Giá / Tin nông nghiệp

Quy trình canh tác lúa nếp hiệu quả vùng ĐBSCL

Quy trình canh tác lúa nếp hiệu quả vùng ĐBSCL
Tác giả: PGS.TS Mai Thành Phụng
Ngày đăng: 19/11/2021

Lúa nếp được trồng nhiều nhất là ở ĐBSCL, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay lúa nếp được canh tác nhiều nơi ở ĐBSCL với khoảng 198 ngàn ha/vụ (chiếm 13% diện tích gieo sạ vùng ĐBSCL theo số iệu vụ đông xuân 2020 - 2021). Trong đó có 3 vùng tập trung nhất là Phú Tân (An Giang) với diện tích khoảng 10.000 ha (chủ yếu giống nếp CK92); Chợ Gạo (Tiền Giang) khoảng 6.000 ha (chủ yếu Nếp Bè Tiền Giang); Thạnh Hóa (Thủ Thừa, Long An, chủ yếu giống nếp IR4625) với khoảng 30.000 ha.

Điểm chung nhất của 3 vùng lúa nếp này là đều sử dụng giống lúa ngắn ngày, 95 - 100 ngày và có thể trồng được 3 vụ/năm.

Về mặt khoa học, thời vụ, kỹ thuật canh tác lúa nếp không có nhiều khác biệt so với các giống lúa tẻ. Điều khác biệt rõ nhất có thể kể đến là các giống nếp đều mẫn cảm với sâu rầy, nhất là rầy nâu, nhện gié và đạo ôn. Bởi vậy, bà con cần tuân thủ xuống giống theo nguyên tắc đồng loạt, tập trung, né rầy và áp dụng các biện pháp kỹ thuật phổ biến như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.

Ngoài ra, so với một số giống lúa tẻ, lúa nếp có phần dài ngày và yếu rạ hơn. Vì vậy, quá trình canh tác qua nhiều năm, nông dân cũng đúc rút kinh nghiệm bón phân cân đối, không bón thừa đạm, nhất là bón đúng thời điểm cây lúa cần.

Thực tế, trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, sâu bệnh hại ngày một tác động mạnh hơn đến lúa nếp. Chăm sóc cây lúa nếp khỏe ngay từ đầu vụ với quy trình bón phân thông minh sẽ giúp bà con đạt được "hiệu quả kép" về năng suất, chất lượng, giúp cân bằng môi trường đất nước, hạn chế lượng thuốc BVTV trên đồng ruộng.

NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CANH TÁC LÚA NẾP

Vùng đất trồng nếp phải chuyên canh, làm cùng một giống để tránh lẫn giống của vụ trước sang vụ sau.

Sử dụng giống lúa nếp có độ thuần cao, tiêu chuẩn giống xác nhận 1. Làm đất kỹ, có mặt bằng tốt và đánh rãnh nước sâu 20 - 30 cm, ngang 20 - 30 cm; cách 6 - 8 m có 1 rảnh để xổ phèn, xổ mặn, tháo nước khi cần.

Sạ cấy: Có thể sạ lan 80 kg/ha hoặc cấy 50 - 60 kg/ha, gần đây có máy sạ cụm (sạ khóm) tiết kiệm giống chỉ cần 50 - 60 kg/ha.

Thời vụ gieo sạ: Tuân thủ nghiêm nhặt theo lịch gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy và theo con nước của ngành nông nghiệp khuyến cáo.

Cây lúa nếp với đặc tính yếu, nên nếu bón thừa phân đạm, cây sẽ dễ bị nhiễm sâu bệnh, dễ đổ ngã, gây thất thoát năng suất, ảnh hưởng đến chất lượng nếp, và gia tăng chi phí đầu vào. Đồng thời, trước khi thu hoạch không phun thuốc BVTV sẽ vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng đến chất lượng hạt, tồn dư thuốc BVTV... 

Bà con chú ý, nên áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh cho cây lúa nếp để mang lại hiệu cao nhất.

Quy trình bón phân thông minh cho lúa nếp:

Nên bón phân 4 lần/vụ.

- Lần 1, trước khi gieo sạ, bón lót phân bón Đầu Trâu Mặn Phèn, lượng bón 100 - 150 kg/ha (gia giảm tùy theo độ phèn, độ mặn). Hạn chế tác hại phèn mặn. Thúc đẩy bộ rễ lúa khoẻ mạnh. Tăng khả năng chống chịu trong điều kiện thời tiết bất lợi, giúp cây lúa phát triển tốt...

- Lần 2, từ 7 - 10 ngày sau khi gieo sạ, bón phân Đầu Trâu TE A1, lượng bón 100 - 150 kg/ha (gia giảm tùy theo đất tốt. xấu).

- Lần 3, từ 18 - 22 ngày, bón phân Đầu Trâu TE A1, lượng bón 100 - 150kg/ha (gia giảm tùy theo lúa nếp tốt, xấu).

- Lần 4, bón phân đón đòng. Bón theo quy luật không ngày, không số theo 3 yếu tố: Chỉ bón khi lúa có tim đèn từ 1-3mm. Nếu đòng 1mm, lúa vẫn còn xanh thì phải chờ vài hôm tới khi đòng lúa dài 3 mm mới bón. 

Bón phân Đầu Trâu TEA2, lượng bón 100 - 150 kg/ha tùy theo màu sắc ruộng lúa. Cụ thể: Chỗ lúa vàng tranh, bón 130 - 150 kg Đầu Trâu TE-A2/ha; chỗ lúa vàng xanh, bón 100 - 120 kg Đầu Trâu TE-A2/ha; chỗ lúa xanh đậm, chỉ bón 50 - 70kg KCl/ha.

Nước tưới: Giảm lượng nước tưới bằng các kỹ thuật tưới khô ướt xen kẽ, xiết nước giữa vụ (30-40NSS), tháo nước trước thu hoạch (7 - 10 ngày). Sử dụng nước để hạn chế các yếu tố bất lợi phèn, mặn (xổ phèn, xổ mặn).

Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM): Giảm thuốc, 4 trụ cột của IPM: Trồng cây khỏe; bảo vệ thiên địch; thăm đồng thường xuyên; nông dân thành chuyên gia.

Sạ thưa và gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy. Không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày (FPR). Giảm lượng và số lần phun thuốc BVTV bằng dự tính dự báo kịp thời. Sử dụng thuốc BVTV theo "4 đúng". Kết hợp phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh thái, sinh học để giảm chi phí và đảm bảo môi trường.

Nguyên tắc: Sâu có thể trị (không phun phòng), bệnh có thể ngừa hay phát hiện sớm, phun sớm.

Khử lẫn. Cần khử lẫn ít nhất 2 giai đoạn: Trước trỗ và trước thu hoạch (loại bỏ các cây dị dạng, các bông lúa dị dạng, các bông trỗ trước, trỗ sau so với đại trà đều khử hết. Các hạt dị dạng, khác màu, có râu… đều khử hết).

Giảm thất thoát sau thu hoạch: Thu hoạch đúng độ chín, sử dụng máy gặt đập liên hợp để giảm thất thoát. Vệ sinh máy gặt kỹ trước thu hoạch tránh lẫn giống. Nếu bán nếp tươi thì tốt nếu đêm về nhà tránh lẫn giống trên sân phơi sẽ làm giảm giá trị nếp

Bảo quản lúa: Túi yếm khí ở ẩm độ <13% (bảo quản hạt giống); 14% lúa thương phẩm (bảo quản dưới 3 tháng), <13% trên 3 tháng.


Có thể bạn quan tâm

Bước chuyển mình của ngành nuôi gà tây Hoa Kỳ Bước chuyển mình của ngành nuôi gà tây Hoa Kỳ

Trong nhiều thập kỷ, gà tây chỉ được dùng làm bữa tối trong Lễ Tạ ơn hoặc món chính cho các gia đình Mỹ trong những kì nghỉ. Hiện tại, điều đó đã thay đổi.

19/11/2021
Phân gà, món 'khoái khẩu' của rau hữu cơ Phân gà, món 'khoái khẩu' của rau hữu cơ

Trồng rau hữu cơ bón phân gà, cây rau phát triển rất nhanh. Bình Định hiện có lượng lớn phân gà, tiếc là ở đây chưa có nhà máy chế biến thành phân hữu cơ

19/11/2021
Những khuyến cáo diệt cỏ dại hiệu quả ở đầu vụ lúa đông xuân Những khuyến cáo diệt cỏ dại hiệu quả ở đầu vụ lúa đông xuân

Cỏ dại không gây hại trực tiếp cho cây lúa nhưng nó cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, nước với cây lúa. Cỏ dại có thể làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

19/11/2021