Giá / Tin thủy sản

Phòng trị bệnh cho tôm nuôi trong mùa mưa

Phòng trị bệnh cho tôm nuôi trong mùa mưa
Tác giả: Ngọc Khuê
Ngày đăng: 20/07/2018

Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đã cải tạo ao xong, tiến hành thả giống theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp. Từ đầu vụ đến nay, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, tuy nhiên dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ở quy mô nhỏ và diện tích thiệt hại giảm so với cùng kỳ năm 2015. Bước vào cao điểm mùa mưa, bà con cần quan tâm các giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa những bệnh nguy hiểm trên tôm để có 1 vụ nuôi thắng lợi.

Trải vôi hạn chế tạp chất bùn đất tràn xuống ao nuôi.

Tính đến đầu tháng 7/2016, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trong tỉnh gần 25.000 ha, (trong đó: tôm sú 8.500 ha và tôm thẻ 16.500 ha), tăng hơn 8,5% so cùng kỳ năm 2015. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên 3.000 ha, chiếm 12% diện tích thả giống (trong đó thị xã Vĩnh Châu 1.430 ha, huyện Mỹ Xuyên 1.140 ha, huyện Trần Đề 306 ha, huyện Cù Lao Dung 78 ha), diện tích thiệt hại thấp hơn 2.800 ha so cùng kỳ năm 2015.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, từ đầu vụ nuôi nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao, bây giờ vào mùa mưa, diện tích tôm nuôi bị chết có xu hướng tăng lên. Tôm chết chủ yếu từ 20 – 45 ngày tuổi đối với thẻ chân trắng và 25 – 65 ngày đối với tôm sú, khiến người nuôi tôm thiệt hại rất lớn. Ông Bố Sươl ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Năm nay nắng hạn kéo dài quá lâu nên tôm sú, tôm thẻ rất dễ bị sốc nắng. Đa số diện tích bà con thả nuôi lúc nắng hạn đều bị thiệt hại khá nhiều”.

Theo báo cáo của các địa phương, tôm nuôi trong tỉnh bị thiệt hại do 3 nguyên nhân chính: do nhiễm bệnh đốm trắng (182 ha), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (752ha) và cao nhất là chết do khí độc từ yếu tố môi trường biến động (trên 2.000 ha). Ông Nhan Trung Nghĩa, Phó Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Dự đoán thời gian tới do thời tiết mưa nhiều, bị lạnh là điều kiện cho bệnh đốm trắng bùng phát trên tôm, có thể gây nhiều thiệt hại. Do đó người nuôi cần thận trọng trong việc thả giống và không nên thả nuôi quá dầy”.

Hộ nuôi tôm tranh thủ thả nuôi cho đúng lịch thời vụ

Trong những tuần qua tuy mưa khá nhiều nhưng nước trong ao độ mặn còn cao người nuôi đang tập trung thả giống, diện tích thả nuôi tăng mạnh và sẽ tiếp tục tăng ở Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên do nhiều ao nuôi đã cải tạo xong. Do diện tích thả giống tăng nhanh, số lượng con giống chất lượng đáp ứng không đủ. Mặt khác các ngành chức năng dự đoán thời gian tới mưa nhiều, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của virus đốm trắng và các bệnh nguy hiểm khác trên tôm, người nuôi cần hết sức lưu ý. Ông Trần Ngọc Tuấn, Phòng Quản lý dịch bệnh – Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo: “Đối với các diện tích nuôi tôm nước lợ bà con cần lưu ý các bệnh đốm trắng, gan tụy cấp trên tôm. Bà con phải chú ý đến các yếu tố môi trường, khí độc, thủy hóa trong ao nuôi, mực nước, tăng cường dinh dưỡng trong thức ăn cho tôm khi mưa nhiều và có các biện pháp phòng ngừa theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đối với bệnh gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ”.

Để chủ động quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ông Trần Tuấn Phong, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hiện nay yếu tố môi trường là điều bà con phải quan tâm nhiều nhất để quản lý tốt ao nuôi của mình khi thời tiết mưa nhiều và kéo dài như hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh chủ động tại các tuyến kênh cấp nước, để cảnh báo dịch bệnh trên tôm trong vùng nuôi. Tăng cường quản lý chất lượng tôm giống đầu vào như tổ chức tuần tra liên ngành để kiểm tra lượng tôm giống nhập tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý các lô tôm bị nhiễm bệnh. Tăng cường cán bộ kỹ thuật giám sát dịch bệnh tận các vùng nuôi và hộ nuôi”.

Vụ nuôi tôm chính vụ năm 2016, yếu tố môi trường nuôi là khâu quan trọng nhất.

Ngoài trang bị những kiến thức cần thiết để quản lý sức khỏe tôm nuôi, người nuôi tôm cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng cán bộ kỹ thuật, để có biện pháp phòng chống dịch bệnh tôm đồng bộ và kịp thời, giúp cho vụ nuôi thành công.


Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp thành công nhờ liên kết nuôi cá theo công nghệ Isarel Khởi nghiệp thành công nhờ liên kết nuôi cá theo công nghệ Isarel

Tốt nghiệp ĐH Thuỷ sản Nha Trang, anh Việt đã không tìm việc làm ổn định ở cơ quan nhà nước mà quyết định về quê, mang kiến thức học được, để khởi nghiệp

20/07/2018
Bước đột phá trong kiểm soát bệnh Amoebic Gill (AGD) Bước đột phá trong kiểm soát bệnh Amoebic Gill (AGD)

AGD là bệnh mang do amip gây nhiều thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản. Bệnh này do loài amip có tên khoa học là Neoparamoeba.

20/07/2018
Nutraceutics (thực phẩm hỗ trợ) trong kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn nước lạnh gây nên Nutraceutics (thực phẩm hỗ trợ) trong kiểm soát dịch bệnh do vi khuẩn nước lạnh gây nên

Ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản đã phát triển đáng kể trong những thập niên gần đây và ngày nay đã trở thành một trong những ngành sản xuất thực phẩm

20/07/2018