Qua Dịch Heo Tai Xanh, Vẫn Còn Nỗi Lo

Đồng Nai là một trong số ít tỉnh dập được dịch heo tai xanh trong thời gian ngắn. Dịch qua, người nuôi heo thở phào nhẹ nhõm. Nhưng theo ngành thú y, nguy cơ tái dịch vẫn còn cao.
Dịch heo tai xanh xảy ra ở Đồng Nai bắt đầu từ giữa tháng 5 và đến cuối tháng 7-2012 hết dịch. Ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), sau đó lan ra 11 xã, thị trấn của 5 huyện. Đồng Nai dập dịch heo tai xanh nhanh, không để lây lan ra diện rộng. Lượng heo chết, bệnh nặng phải tiêu hủy chỉ gần 150 tấn là nhờ kịp thời xác định được chủng virus và chọn loại vaccine phù hợp để tiêm phòng.
* Mầm bệnh vẫn còn
Ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết: “Dịch heo tai xanh đã qua, nhưng mầm bệnh vẫn còn, nếu chăm sóc và phòng dịch không tốt, dịch có thể bùng phát trở lại. Bằng chứng là dịch heo tai xanh vừa qua chủ yếu bùng phát ở các ổ dịch cũ từ năm 2010. Các hộ xảy ra dịch đa số không tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho heo, công tác vệ sinh thú y và chăm sóc không đạt”.
Theo Cục Chăn nuôi, dịch heo tai xanh xuất hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1991 tại Hà Lan và năm 1997 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Lúc đầu, bệnh heo tai xanh xuất hiện chỉ có 2 loại chủng châu Âu và chủng Bắc Mỹ và virus có động lực thấp, tỷ lệ gây chết heo không lớn. 5 năm trở lại đây, dịch tai xanh liên tiếp xảy ra ở các tỉnh trong cả nước. Đồng thời, virus gây bệnh biến thể sang nhiều chủng khác nhau, chuyển thành động lực cao gây chết heo hàng loạt. Tại Đồng Nai, đợt dịch năm 2010 phải tiêu hủy gần 100 ngàn con heo các loại.
Heo bị mắc bệnh tai xanh sau khi chữa khỏi, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể trên 17 tuần, đó là nguồn bệnh rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, virus tai xanh sống khá lâu trong phân, nước tiểu của heo bệnh. Như vậy, với đàn heo đã khỏi bệnh lâm sàng, mầm bệnh vẫn còn tồn tại thời gian dài. Vì thế, chỉ cần người chăn nuôi lơ là, không chăm sóc, vệ sinh tốt để tăng sức đề kháng cho đàn heo thì dịch dễ dàng xảy ra.
Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, thừa nhận: “Vĩnh Cửu đã công bố hết dịch tai xanh nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao. Hiện giá heo đang ở mức thấp làm người chăn nuôi thua lỗ lớn, nhiều hộ thiếu vốn chỉ nuôi dưỡng đàn heo cầm chừng cũng là nguy cơ dịch sẽ quay lại”.
* Phòng dịch không dễ
Hiện nay, giá heo hơi bán tại các trại ở Đồng Nai dao động từ 38 - 40 ngàn đồng/kg. Với giá heo hơi như trên, người nuôi đang chịu thua lỗ 5 - 7 ngàn đồng/kg. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Trong điều kiện chăn nuôi heo đang thua lỗ như hiện nay, rất ít người chăn nuôi nhỏ lẻ có điều kiện vệ sinh, chăm sóc tốt cho đàn heo. Vì thế, công tác phòng dịch trong thời gian tới sẽ càng khó khăn”.
Vừa qua, dịch xảy ra là do người chăn nuôi ở nhiều địa phương chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc và bệnh tai xanh cho đàn heo. Sau khi dịch xảy ra, tỉnh đã hỗ trợ vaccine và huy động lực lượng thú y tiêm phòng miễn phí cho những hộ có tổng đàn heo dưới 100 con mới dập và khống chế được dịch.
Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai nhận định: “Do giá vaccine tai xanh cao (khoảng 38 ngàn đồng/liều) nên ở một số huyện, thị, người chăn nuôi không tiêm phòng cho đàn heo, như: Nhơn Trạch, Long Thành, Định Quán, Trảng Bom và TX. Long Khánh. Vì không tiêm phòng, dịch bùng phát ở những ổ dịch cũ. Tới đây, khi vaccine tai xanh hết hiệu lực, nếu người chăn nuôi không tiêm phòng lại sẽ rất khó phòng dịch”.
Trong điều kiện chăn nuôi đang khó khăn, các huyện, thị đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ vaccine tai xanh và vaccine các bệnh bắt buộc khác để tiêm phòng cho đàn heo nhỏ lẻ. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo, dịch tai xanh đã hết nhưng nguy cơ bùng phát lại vẫn rất cao. Do đó, từ huyện, thị xuống đến xã, phường phải xây dựng được kế hoạch phòng dịch và chủ động dự trữ vaccine phù hợp với chủng virus gây bệnh. Đồng thời, cơ quan thú y thường xuyên lấy mẫu kiểm tra xem virus thuộc chủng nào và có biến thể mới không để có thông báo và chuẩn bị biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, để công tác phòng dịch tai xanh trong thời gian tới hiệu quả, các huyện, thị phải thống kê được tổng đàn, kiểm tra chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ phòng chống dịch. Sau 6 tháng tái đàn, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ vaccine cho những hộ nuôi dưới 100 con heo để phòng dịch. Qua đợt dịch vừa rồi, người chăn nuôi trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, các địa phương nên rà soát lại, kiến nghị với UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ giúp người dân đủ khả năng tái đàn.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.

Trong điều kiện con tôm cho thu nhập chưa thật sự ổn định, liên tục các năm qua, huyện Đầm Dơi tăng cường phát động bà con nhân dân tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu. Chủ trương này được người dân trong huyện đồng tình hưởng ứng khá tốt.

Sau khi thực hiện thành công dự án "Phát triển đàn cá tra bố mẹ hậu bị tốt" Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã phát tán 5.600 cá tra bố mẹ hậu bị có lý lịch rõ ràng, ngoại hình hoàn chỉnh, không đồng huyết, cận huyết cho 3 cơ sở sản xuất cá tra bột trong tỉnh và sẵn sàng cung cấp tiếp 4.000 con cho các cơ sở sản xuất cá tra bột có yêu cầu thay đổi đàn cá bố mẹ, nhằm tạo đàn cá bố mẹ hậu bị tốt để cung cấp con giống chất lượng cao cho ngư dân thả nuôi, góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cá tra An Giang.