Giá / Tôm sú

Phòng, trị bệnh ở tôm sú

Phòng, trị bệnh ở tôm sú
Tác giả: Ban KHKT
Ngày đăng: 04/08/2020

Hỏi: Khắc phục hiện tượng tôm sú chậm lớn?

(Phan Văn Hoàng, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)

Trả lời:

Tôm sú chậm lớn là do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể tôm giống nhiễm bệnh còi do MBV (Monodon Baculovirus) hoặc HPV (Hepatopancreatic parvovirus) hoặc bị Hội chứng chậm lớn trên tôm sú LSNV (Laem singh virus). Ngoài ra, sử dụng tôm bố mẹ không đảm bảo chất lượng, lạm dụng kháng sinh trong quá trình nuôi cũng là nguyên nhân khiến tôm chậm lớn.

Để khắc phục, người nuôi cần thực hiện các giải pháp sau:

Tôm giống chọn mua ở các cơ sở có uy tín chất lượng, đạt yêu cầu thả nuôi (kích cỡ PL 15) và phải có kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền.

Duy trì mật độ thả nuôi phù hợp.

Trong quá trình nuôi cần định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học và sản phẩm dinh dưỡng tăng sức đề kháng.

Ổn định môi trường ao nuôi bằng cách quản lý tốt các yếu tố chất lượng (ôxy hòa tan, pH, độ kiềm), sử dụng sản phẩm vi sinh làm sạch môi trường; thay nước định kỳ để cung cấp ôxy và thức ăn tự nhiên cho tôm; duy trì chế độ quạt nước, mực nước hợp lý (trên 1,2 m); quản lý thức ăn chặt chẽ, tránh thức ăn dư thừa.

Chọn thức ăn có chất lượng tốt, bảo quản đúng kỹ thuật, tính toán lượng thức ăn phù hợp. Định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất vào trong thức ăn. Đồng thời, áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trên tôm nuôi, khi xảy ra dịch bệnh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

Hỏi: Tôm sú ăn ít, di chuyển chậm, trên vỏ tôm xuất hiện màu xám bẩn. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

(Võ Trọng Nam, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Với những triệu chứng trên có thể tôm sú bị bệnh đóng rong. Bệnh do một vài nhóm hay rất nhiều nhóm sinh vật cùng gây ra, như: vi khuẩn dạng sợi, nấm, nguyên sinh động vật hay tảo… Các mầm bệnh này có thể phát sinh từ môi trường nuôi. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những con tôm có những sức khỏe kém. Bởi lúc này, tôm yếu không thể tự làm sạch cơ thể hay lột xác được bình thường. Khi bị bệnh, khắp bề mặt cơ thể tôm dơ bẩn, đóng rong, nhớt. Tùy từng tác nhân gây bệnh mà cơ thể tôm, phụ bộ sẽ mang những màu sắc khác nhau. Khi bệnh nặng, tôm lờ đờ, di chuyển chậm chạp trên mặt nước hoặc mé ao.

Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nên cần phải quan tâm đến các dấu hiệu ban đầu để xử lý kịp thời nhất. Việc đầu tiên cần làm là giảm ngay lượng thức ăn từ 5 - 10% kết hợp với trộn Vitamin C, tạt khoáng chất giúp tăng sức đề kháng và kích thích quá trình lột vỏ cứng. Tiến hành cải tạo nước ao nuôi, cho tôm ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Cung cấp đầy đủ ôxy sẽ giúp tôm dễ dàng lột xác hơn. Mặt khác, người nuôi nên sử dụng men vi sinh định kỳ, quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao nuôi nhằm đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm.


Có thể bạn quan tâm

Bệnh đen mang trên tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm Bệnh đen mang trên tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm

Bệnh đen mang là bệnh thường gặp ở tôm nuôi trong các ao nuôi có môi trường không tốt, mật độ nuôi dày

04/08/2020
Thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến tăng trưởng của tôm sú chưa thành niên (Juvenile) Thời gian chiếu sáng ảnh hưởng đến tăng trưởng của tôm sú chưa thành niên (Juvenile)

Ánh sáng là yếu tố môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng đến tập tính đào hang và sinh sản của tôm sú.

04/08/2020
Ảnh hưởng của độ mặn lên hiệu quả sử dụng thức ăn và tiêu hao oxy của tôm sú Ảnh hưởng của độ mặn lên hiệu quả sử dụng thức ăn và tiêu hao oxy của tôm sú

Nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng của độ mặn lên thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn, độ tiêu hóa (thức ăn, đạm, năng lượng) và tiêu hao oxy cơ sở của tôm sú

04/08/2020