Quản lý thủy sản mùa mưa bão
Thời tiết biến đổi thất thường trong mùa mưa bão đã gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủy sản nuôi. Để hạn chế thiệt hại, người nuôi cần chủ động nâng cao và triển khai tốt các giải pháp quản lý là điều hết sức quan trọng.
Kiểm tra lồng, bè nuôi thủy sản khi có mưa bão Ảnh: Vũ Mưa
Ao nuôi nước ngọt
Cần củng cố, tu bổ và kiểm tra các bờ ao, bờ cống. Bờ ao phải đắp cao hơn mực nước ít nhất 0,4 - 0,5 m trở lên. Bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ; chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ gia cố hệ thống bờ bao, cống khi có tình huống xấu xảy ra. Trong trường hợp không thể gia cố bờ cao hơn thì có thể dùng lưới nilon cùng với các cột gỗ vây xung quanh ao để tránh tôm cá ra ngoài khi nước dâng cao, tràn bờ.
Ao nuôi vùng nước lợ, mặn
Khi mưa lớn kéo dài sẽ làm giảm độ mặn đột ngột trong ao, để hạn chế tình trạng này, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước phù hợp. Theo dõi thông tin thời tiết, nếu có dự báo mưa to kéo dài, chủ động lấy nước biển vào ao.
Riêng cá, tôm nuôi ở vùng nước mặn, phải chuẩn bị và có phương án di dời cá, tôm nuôi ở vùng nước mặn đến nơi an toàn. Nên thu hoạch trước tháng 10, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.
Khu vực vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước mưa sẽ làm trôi phèn xuống ao và khiến cho pH trong ao giảm mạnh. Đồng thời, cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.
Nuôi lồng, bè
Khi có thông tin về tình hình mưa, bão, người nuôi đặc biệt chú ý, nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch ngay. Bên cạnh đó, cần tìm vị trí an toàn, kín gió, dòng chảy nhẹ để neo đậu lồng bè tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.
Ngoài ra, trong thời gian này, người nuôi cũng cần chủ động thường xuyên kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời…
Phòng bệnh tổng hợp
Mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường biến đổi thất thường, khả năng đề kháng của thủy sản giảm, tạo điều kiện thuận lợi các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý chặt chẽ ao nuôi và chăm sóc thủy sản. Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn cho tôm cá ăn hàng ngày, liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học Probiotic và Enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột.
Đối với nuôi cá lồng, bè cần sử dụng hóa chất treo trong lồng, bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.
Thời điểm này, người nuôi cần chú ý biện pháp điều trị một số bệnh như: Bệnh trùng bánh xe (do các loại trùng có hình dạng như bánh xe phát triển cao điểm vào các mùa mưa, lũ), bệnh rận cá, đốm đỏ.
Có thể bạn quan tâm
Tổng thư ký Liên minh Thương mại và Nghề cá Iran Ali-Akbar Khodaei cho biết, Iran là nước đứng đầu tại khu vực Trung Đông về sản lượng nuôi trồng thủy sản
Kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ đã giảm trong 7 tháng đầu năm và thị trường Mỹ đã tụt xuống thứ 4 trong số các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Những năm gần đây, tảo biển trở thành nguồn nguyên liệu tiềm năng cho ngành thức ăn thủy sản và cũng là tâm điểm của ngành dinh dưỡng vật nuôi bền vững