này, các cảm biến đo được cắm sâu xuống đất, cho kết quả chính xác nên không lo nữa.

Ông Phi chăm sóc, kiểm tra vườn dâu tây qua phần mềm trên điện thoại di động. Ảnh: Đ.T.K

"Nói chung đã làm nông thì phải bám vườn, nhưng tôi cố gắng đầu tư cho hoàn thiện, tiến tới không phải cái gì cũng đụng tay, đụng chân nữa…”.

Nông dân Vương Đình Phi 

Đây là hệ thống tưới tự động chính xác, gồm có trung tâm điều khiển chính, smartphone, các van điện, máy bơm, dàn ống tưới... Hỗ trợ hệ thống còn có các bộ phận giám sát vi khí hậu nhà kính, bộ phận quan sát thời tiết với độ chính xác cao. Tất cả đều hoạt động trên nền tảng internet kết nối vạn vật (internet of thing, viết tắt là IoT - PV).

Như vậy tôi có thể đi Hà Nội, TP.HCM, ra nước ngoài mà vẫn theo dõi, chăm sóc vườn cây ở Đà Lạt bình thường, miễn là điện thoại có kết nối wifi hoặc 3G. Với hệ thống này, nhà vườn trồng cây gì cũng tưới được. Ở đây tôi trồng cà chua và dâu tây, nhưng khi cần trồng dưa pepino, trồng rau cũng dễ dàng thực hiện.

Trước đây tôi đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, nhưng thực tế phải đi từng khu vực, đóng/mở rất nhiều van do có nhiều loại cây trồng, nhiều lứa khác nhau, có chỗ đất trống, còn bây giờ tất cả đều thao tác trên smartphone. Không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức, hệ thống còn giúp tôi giảm chi phí do lượng nước tưới, phân bón được báo về chính xác, năng suất cây trồng nhờ đó cũng tăng lên. Hiện tôi áp dụng trên diện tích 3.000m2, với quy mô lớn thì hiệu quả kinh tế do hệ thống đem lại còn lớn gấp nhiều lần.

Mặc dù tôi đã 59 tuổi, nhưng không sợ gì khó khi tiên phong áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Tuy là nông dân, nhưng nói thật là từ những năm 90, tôi đã mua máy vi tính về dùng, lúc đó vùng này chưa ai có. Cũng do “máu” công nghệ nên đầu năm 2017, sau khi tìm hiểu và được Trung tâm Khuyến nông tỉnh trợ giúp, tôi quyết định đầu tư hệ thống tưới tự động chính xác cho 3.000m2 nhà kính này.

Ngoài hệ thống tưới tự động chính xác, tôi còn lắp 16 camera để quan sát khi tưới, nhất là phát hiện sâu bệnh để xử lý kịp thời.


Có thể bạn quan tâm

Đánh giá một số giống lúa mới Đánh giá một số giống lúa mới

Tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình SX giống lúa mới và ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh.

05/10/2017
Trồng rau hữu cơ Trồng rau hữu cơ "5 không", xã viên thu 60 triệu đồng/năm

Sản xuất các mô hình rau sạch, rau sản xuất theo quy trình VietGAP. Đến tháng 12.2013, HTX đã chuyển dần hình thức trồng rau sạch sang rau hữu cơ.

05/10/2017
Làm giàu ở nông thôn: Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn Làm giàu ở nông thôn: Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn

Sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, không ít hộ hội viên, nông dân đã có mức thu nhập khá từ các mô hình, dự án nuôi nuôi thả cá, nuôi lợn...

05/10/2017