Giá / Tin thủy sản

Quản lý thức ăn tự nhiên trong ao

Quản lý thức ăn tự nhiên trong ao
Tác giả: Thái Thuận
Ngày đăng: 26/03/2022

Quần xã sinh vật phù du có mặt trong môi trường nước khác nhau và ao nuôi là một trong những điều kiện thuận lợi nhất để chúng tồn tại và phát triển. Đây được xem là mắt xích quan trọng trong các hệ sinh thái nuôi thủy sản, nhân tố không thể thiếu để duy trì dòng năng lượng cũng như chu kỳ dinh dưỡng của ấu trùng cá, tôm.

Moina một trong những động vật phù du quan trọng nhất trong nước. Ảnh: ST

Vai trò

Trong NTTS, đặc biệt ở giai đoạn phát triển từ ấu trùng/cá bột lên cá giống, thức ăn tự nhiên (bao gồm cả động vật và thực vật hiện diện trong môi trường sống) là thành phần không thể thiếu được của rất nhiều loài cá, giáp xác và thân mềm nước ngọt và lợ, mặn. Theo Trần Thị Thanh Hiền và ctv. (2004), khi cá bột mới nở, kích thước cơ thể nhỏ, hệ thống tiêu hóa và enzyme chưa hoàn chỉnh nên thức ăn tự nhiên là nguồn dinh dưỡng quan trọng để nâng cao chất lượng cũng như tỷ lệ sống của cá. Đây là một trong những yếu tố hạn chế dẫn đến khả năng chọn lựa và sử dụng thức ăn khi cá bột hết noãn hoàng và bắt đầu sử dụng thức ăn từ môi trường bên ngoài. Thông thường, cá bột sau khi tiêu hết noãn hoàng, thức ăn duy nhất được cá ưa thích là động vật phù du.

Vấn đề thiếu thức ăn tự nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến cá bột hao hụt nhiều trong thời gian ương. Do đó, thức ăn tự nhiên bao gồm vi tảo và các loài động vật phù du như: trứng nước (Moina), luân trùng (Rotifera) sống trong môi trường nước là thức ăn thích hợp và quan trọng cho cá bột. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều axit béo cao không no HUFA như: EPA, DHA, ARA và nhiều enzyme cần thiết cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cá bột trong giai đoạn ương mà thức ăn nhân tạo không đáp ứng được. Theo Vũ Ngọc Út và Trần Sương Ngọc (2014), khi cung cấp thức ăn tự nhiên nhất là luân trùng và ấu trùng giáp xác chân mái chèo trong 3 – 4 ngày đầu tiên sẽ cải thiện được tỷ lệ sống của cá tra bột đáng kể.

Các loại

Tảo (thực vật phù du): Là nhóm thức ăn quan trọng, là nguồn thức ăn ban đầu cho các loại sinh vật thức ăn khác trong ao hồ. Tảo có khả năng sinh sản rất nhanh và có giá trị dinh dưỡng cao. Lượng protein của tảo từ 45 – 60% (so với bột cá 45 – 50%) và chứa đầy đủ các amino axit thiết yếu. Hơn 40 loài tảo khác nhau hiện đang được sử dụng làm thức ăn sống cho động vật không xương sống và động vật có xương sống. Các vi tảo được chọn có đặc tính dinh dưỡng phong phú, đặc biệt là axit béo không bão hòa cao (HUFA) n-3, có thể hữu ích cho sự sống sót của ấu trùng cá ấu trùng, tôm và nhuyễn thể.

Động vật phù du: Bao gồm các động vật nhỏ li ti sống trôi nổi trong nước. Chúng có đặc tính vào sáng sớm và ban đêm nổi lên mặt nước, ban ngày thường chìm xuống. Ở độ phóng đại 100 lần của kính hiển vi thông thường đã phát hiện và phân biệt được các loài động vật phù du. Những động vật phù du quan trọng nhất là động vật nguyên sinh (Protozoa), luân trùng (Rolifera) và giáp xác như rận nước (Daphnia), trứng nước hay bo bo (Moina), bọ một mắt (Cyclops)… Những loài này phát triển về mùa xuân, nổi từng đám trên mặt ao (thường vớt về làm thức ăn cho cá vàng). Chúng là thức ăn trực tiếp của các loài cá ở giai đoạn từ cá bột lên cá hương và là thức ăn trực tiếp, của nhiều loài cá trưởng thành. Động vật phù du có giá trị dinh dưỡng cao, với hàm lượng protein là 50%, lại chứa đủ các amino axit thiết yếu.

Quản lý

Thức ăn tự nhiên trong ao phát triển phụ thuộc việc gây màu nước trước khi thả giống; vì vậy, thời điểm chuẩn bị ao, cần thực hiện các biện pháp gây nuôi để nước ao có màu đạt tiêu chuẩn (màu xanh nõn chuối, xanh vàng, màu trà hoặc màu đậu xanh).

Trong quá trình ương, ao thường dễ mất màu ở tháng đầu tiên, để khắc phục sự thiếu hụt nguồn thức ăn tự nhiên trong ao ương cá giống thì việc gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao ương là điều cần thiết. Người nuôi có thể sử dụng các sản phẩm truyền thống để gây nuôi thức ăn tự nhiên như: bột đầu nành, bột huyết, bột cá… hoặc số loại sản phẩm thương mại để mang lại hiệu quả hơn.


Có thể bạn quan tâm

Phòng trị bệnh do vi khuẩn Vibrio Phòng trị bệnh do vi khuẩn Vibrio

Vi khuẩn Vibrio là tác nhân gây ra nhiều bệnh ở thủy sản. Người nuôi cần theo dõi sức khỏe của tôm thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh, tránh ảnh hưởng

26/03/2022
Vương quốc Anh - Nuôi vẹm giúp cải thiện môi trường ven biển Vương quốc Anh - Nuôi vẹm giúp cải thiện môi trường ven biển

Không chỉ cung cấp thức ăn, nơi ở và cấu trúc cho các sinh vật biển khác, vẹm còn đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng tổng thể của nước.

26/03/2022
Nuôi cá chình công nghệ cao trên vùng đất cát Nuôi cá chình công nghệ cao trên vùng đất cát

Một hộ dân tại Quảng Bình đã ứng dụng công nghệ cao nuôi cá chình trên cát thành công rồi chế biến thành đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao.

26/03/2022