Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm Trên Chim Cút
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ 2/7/2013 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở một số hộ chăn nuôi chim cút tại tỉnh Tiền Giang; một số chim cút mắc bệnh và phải tiêu hủy là hơn 26 ngàn con, nguy cơ dịch lây lan sang đàn gia cầm là rất cao.
Mặt khác, theo thông báo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, từ đầu năm đến nay, Campuchia đã có 14 người bị nhiễm cúm gia cầm H5N1 và 9 người đã tử vong, Việt Nam có 2 người mắc bệnh và 1 người đã tử vong.
Để chủ động giám sát, phát hiện và khống chế các ổ dịch cúm trên gia cầm, chim cút, đặc biệt là ngăn chặn không để dịch bệnh trên đàn chim cút lây lan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện khẩn đề nghị tỉnh Tiền Giang tập trung mọi lực lượng bao vây dập tắt dịch, không để dịch lây lan rộng; tổ chức tiêu hủy ngay đàn chim cút mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhanh chóng tiêm phòng cho đàn gia cầm trong khu vực có ổ dịch để bao vây dịch…
Đối với các tỉnh, thành phố chưa có dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chỉ đạo rà soát số cơ sở nuôi chim cút, số lượng chim cút trên địa bàn để theo dõi, quản lý.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch và xử lý kịp thời, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, nơi có chăn nuôi chim cút.
Bộ cũng giao Cục Thú y sớm hoàn thành thử nghiệm tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên chim cút, xác định chủng loại vắc xin phù hợp và thông báo cho các địa phương để phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, tính đến đầu tháng 7.2013, toàn tỉnh có 1.142,6ha/29.572ha mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Trong đó, phân theo mức độ hại như sau: 694,7ha nhiễm dưới 30%; 345ha nhiễm 30-70%; 102,9ha nhiễm trên 70%. Diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng còn lại trên đồng là 1.095,6ha, trong đó có 648,7ha nhiễm dưới 30%; 344ha nhiễm 30-70%, 102,9ha nhiễm trên 70%.
Chỉ tính riêng số tiền mua thức ăn cho cá chẽm đã lớn nhưng chưa có người mua đã tốn của 100 hộ nuôi ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh số tiền khoảng 250 triệu đồng/ngày. Và không một ai biết được đến bao giờ mới bán được số cá nuôi trên.
Năm 2012 Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ triển khai mô hình trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) tại hai xã Ba Tiêu và Ba Vinh. Mô hình này đã giúp hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.