Giá / Tin nông nghiệp

Quảng bá thương hiệu gạo Lệ Thủy

Quảng bá thương hiệu gạo Lệ Thủy
Tác giả: Tâm Phùng - Hồ Quang
Ngày đăng: 01/08/2019

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chia sẻ, để có được thương hiệu “Gạo Lệ Thủy”, huyện đã xây dựng lộ trình hướng đến đạt chuẩn Ocop từ năm 2012.

Thời điểm đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), nông dân trong huyện đã thực hiện dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi, giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững-SRI”.

Hợp tác xã Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) là mô hình điểm với tổng diện gần 270 ha lúa. Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Mỹ Lộc Thượng cho biết, người nông dân đã làm quen với việc tưới tiết kiệm nước, giảm lượng giống, giảm thuốc BVTV, phân bón và chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ.

Qua 7 năm triển khai thực hiện sản xuất theo phương pháp SRI cho thấy người nông dân giảm từ 25-30% các loại chi phí và thu nhập tăng trên 30% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Với cách trồng lúa cải tiến này, vụ ĐX 2018-2019, năng suất bình quân của HTX đạt 76,4 tạ/ha.

Để tạo đà, UBND huyện hỗ trợ 110 triệu đồng cho HTX để đầu tư máy xay xát, nhà xưởng, hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy”.
Hai loại giống được chọn canh tác trên đồng ruộng là P6 và Hà Phát 3. Loại gạo này sạch, dẻo, thơm hơn nhiều loại gạo sản xuất thông thường và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Quảng Bình) cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Bình cấp xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là điều kiện để lúa gạo của HTX thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ và hướng tới chuẩn Ocop.

Ông Võ Văn Thắng cho biết: “Quy trình sản xuất “Gạo Lệ Thủy” được HTX thực hiện khá nghiêm ngặt. Sau khi lúa nguyên liệu phơi khô, đưa vào kho dự trữ bảo đảm đạt chuẩn. Kho lúa nguyên liệu được xây dựng cách nhiệt ít ảnh hưởng tác động thời tiết bên ngoài, thoáng khí, có hệ thống ống thông đảm bảo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Lúa nguyên liệu từ kho lưu trữ chuyển sang hệ thống dây chuyền xay xát liên hoàn để chế biến, đóng gói đảm bảo chất lượng. Sản phẩm được chuyển đến kho bảo quản, xếp lên các kệ, đánh số lô sản phẩm để dễ dàng kiểm tra và truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, “Gạo Lệ Thủy” đã có bước phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thương hiệu “gạo Lệ Thủy” được thị trường đón nhận.

Trong thời gian qua, thương hiệu “Gạo Lệ Thủy” đã tham gia hội chợ kinh tế thương mại tại TP Đà Nẵng, tỉnh Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, hội nghị xúc tiến đầu tư Việt - Lào. Bất cứ ở đâu, người tiêu dùng đều đánh giá cao về hình thức và chất lượng của gạo Lệ Thủy.

Ông Võ Xuân Văn có gần 2,5 ha lúa cho biết: “Mỗi vụ, gia đình tôi thu hoạch gần 15 tấn lúa. Không thể chứa cất trong nhà được. Nhờ HTX thu mua bao tiêu sản phẩm nên an tâm lắm. Giá thị trường khoảng 6.000đồng/kg thì HTX mua 6.400 đồng. Từ đó cũng tạo được động lực sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, ngon cho chúng tôi”.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nói: “Để xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện đã sớm kiện toàn ban chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng người dân trực tiếp thực hiện.

Sau khi các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, huyện sẽ tiến hành chấm điểm các sản phẩm dưới 3 sao và tỉnh sẽ chấm những sản phẩm đạt 3 sao trở lên.
Khi các sản phẩm được công nhận sẽ góp phần thay đổi nhận thức cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Bởi các sản phẩm đạt chuẩn Ocop sẽ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có chất lượng cao, đầu ra thuận lợi hơn các sản phẩm khác”.


Có thể bạn quan tâm

Gian nan cây mía xứ Tuyên Gian nan cây mía xứ Tuyên

Vùng nguyên liệu giảm, hiệu quả kinh tế thấp, người dân không mặn mà với cây mía… là những rào cản lớn cho sự phát triển của ngành mía đường tỉnh Tuyên Quang.

01/08/2019
Hiệu quả sử dụng chế phẩm AH N08 cho vườn cam Hiệu quả sử dụng chế phẩm AH N08 cho vườn cam

Từ nhiều năm nay, cây cam đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp cho người dân các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc đẩy mạnh.

01/08/2019
Một số giải pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi trong mùa Hè Một số giải pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi trong mùa Hè

Là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh đang chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài và có nhiều diễn biến phức tạp, có lúc xuất hiện các đợt nắng nóng

01/08/2019