Quy Trình Kỹ Thuật Trồng Keo Dậu
(TS. Nguyễn Văn Quang, Viện Chăn nuôi Quốc gia)
1. Nguồn gốc và đặc điểm sinh vật học
Leuceana leucocephala (Cây Keo dậu) có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Mexico, người Tây Ban Nha đưa hạt đến Philipin, từ đó nó được phát triển rộng rãi trong các vùng nhiệt đới trên thế giới, Đông Nam Á, Australia vào cuối thế kỷ 19. Keo dậu là cây thân gỗ nhẵn, không có gai. Cây cao từ 7-18m, có từ 8-23 đôi kép lông chim, lá chét dài 8-16mm (hình 1).
Hình 1 |
Hoa có màu vàng kem hình cầu. Quả dẹt dài 13-18cm, ra thành chùm có từ 15-30 hạt, quả khi chín tự tách vỏ văng hạt ra ngoài, hạt màu nâu có lớp vỏ sừng cứng không thấm nước. Rễ có thể đâm sâu từ 2,5-4m.
Keo dậu được nhiều nước nhiệt đới và bán nhiệt đới trồng làm cây thức ăn cho chăn nuôi. Năng suất ngọn lá (50-70 cm) biến động từ 45-65 tấn/ha, tuỳ thuộc vào giống. Hàm lượng chất dinh dưỡng chứa trong ngọn lá tươi bao gồm: vật chất khô 25-28%, hàm lượng protein thô 22-23%, khoáng tổng số khá cao 10-11.5%. Một số giống có chứa hàm lượng mimosine từ 2.5-3.7%.
Leuceana leucocephala phân bố lên đến độ cao trên 1000m nhưng không chịu được sương muối. Keo dậu thích hợp nhất với nhiêt độ không khí 25-300C, là cây ưa ẩm nhưng đất phải thoát nước, thoáng khí. Thích nghi trong phạm vi lượng mưa từ 650-3000mm/năm. Yêu cầu thành phần hóa học đất là trung tính, pH trên 5,2, giàu lân và canxi. Trên đất trung tính, giàu lân và canxi, giàu mùn, thoáng khí, thoát nước Keo dậu cho năng suất cao và thảm bền ổn định lên tới trên 10 năm.
2. Kỹ thuật trồng
Thời vụ trồng: Thời vụ gieo hạt tốt nhất trong tháng 3 đầu tháng 4 khi nhiệt độ trung bình không khí trên 250C. Trồng cây con thời vụ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8.
Chuẩn bị đất Trồng thuần trên diện tích lớn nên diệt cỏ dại bằng thuốc diệt cỏ tiền nẩy mầm. Cày sâu 20-25cm, bừa kỹ 2-3 lần, ở nơi không bừa được thì dùng cuốc, vồ đập nhỏ đất và san phẳng. Những nơi không cày bừa được thì cuốc hốc hoặc đào rãnh.
Rạch hàng theo hướng đông tây, lòng rãnh sâu ít nhất 20 cm. Tuỳ theo địa hình và mục đích trồng thiết kế rãnh/hàng cho phù hợp. Trồng thuần trên ruộng bằng phẳng nên rạch hàng sâu 15-17 cm. Khoảng cách hàng cách hàng 70-100cm, nên đào rãnh thì rãnh sâu 20-30cm, đất dốc nên đào rãnh dày nhằm trồng băng cây dày để chống xói mòn đất.
Số lượng phân bón Keo dậu là cây có bộ rễ rất khoẻ và ăn sâu nên khi bón phân yêu cầu bón toàn bộ phân hữu cơ, phân lân và phân kali được bón lót vào rãnh, lấp kín đất dày 5-7 cm trước khi trồng.
Lượng phân bón như sau:
Loại phân/Phương thức trồng | Trung bình | Thâm canh |
Phân hữu cơ hoai mục (tấn/ha/năm) | 10-15 | 20 |
Phân lân supe (kg/ha/năm) | 300 | 500 |
Phân Kaliclorua(kg/ha/năm) | 150 | 250 |
Phân Đạm Ure (kg/ha/năm) | 50 | 50 |
Vôi bột cho đất pH 5,0-5,5 (kg/ha/năm) | 1000 | 1000 |
Kỹ thuật trồng cỏ
Gieo hạt (hình 2) |
Trồng trực tiếp bằng hạt: Yêu cầu lượng giống từ 15-20 kg/ha (hạt nảy mầm >90%). Cần kiểm tra xem hạt đã được xử lý trước khi lưu thông trên thị trường hay chưa. Nếu chưa thì áp dụng theo 1 trong 2 phương pháp sau: Xử lý hạt bằng nước nóng: Làm ướt hạt bằng nước lã để cho ráo nước rồi cho vào nước sôi 90-100oC ( lượng nước gấp 2 lần hạt). Giữ cho nhiệt độ ổn định ở 70 – 75oC (nóng rát tay) trong 15 phút. Gạn hết nước, đổ thêm nước lã ngập hạt, ngâm tiếp 6-10 giờ, vớt ra để khô đem gieo.
Xử lý hạt bằng nước Javen: cho tỷ lệ nảy mầm cao hơn và đồng đều hơn: Pha dung dịch nước Javen theo tỷ lệ 1:1 (1 phần dung dịch nước Javen : 1 phần dung dịch nước sạch), lượng dung dịch vừa đủ ngập hạt. Đổ hạt vào ngâm chính xác trong 7 phút, vớt hạt ra rửa sạch và trà hạt trên nền bê tông vài phút. Sau đó ngâm hạt trong nước sạch 6-8 tiếng, vớt ra để ráo đem gieo.
Hạt giống sau khi được xử lý gieo trực tiếp xuống rãnh đã được bón lót phân. Mật độ gieo 35-40cm một hốc, mỗi hốc gieo từ 2-3 hạt. (hình 2).
Trồng trong bầu (hình 3) |
Trồng trong bầu:
Dùng đất bột mịn trộn đều với phân hữu cơ hoai mục đạt độ ẩm 80% nhồi đầy, chặt vào trong bầu nilon đã chuẩn bị sẵn, xếp bầu vào nơi thoáng, thuận tiện cho chăm sóc. Hạt giống sau khi được sử lý gieo mỗi bầu 2 hạt (hình 3).
Khi cây đạt độ cao 15-20 cm đem trồng, mật độ trồng 15-20cm một hốc, mỗi hốc 1 bầu. Trước khi đặt cây xuống hốc phải cắt bỏ túi bầu
Chăm sóc thảm cỏ Sau khi gieo hạt 7-10 ngày kiểm tra độ nẩy mầm của hạt giống, sau 15 ngày cần làm cỏ đợt 1, 20-30 ngày sau đó làm cỏ 2 , bón thúc 20 kg đạm ure cho cây con.
Sau 2 tháng cây con mọc khoẻ, nếu còn cỏ dại nhiều cần xới cỏ tạo điều kiện cho keo dậu phát tán lấn át cỏ dại.
Chú ý
Keo dậu mọc khá chậm ở thời kỳ đầu, nên tốt nhất là gieo ở vườn ươm hoặc trong bầu, khi cây lên cao 25-30cm đánh ra trồng. Giai đoạn đầu rất cần chú ý làm cỏ và tháo kiệt nước để cây sinh trưởng nhanh lấn át được cỏ dại.
Những năm tiếp theo vào tháng 1, xới sâu đất, diệt cỏ dại bón phân như năm đầu. Sau 3-4 năm cần đốn đau toàn bộ thân gốc vào đầu mùa xuân để làm trẻ hoá thảm cây.
Keo dậu lai thường bị bệnh Muội đen do Rệp gây ra. Bệnh thường nặng vào mùa xuân khi ẩm độ không khí cao và trời âm u không có ánh sáng. Thông thường có thể dùng một số loại thuốc sinh học phun phòng vào đầu vụ xuân để diệt các loài chích hút. Nhưng trong chăn nuôi gia súc tốt nhất là không dùng thuốc mà khi thảm cây chớm bệnh nên cắt bỏ hoàn toàn cho vào xử lý làm phân bón hoặc mang xa nơi thảm cây để khô và đốt bỏ để lấy lứa tái sinh sạch bệnh.
Keo dậu trồng một lần nhưng thu hoạch, sử dụng được nhiều năm. Thường chu kỳ thu hoạch là 5-6 năm mới phải trồng lại. Do vậy, sau mỗi lần thu hoạch cần xới giữa các hàng cây cho đất tơi xốp và tưới nước cho thảm cây nhất là mùa khô. Thông thường thảm cây có tưới nước đã cho năng suất cao hơn 18-25% so với không tưới cho cây. Đầu mùa xuân hàng năm cần bón phân theo quy định.
3. Kỹ thuật thu hoạch và sử dụng
Kỹ thuật thu hoạch
Khi cây cao 1,6-2m (hình 4) thu hoạch lứa đầu (sau 4-5 tháng). Khi thu hoạch để chừa gốc 50-60cm (hình 5).
Hình 4 | Hình 5 |
Các lứa tiếp sau 45-60 ngày (độ dài nhành tái sinh 60-70cm). Lứa cắt tái sinh cao hơn lứa cắt trước 5cm. Keo dậu năm đầu do thiết lập mới nên chỉ cho thu hoạch 2-3 lứa, các năm sau cho thu 4-5 lứa trong năm.
Sử dụng cho gia súc Thu hoạch hàng ngày làm thức ăn bổ sung đạm cho gia súc ăn tươi hoặc chế biến khô với tỷ lệ 25-35% trên khẩu phần thức ăn thô xanh.
Bột lá Keo dậu khô có hàm lượng caroten khá cao nên bổ sung 3-5% vào cám hỗn hợp nuôi gà đẻ trứng và gà thịt sẽ tăng màu vàng của lòng đỏ trứng, màu vàng của da chân gà. 4. Các phương thức trồng
Trồng thuần, thâm canh để thu cắt về nuôi gia súc tại chuồng (hình 6). Trồng trong vườn tạp hoặc trồng theo hàng rào, dọc đường đi lại (hình 7&8).
Trồng xen canh với các giống cỏ hoà thảo với khoảng cách 5-7 m một băng (hình 9).
Hình 6 | Hình 7 |
Hình 8 | Hình 9 |