Giá / Tin thủy sản

Quỳnh Nhai phát triển nghề nuôi cá lồng

Quỳnh Nhai phát triển nghề nuôi cá lồng
Tác giả: Trần Hồ - Dương Trường
Ngày đăng: 22/07/2017

Trước những khó khăn về đất canh tác nông nghiệp, nông dân huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tận dụng lợi thế diện tích mặt hồ, đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà, đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc.

Nhờ nuôi cá lồng bè, nhiều gia đình đang phất lên

Sau khi nhà máy thuỷ điện Sơn La tích nước lòng hồ, diện tích đất canh tác nông nghiệp (ruộng nước, phiêng bãi bằng) trên địa bàn huyện bị ngập trên 2.800ha. Tuy nhiên huyện lại có lợi thế diện tích mặt hồ rộng hơn 10.540ha thuộc địa bàn 8 xã: Cà Nàng, Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Bằng, Mường Sại và Nặm Ét để phát triển thủy sản. Huyện thành lập tổ tư vấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản. 6 tháng đầu năm, tổ đã tổ chức tư vấn cho 44 HTX với 621 thành viên...

Năm 2011 toàn huyện chỉ có 3 HTX thuỷ sản, đến nay đã phát triển 44 HTX với 6.851 lồng cá. Dự kiến tháng 6 đầu năm 2017, sản lượng cá nuôi (cá ao, cá lồng) ước đạt 450 tấn; cá, tôm khai thác đánh bắt 525 tấn (trong đó tôm 150 tấn, cá các loại 375 tấn). Ông Điêu Chính Hải, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Trước năm 2011 nhiều hộ còn rụt rè, chưa dám đầu tư nuôi cá lồng. Sau khi một số hộ nuôi thành công, họ đã mạnh dạn làm theo và khẳng định nuôi thủy sản là nguồn thu nhập chính. So với làm nương rẫy thì nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu”.

Chúng tôi tìm đến xã Mường Giàng, nơi có HTX Thương Tuyên nuôi cá lồng quy mô lớn, đạt chuẩn VietGAP. HTX hiện có 52 lồng cá, chủ yếu nuôi cá nheo, lăng, trắm, rô phi…  2 năm nuôi được 3 vụ, mỗi vụ HTX xuất ra thị trường 52 tấn cá thương phẩm. Ông Lừ Thanh Xuân khoe: “Với mức giá giá trung bình 50 nghìn đồng/kg trừ mọi chi phí, năm vừa qua HTX lãi hơn 1 tỷ đồng. Nuôi cá lồng bè vừa nhàn vừa cho hiệu quả kinh tế cao, mà không tốn nhiều nhân công”.

Để nuôi trồng đạt hiệu quả cao, HTX Thương Tuyên đã tận dụng nguồn nước sạch, rau củ quả tự trồng, cũng như cá mồi trên sông làm thức ăn nên cho sản phẩm sạch, năng suất trung bình đạt 1 - 1,4 tấn, đầu ra sản phẩm thì cung không đủ cầu.

HTX Hợp Lực (xã Chiềng Ơn) mới tham gia nghề nuôi cá nhưng đã có những thành quả bước đầu, rất đáng để người dân học hỏi. HTX nuôi cá trên diện tích mặt nước là 1ha với 200 lồng. Sản phẩm chủ yếu đưa ra thị trường là cá da trơn, trắm đen, chép. Dự tính sản lượng cá năm nay HTX xuất ra thị trường 160 tấn...

Nhờ nuôi cá lồng bè, nhiều gia đình đang phất lên

Theo ông Nguyễn Hữu Sang, Phó GĐ HTX Hợp Lực, do nguồn nước nơi đây rất sạch, không bị ô nhiễm nên chất lượng cá vượt trội hơn so với cá nuôi ở nơi khác. Giá cả ổn định, thời tiết thuận lợi, không có thiên tai thì lãi cao. Hơn nữa, tỉnh và huyện còn tạo điều kiện hỗ trợ vốn xây dựng lồng bè, tập huấn kỹ thuật...

"Hiện tại trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 2 HTX nuôi thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP. Trong thời gian tới, huyện khuyến khích mở rộng quy mô nuôi cá lồng, phát triển các loài cá đặc sản của sông Đà, nuôi bằng phương pháp sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Điêu Chính Hải cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Giá cá tra tăng, giá cá sặc rằn giảm mạnh Giá cá tra tăng, giá cá sặc rằn giảm mạnh

Thời điểm hiện tại, người nuôi cá tra trên địa bàn huyện Châu Thành phấn khởi vì giá cá thương phẩm tăng trở lại.

22/07/2017
Phụ gia thức ăn: Bền vững và lợi nhuận Phụ gia thức ăn: Bền vững và lợi nhuận

Nuôi trồng thủy sản bền vững luôn song hành lợi nhuận lâu dài. Do đó, phụ gia nguồn gốc tự nhiên được coi là giải pháp nuôi thủy sản hiệu quả

22/07/2017
Thức ăn thủy sản: Siết chặt quản lý Thức ăn thủy sản: Siết chặt quản lý

Cùng với việc mở rộng các diện tích nuôi trồng thủy sản thì thị trường thức ăn cũng phát triển theo. Việc quản lý hiệu quả việc sản xuất, cung ứng và phân phối

22/07/2017