Quy Định Điều Kiện Sản Xuất Kinh Doanh Giống Thủy Sản
Nhằm tăng cường công tác quản lý giống thủy sản, ngày 22/05/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản.
Nội dung Thông tư quy định các tổ chức, cá nhân thực hiện cho sinh sản giống thủy sản hoặc thực hiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ phải đáp ứng các điều kiện như: Có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư về giống thủy sản hoặc Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ về nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập; địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch hoặc có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập về; cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp; có bảng hiệu, địa chỉ rõ ràng; phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản và đảm bảo chất lượng giống thủy sản đã công bố; thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông; ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất kinh doanh giống thủy sản và lưu giữ hồ sơ tối thiểu là 03 năm.
Đồng thời, cơ sở thực hiện cho sinh sản giống thủy sản phải có ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có giấy chứng nhận/chứng chỉ được đào tạo về nuôi trồng thủy sản. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản bố mẹ thì phải có ít nhất 01 nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trở lên.
Thông tư còn đưa ra một số quy định đối với giống thủy sản bố mẹ chủ lực. Trong đó, quy định một số bệnh phải kiểm tra xét nghiệm trước khi cho động vật thủy sản sinh sản, cụ thể: Đối với tôm thẻ chân trắng: Bệnh đốm trắng/White Spot Disease (WSD); hội chứng Taura/Taura Syndrome (TS); bệnh đầu vàng/Yellow Head Disease (YHD/GAD). Đối với tôm sú: Bệnh đốm trắng/White Spot Disease (WSD); bệnh đầu vàng/Yellow Head Disease (YHD/GAD). Đối với cá tra: Bệnh đốm trắng nội tạng (bệnh gan thận mủ) ở cá da trơn/Enteric Septicaemia of Catfish (ESC).
Ngoài ra, Thông tư quy định một số yêu cầu kỹ thuật đối với giống thuỷ sản bố mẹ chủ lực: Đối với tôm thẻ chân trắng thời gian sử dụng không quá 03 tháng kể từ ngày nhập về cơ sở. Kích cỡ tôm cái không dưới 45 gram/cá thể; tôm đực không dưới 40 gram/cá thể. Râu dài 1,5 - 2,0 lần chiều dài thân, đầy đủ các phần phụ bộ; cơ thể nguyên vẹn, cân đối, vỏ không thô ráp hoặc dập nứt. Đối với tôm sú: Số lần cho tôm mẹ sinh sản tối đa không quá 3 lần/vòng đời. Kích cỡ tôm cái không dưới 150 gram/cá thể; tôm đực không dưới 120 gram/cá thể. Tôm không dị hình; râu A2 không bị mòn, không ngắn hơn chiều dài toàn thân; bộ phận sinh dục ngoài hoàn chỉnh. Đối với cá tra: Số lần cho cá cái sinh sản trong năm không quá 2 lần/năm. Thời gian cho sinh sản không quá 6 năm. Đối với cá Tra: Số lần cho sinh sản trong năm không quá 10 lần/năm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/07/2013 và thay thế những nội dung liên quan đến khảo nghiệm giống thủy sản tại Quyết định số 18/2002/QĐ-BTS ngày 03/06/2002; thay thế Khoản 3 mục III Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.
Trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các cơ quan có chức năng khảo nghiệm được quy định tại Quyết định số 18/2002/QÐ-BTS ngày 03 tháng 6 năm 2002 về việc ban hành Quy chế khảo nghiệm giống thuỷ sản, thức ăn, thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thuỷ sản phải thực hiện đăng ký công nhận lại theo quy định của Thông tư nói trên.
Có thể bạn quan tâm
Mới đây, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang diễn ra Hội nghị thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhiệm kỳ I (2013 - 2015). Hiệp hội ra đời vào thời điểm ngành hàng cá tra của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Song, từ người nuôi đến doanh nghiệp (DN), các nhà quản lý đều mong mỏi Hiệp hội sẽ là cầu nối vững chắc để sắp xếp, ổn định lại trật tự và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hàng mang tính chiến lược quốc gia.
Phong trào nuôi nhím cách đây vài năm, nhiều gia đình tại Bắc Ninh đã bỏ ra khoản đầu tư lớn để nuôi loài động vật hoang dã này. Để rồi có những hộ chưa kịp “giàu” vì nhím đã lao đao khi giá bán nhím rớt thê thảm, hàng loạt hộ đành ngậm ngùi bán tháo để chuyển sang ngành nghề khác.
Sinh năm 1976 tại thôn Đồng Ý, xã Việt Dân (Đông Triều - Quảng Ninh), anh Nguyễn Văn Hào là người có tham vọng vươn lên làm giàu trên mảnh đất của quê hương mình. Năm 2007 anh xin chuyển đổi diện tích 10.000 m2 đất canh tác nông nghiệp của gia đình sang trồng các loại cây có giá trị cao phù hợp với chất đất và khí hậu. Anh Hào tâm sự: Đất ở đây chủ yếu là đất pha cát, nếu trồng lúa năng suất rất thấp nên không hiệu quả.