Giá / Mô hình kinh tế

Phòng Sâu Đục Trái Bưởi Bằng Ny-Lông

Phòng Sâu Đục Trái Bưởi Bằng Ny-Lông
Tác giả: 
Ngày đăng: 06/06/2013

Trong khi sâu đục trái bưởi hiện chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, thì nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã dùng túi ny-lông bao trái, kết hợp biện pháp phòng trị tổng hợp bước đầu mang lại hiệu quả.

Giảm thiệt hại đáng kể

Ông Phạm Văn Há (ấp Phú Long, xã Tân Phú - Tam Bình - Vĩnh Long) cho biết: Đây là vụ bưởi thứ 2 liên tiếp ông sử dụng túi ny- lông để bao trái bưởi phòng sâu đục trái gây hại, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Ông Phạm Văn Há có gần 100 gốc bưởi Năm Roi.

Những mùa bưởi vừa qua liên tiếp bị thất thu do sâu đục trái tấn công, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng trị. Cách nay hơn 1 năm, ông đã học được cách bọc trái bằng túi ny- lông ở một vườn lân cận, sau đó về áp dụng làm theo. Vụ bưởi vừa qua, năng suất tuy có giảm nhưng sâu đục trái giảm khoảng 80%, bước đầu đã có bưởi thu hoạch trở lại.

Ông Nguyễn Văn Hải- ngụ cùng ấp trồng hơn 50 gốc bưởi Năm Roi cho biết: Thời gian bưởi ra hoa đến thu hoạch từ 7- 9 tháng, trước đây bình quân mỗi tháng phải phun từ 1- 2 lần thuốc để phòng trừ sâu.

Nhưng hiện nay, trước khi bao trái chỉ cần xử lý thuốc một lần để tiêu diệt mầm bệnh cũng như các loại nấm ký sinh trên trái bưởi, vì vậy hạn chế được chi phí. Để thuận tiện trong việc bao trái, ông Hải đã “chế” ra cây bao trái bằng ống inox, dài từ 3- 4m.

Một đầu cây có lắp que nhôm, uốn thành vòng tròn vừa với miệng túi ny-lông. Ở đầu này, xẻ một khe nhỏ, dài khoảng 40cm, để cho lò xo đặt bên trong kéo một cái móc di chuyển lên xuống được. Bên trong ống inox có luồn sợi dây nối với một đầu lò xo.

Khi bọc trái bưởi, lắp miệng túi ny-lông vào vòng tròn bằng nhôm, có gắn miếng dính để giữ miệng túi. Miệng túi có dây rút và một đầu dây rút gắn vào móc, cầm cây bọc trái bưởi, đưa trái bưởi vào miệng bao và giật nhẹ sợi dây luồn trong ống inox miệng bao khép lại, lò xo trả chiếc móc về vị trí cũ và nhả sợi dây ở miệng bao ny-lông ra.

Với cách làm này, theo ông Hải một người có thể bao khoảng 200 trái bưởi/ngày, gấp 10 lần bọc trái bằng tay.

Khuyến khích nhà vườn làm theo

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, “sâu lạ” đục trái bưởi thời gian qua được xác định là sâu hồng không chỉ đục phá bưởi mà còn cắn phá một số loại cây có múi khác như cam, chanh và đang có dấu hiệu tăng nhanh.

Theo nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Cần Thơ, sâu hồng có tên khoa học là Citripestis sagittiferella, đã xuất hiện ở Indonesia và Malaysia rất lâu và mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Sâu con sau khi nở ra sẽ bắt đầu đục từ dưới đáy trái bưởi và ăn sâu vào trong ruột.

Vì vậy các loại thuốc trừ sâu coi như vô hiệu dù phun xịt. Khi sâu đến tuổi thứ 5 thì chui ra ngoài, rớt xuống đất trở thành nhộng, sau đó nở thành bướm và tiếp tục gây hại.

Theo nhiều nhà vườn, sử dụng túi ny- lông bao trái không chỉ hạn chế sự tấn công và gây hại của sâu đục trái mà còn giảm được lượng thuốc hóa học, bưởi đưa ra thị trường đạt chất lượng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nghĩa- Chủ nhiệm Hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- Bình Minh), cái khó để khuyến cáo nhà vườn áp dụng làm theo do tăng chi phí thuê nhân công bao trái và túi ny- lông nên những diện tích nhỏ nhà vườn thường không áp dụng.

“Đối với những vườn bưởi tơ việc bao trái còn dễ dàng nhưng đối với những vườn bưởi đã trên chục năm tuổi cành lá um tùm thì rất khó thực hiện”.

Trước tình hình thực tế, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn bà con cách tỉa cành, tạo tán nhằm dễ dàng bao trái, đồng thời tạo được sự thông thoáng cho vườn thuận lợi việc chăm sóc. Tại huyện Bình Minh, sâu đục trái gây hại 1.895/1.931ha trồng, thời gian qua huyện tổ chức 29 cuộc tập huấn, hội thảo để hướng dẫn người dân cách phòng trị sâu đục trái.

Kỹ sư Thái Thành Triều- Trưởng Phòng Kỹ thuật- Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết: Hiện Chi cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng mô hình thí điểm phòng trừ sâu đục bưởi tại xã Mỹ Hòa (Bình Minh) diện tích 3ha để nông dân làm theo.

Tuy nhiên, để hiệu quả cao, trước khi bao phải xịt thuốc để vệ sinh trái, đồng thời, phải thường xuyên thu gom, hái tất cả các trái bị sâu đục, sau đó chặt nhỏ bỏ vào túi nhựa, buộc kín, đem chôn xuống hố sâu hoặc đem phơi nắng 4 - 5 giờ để diệt sâu còn ở bên trong trái.

Cắt tỉa cành già cỗi, nhiễm sâu bệnh sau khi thu hoạch trái để vườn thông thoáng, kết hợp với việc làm cỏ, dọn sạch rác mục dưới gốc, bón phân hữu cơ, bồi sình để vừa diệt nhộng vừa kích thích cây cho ra chồi, ra hoa đồng loạt.

“Nếu bao trái tỷ lệ thành công hơn 60%. Chi phí bao trái bưởi khoảng 2.000 đ/trái, trong khi một trái bưởi hiện cho thu hoạch khoảng 60.000đồng, tính ra nhà vườn vẫn còn huê lợi cao.” - Kỹ sư Thái Thành Triều tính toán.

Nhà vườn Bến Tre trừ sâu đục trái bưởi bằng long não

Anh Nguyễn Tấn Thành (ấp Long Khánh, xã Tân Thiềng- Chợ Lách- Bến Tre) đang sử dụng long não trong vườn bưởi da xanh của mình để phòng trị sâu đục trái sau khi học hỏi ở một số vườn bưởi đã áp dụng hiệu quả. Anh Thành dự tính, tỷ lệ trái cho thu hoạch hơn 60%, trong khi những vụ trước thiệt hại gần như hoàn toàn. 1 công bưởi da xanh anh Thành treo khoảng 1kg long não, thời điểm bắt đầu ra trái. Trước khi treo phải bẻ bỏ tất cả trái bị sâu đục trên cây đem đi tiêu hủy, sau đó phun thuốc bảo vệ thực vật khắp vườn rồi mới tiến hành treo.


Có thể bạn quan tâm

Lỏng Lẻo Trong Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống Lỏng Lẻo Trong Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống

Cần quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống là vấn đề đặt ra khi trải qua nhiều biến cố của vụ mùa năm 2012: dịch bệnh hoành hành, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, biến đổi khí hậu,… gây thất thu cho người nuôi tôm. Nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng tôm giống không bảo đảm.

06/06/2013
Người Nuôi Gà Lại Thua Lỗ Ở Đồng Nai Người Nuôi Gà Lại Thua Lỗ Ở Đồng Nai

Hiện nay, giá gà tam hoàng các trang trại ở Đồng Nai bán ra chỉ còn 37 - 38 ngàn đồng/kg, giảm 7-8 ngàn đồng/kg so với đầu tháng 3-2013. Như vậy, chỉ trong khoảng 20 ngày, giá gà tam hoàng trên địa bàn tỉnh đã giảm 13 - 14 ngàn đồng/kg.

06/06/2013
Dỡ Bỏ Bẫy Bắt Tôm Hùm Con Dỡ Bỏ Bẫy Bắt Tôm Hùm Con

Vài năm gần đây, để tạo nguồn thu nhập trong những mùa biển vụ bấc, bà con ngư dân Phan Thiết đã đưa nghề bẫy bắt tôm hùm con vào hoạt động. Từ đây, nhiều tuyến biển gần bờ phục vụ giao thông, du lịch bị phủ đầy phao nổi của lưới bẫy bắt tôm hùm. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, vừa qua, TP. Phan Thiết đã ra quân kiểm tra, xử lý khu vực “nóng” thường xuyên xảy ra tình trạng đặt bẫy tôm hùm con trái phép.

06/06/2013