Giá / Tin thủy sản

Quảng Ngãi: Thử nghiệm thành công ươm giống cá bớp

Quảng Ngãi: Thử nghiệm thành công ươm giống cá bớp
Tác giả: Đăng Lâm
Ngày đăng: 26/06/2017

Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phong (thuộc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Ngãi) đã thử nghiệm thành công ươm giống cá bớp, giai đoạn từ trứng lên cá giống, để cung cấp cho người dân ở các huyện trong tỉnh có nhu cầu nuôi thương phẩm.

Nuôi cá bớp ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi     Ảnh: Đăng Lâm 

Nhu cầu cao 

Cá bớp phân bố rộng ở nhiều vùng biển trên thế giới từ vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và cả vùng nước ấm của biển ôn đới. Ở Việt Nam, cá phân bố cả vùng nước ven bờ và xa bờ từ Bắc đến Nam. Cá thường sống ở tầng giữa hoặc tầng trên của vùng nước (loài cá nổi), thích nghi lớn với sự biến đổi của độ mặn, khoảng thích hợp nhất là 22,5 - 44,5‰. Đây là loài cá ăn thịt, sinh trưởng nhanh (nuôi trong lồng trên biển bình quân đạt 4 - 6 kg/con/năm). Trong tự nhiên, cá bớp có trọng lượng hơn 10 kg (sau 2 năm tuổi) bắt đầu tham gia sinh sản. Mùa vụ sinh sản từ tháng 4 - 7, thường cá chỉ đẻ một đợt và đẻ rộ vào tháng 5.

Từ một vài hộ nuôi quy mô nhỏ, đến cuối năm 2016, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi phát triển phong trào nuôi cá bớp trên biển với quy mô lớn ở các huyện Lý Sơn (60 hộ), Bình Sơn (25 hộ), Đức Phổ (15 hộ). Do vậy, nhu cầu về con giống cá bớp tăng mạnh, từ vài nghìn con năm 2013, đến nay ước hơn 100 nghìn con/năm và sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, địa phương chưa có nơi nào nuôi sinh sản hoặc ươm nuôi giống cá bớp, để cung cấp cho người dân, nên nguồn cá giống này phải nhập về từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa với chi phí vận chuyển cao, thời gian vận chuyển dài, chất lượng cá giống thường không đảm bảo, tỷ lệ sống trong thời gian đầu rất thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Chủ động con giống

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn giống cá bớp cung cấp cho người dân trong tỉnh nuôi thương phẩm, từ tháng 7/2016, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thử nghiệm ươm giống cá bớp giai đoạn từ trứng lên cá giống tại địa phương. Dự án triển khai trong 2 năm (2016 - 2018), bằng nguồn vốn của ngân sách khoa học tỉnh và kinh phí từ nguồn đầu tư Chương trình Khuyến nông - Khuyến ngư.

Sau thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực, tháng 1/2017, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Ngãi đã mua trứng cá bớp từ các cơ sở nuôi ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đưa về Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản Đức Phong để ấp nở thành cá bột. Sau đó, nuôi cá bột mới nở lên cá hương (tỷ lệ sống đạt 2 - 3%) và nuôi cá hương thành cá giống (tỷ lệ sống đạt 60%). Theo đó, đã sản xuất được 10.000 con cá bớp giống, sau 4 tháng nuôi đạt cỡ 10 - 12 cm/con. Số giống cá bớp này đã được Trung tâm Giống Quảng Ngãi cấp cho 10 hộ ở huyện Lý Sơn (4 hộ), Bình Sơn (3 hộ) và Đức Phổ (3 hộ), để triển khai mô hình nuôi cá bớp thương phẩm. Các hộ nhận giống cá bớp nuôi thương phẩm lần này được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% con giống (trị giá khoảng 200 triệu đồng), 30% chi phí thức ăn, thuốc. Chi phí phần thức ăn còn lại và các chi phí khác người nhận nuôi tự thực hiện và được hưởng lợi 100% từ sản phẩm nuôi.

Từ thành công của Dự án nêu trên sẽ tạo ra nguồn giống cá bớp tại chỗ đảm bảo chất lượng, cung cấp cho người nuôi, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá bớp trong tỉnh ngày càng phát triển trong những năm tới.

>> Ông Đào Tư Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Ngãi cho biết, qua kiểm tra tại các hộ nuôi giống cá bớp thương phẩm ở Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), với quy cách nuôi 100 m3 nước/lồng (mật độ 10 con/m3), cá lớn nhanh, sau 1 tháng nuôi đạt cỡ 20 cm/con, trọng lượng 150 con/kg; dự tính, sau 6 tháng nuôi cá đạt 3 - 5 kg/con. Với giá cá bớp trên thị trường hiện nay ổn định ở mức 140 - 150 nghìn đồng/kg, người nuôi cá bớp thương phẩm ở Quảng Ngãi có nguồn lợi đáng kể.


Có thể bạn quan tâm

Cá rô phi có thể là đối tượng phát triển mới của Ấn Độ Cá rô phi có thể là đối tượng phát triển mới của Ấn Độ

Theo A Jayathilak, Chủ tịch Cơ quan phát triển xuất khẩu sản phẩm thủy sản Ấn Độ (Mpeda), việc nuôi cá rô phi sẽ giúp Ấn Độ đa dạng hóa xuất khẩu thủy sản.

26/06/2017
Đảm bảo kỹ thuật. an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi cá rô phi Đảm bảo kỹ thuật. an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi cá rô phi

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu kỹ thuật đối với cơ sở sản xuất giống và nuôi cá rô phi kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BNNPTNT

26/06/2017
Các nhà kinh doanh tôm đánh giá lợi ích của giải pháp mới cho bệnh đốm đen ở tôm Các nhà kinh doanh tôm đánh giá lợi ích của giải pháp mới cho bệnh đốm đen ở tôm

Những người kinh doanh tôm thường xuyên có lẽ đã quen thuộc với bệnh đốm đen ở tôm. Những đốm đen khó coi có thể xuất hiện trên thân tôm, tôm nguyên liệu

26/06/2017