Giá / Mô hình kinh tế

Quảng Nam: Người Nuôi Tôm Ứng Phó Với Bão Số 11

Quảng Nam: Người Nuôi Tôm Ứng Phó Với Bão Số 11
Tác giả: 
Ngày đăng: 16/10/2013

 

Sáng 14.10, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Quảng Nam khẩn trương gia cố bờ ao, hạ thấp mực nước trong ao nuôi đề phòng tôm thoát ra bên ngoài, một số ao tổ chức thu hoạch sớm để “chạy” bão.

Ông Trần Công Thành, chủ 36 ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên tại thôn 1 (xã Tam Hòa, Núi Thành - Quảng Nam) cho biết: “Mấy năm nay, nuôi tôm thẻ chân trắng không chịu tác động xấu của bão, lũ nên ai cũng nuôi quanh năm. Khi nghe bão số 11 đang đến gần, gia đình tôi khẩn trương thuê nhân công chằng chống lại các trại, chòi nuôi tôm. Do không thể xuất bán tôm mới chỉ nuôi được hơn 1 tháng nên tôi gia cố ao nuôi, tránh để tôm thoát ra bên ngoài. Ngoài ra chúng tôi cũng chuẩn bị dự trữ xăng dầu, lỡ có mất điện thì chạy quạt sục khí bằng máy diezen để đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho tôm”.

Ông Ngô Bá Thọ ở thôn 5 (xã Tam Hòa) cho biết thêm, năm vừa rồi được mùa, được giá tôm thẻ chân trắng nên năm nay ông mở rộng diện tích nuôi tôm lên 10 ao (mỗi ao 1.000m2). Nghe tin bão lớn đang áp sát bờ, gia đình gấp rút thuê nhân công xúc đất đắp thêm bờ và khiêng đá chắn bờ ao. Ông Thọ lo lắng: “Cầu trời cho bão tan nhanh. Nếu mọi việc yên ổn thì điện sẽ không bị cắt. Nếu không thì với 10 ao nuôi, mỗi ngày gia đình chúng tôi phải tốn đến vài chục triệu đồng tiền dầu chạy máy nổ. Đã vậy, chúng tôi đang lo lượng ôxy cung cấp cho tôm nuôi khi dùng quạt sẽ không đảm bảo. Ngoài ra, hậu quả sau bão cũng là rất lớn khi môi trường nước trong ao nuôi biến đổi đột ngột, tôm khó đề kháng được”.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có khoảng 310ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở cả vùng cát ven biển và vùng triều ven sông chưa thu hoạch. Vào sáng 14.10, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều tất bật thu hoạch tôm vì sợ ảnh hưởng của bão số 11 mực nước sông dâng cao, gây ngập lụt. Vừa kéo xong mẻ lưới thu hoạch tôm, ông Võ Cường (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình, chủ 2ha ao nuôi tôm ở vùng triều), cho biết: “Bão đang đến, mực nước ở sông cũng đang lên nhanh. Nếu thu hoạch không kịp thì số tôm trong 4 ao nuôi của tôi có nguy cơ thất thoát. Chúng tôi đang liên hệ với các hộ mua tôm gần đây để bán. Lúc này, tôm nuôi tại các ao đã được 3 tháng tuổi nên có thu hoạch cũng không sớm. May là tranh thủ được các anh em gần nhà để hợp sức thu hoạch chứ không thì dễ mất trắng”.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành chức năng đang kết nối các ngành, các cấp và địa phương ven biển để khuyến cáo người nuôi trên địa bàn tỉnh nên chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cần thiết để đề phòng bão lũ, tránh thất thoát tôm nuôi. “Bão số 11 đang ập vào bờ với diễn biến hết sức phức tạp nên các nông hộ phải linh hoạt chủ động ứng phó. Chúng tôi khuyến cáo các nông hộ khẩn trương bọc lưới quanh các ao nuôi để đề phòng nước có lên nhanh, tràn bờ thì tôm nuôi cũng không thoát ra ngoài được” - bà Tâm nói.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Sản Xuất Tỏi Theo Hướng An Toàn Mô Hình Sản Xuất Tỏi Theo Hướng An Toàn

Ngày 01-3, tại xã Nhơn Hải (Ninh Hải), Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm tư vấn và phát triển công nghệ (Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố) tổ chức Hội thảo đầu bờ Mô hình sản xuất tỏi theo hướng an toàn.

16/10/2013
Sử Dụng Nấm Xanh Diệt Rầy Nâu Sử Dụng Nấm Xanh Diệt Rầy Nâu

Ngày nay, trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã biết hạn chế sử dụng thuốc hóa học, chuyển sang hướng sinh học có lợi hơn cho môi trường. Họ đã không ngại khó, chủ động nuôi nấm xanh để phòng trừ rầy nâu trên lúa, góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất.

16/10/2013
Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Kiến Xương (Thái Bình) Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Kiến Xương (Thái Bình)

Những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản ở Kiến Xương (Thái Bình) ngày càng phát triển với nhiều đối tượng vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến ba ba. Nhờ mạnh dạn đưa ba ba vào nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

16/10/2013