Phú Yên: Tái phát bệnh sữa ở tôm hùm
Là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên, thị xã Sông Cầu đang thả nuôi gần 29.000 lồng. Tuy nhiên, tôm nuôi tại đây đang tái phát dịch bệnh sữa và chết rải rác.
Tôm hùm bị bệnh sữa gây thiệt hại cho người nuôi Ảnh: CTV
Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho biết, tại vị trí lấy mẫu, tỷ lệ tôm hùm nuôi trong lồng bị bệnh sữa chiếm 10 - 15% và nhiều hơn so cùng kỳ năm ngoái; phổ biến là tôm hùm có trọng lượng từ 0,5 - 0,6 kg. Khi tôm bị bệnh, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục, dịch tiết (gồm cả máu) của tôm có màu đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão. Gan tụy chuyển màu nhợt nhạt, có trường hợp hoại tử. Bệnh xảy ra ở ở tôm từ 50 - 500 g/con, gây chết từ rải rác đến hàng loạt.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên Nguyễn Tri Phương chia sẻ, nguyên nhân là do mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng và số con trong mỗi lồng nuôi, làm lưu tốc dòng chảy kém, cản trở lưu thông nước. Trong khi, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã làm cho nước tại các vùng nuôi tôm hùm ở Sông Cầu bị ngọt hóa thời gian dài, dẫn đến sức đề kháng của tôm bị suy yếu, tạo thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh.
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo, các hộ nuôi trước khi cho tôm ăn cần kiểm tra chất lượng thức ăn, cần thiết giảm 50% khối lượng để tránh dư thừa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, cần tăng sức khỏe cho tôm hùm bằng cách sử dụng thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng và bổ sung chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất để tôm tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi và tác nhân gây bệnh.
Sở NN&PTNT Phú Yên chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản mở lớp tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng trị bệnh tôm hùm cho người dân. Cơ quan này chú trọng kiểm dịch, nhất là giống tôm hùm nhập khẩu; kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, vật tư đầu vào nuôi trồng thủy sản. Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên thường xuyên lấy mẫu nước tại vùng nuôi định kỳ mỗi lần 15 mẫu để xét nghiệm; qua đó, hướng dẫn người nuôi xử lý môi trường, bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng của tôm...
Thời gian tới, UBND tỉnh Phú Yên sẽ ban hành quy định chi tiết về quản lý, đăng ký lồng, bè nuôi thủy sản trên biển nói chung, tôm hùm nói riêng; hướng dẫn các địa phương thực hiện đăng ký cơ sở nuôi, đánh số cơ cở nuôi thủy sản bằng lồng bè; ban hành quy định hạn mức diện tích, thời gian giao hoặc cho thuê mặt nước biển để nuôi tôm hùm...
Có thể bạn quan tâm
Điều kiện bảo quản của kho lạnh tốt sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu.
Sau nhiều thăng trầm, đối diện nhiều thách thức từ các hàng rào kỹ thuật của các nước, giá cá tra ở ĐBSCL đã duy trì ở mức cao và người nuôi đạt lợi nhuận cao
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn (ương, nuôi) ứng dụng công nghệ cao được nhiều hộ nông dân các huyện Cần Giờ, Nhà Bè phát triển