Phục Tráng Giống Cam Chanh Đặc Sản Ở Ninh Giang
Nhằm hồi phục và tiếp tục phát triển giống cam chanh đặc sản, từ năm 2011, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai đề tài “Chọn lọc và phục tráng giống cam chanh đặc sản của huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương” bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Huyện Ninh Giang (Hải Dương) có 8.000ha đất nông nghiệp, hệ thống sông suối, kênh mương thuận lợi cung cấp nước ngọt cho việc trồng các cây ăn quả. Cây cam chanh có truyền thống trồng từ lâu đời và được coi là cây đặc sản của vùng, chất lượng cao, quả ngọt, thơm ngon. Tuy nhiên, trong quá trình thâm canh, nông dân chưa được trang bị kỹ thuật về chọn lọc duy trì giống cũng như kỹ thuật chăm sóc dẫn đến tình trạng cây bị thoái hóa, sâu bệnh, làm giảm năng suất và chất lượng giống.
Quy trình phục tráng giống cam chanh được tiến hành dựa trên bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, Ban chủ nhiệm đề tài đã điều tra cây mẫu trên quy mô ba xã Đồng Tâm, Văn Hội, Vĩnh Hòa với các tiêu chí diện tích, năng suất, chất lượng, sinh trưởng, phát triển, hình thái, tình hình sâu bệnh,… qua đó lựa chọn 1.000 cây giống để theo dõi và lai tạo.
Các giai đoạn sau đó, sử dụng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ để nhân cây con từ cây vật liệu khởi đầu, chọn các cây đầu dòng tiếp tục nhân giống các cây ưu tú và cây con giống cấp một phục vụ sản xuất.
Kết quả, đề tài đã xuất vườn được trên 1.000 cây giống cam chanh Ninh Giang sạch bệnh từ các cá thể ưu tú với tỷ lệ sống trên 80%. Về chất lượng, các cây tuyển chọn đều cho năng suất liên tục trong 2 năm liên tiếp bình quân 40 kg quả/cây.
Giống có đặc tính nông học quý: hàm lượng đường khoảng 9%, đường khử 4,85%, vitamin C 38,13 mg/100g, chất khô 14,8%, ít hạt, ít xơ, mẫu mã đẹp, vỏ màu vàng tươi, thu hoạch quả sớm vào tháng 8 - 9. Một cây cam chanh 3 tuổi thu được khoảng 20 - 25 tấn quả/năm, giá bán bình quân 20 - 30 nghìn đồng/kg cho thu nhập 400 - 500 triệu/ha.
Theo tiến sỹ Đào Xuân Thảng, chủ nhiệm đề tài, giống cam chanh là giống đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng vùng Ninh Giang, giá thành sản phẩm lại cao. Trong quá trình canh tác, nông dân cần lưu ý điều chỉnh liều lượng đạm sao cho phù hợp: năm đầu 0,5 kg/cây, năm thứ hai 1 kg/cây, từ năm thứ ba 2 kg/cây gồm U rê, Kali và Lân Supe.
Để phòng tránh tác hại của sâu vẽ bùa ăn lá, cần tuân thủ công thức sử dụng thuốc phun lần một sau khi lộc xuất hiện 2 ngày và lần hai sau khi phun lần một 7 ngày. Các loại thuốc bảo vệ thực vật như Trebon 10EC, Sherzol 50EC, Boodo 1%, Topxin 1% có hiệu quả cao trong việc loại trừ các loại côn trùng gây hại khác như rầy, rệp muội, nhện đỏ.
Có thể bạn quan tâm
Tự mình làm trước để rút kinh nghiệm, rồi hướng dẫn hội viên trồng lúa giống mới, rau sạch, nuôi gà siêu trứng, giúp vay vốn ưu đãi... Những cách làm ấy của chị Phan Thị Hường - Chủ tịch Hội ND xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội đã giúp nhiều gia đình hội viên tăng thu nhập.
Nghề chụp mực và lưới vây tuyến lộng cho hiệu quả sản xuất cao trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ đầu vụ cá nam đến nay. Đây cũng là 2 kiểu đánh bắt chính được nhiều ngư dân đầu tư phương tiện, mở rộng ngư trường hoạt động trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo, đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định này là tổ chức lại đầu mối xuất khẩu gạo.